Huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) có 1.500 ha trồng mía và gần 3.000 ha trồng chuối chủ yếu tại các xã thuộc An Minh Bắc, Minh Thuận, Thạnh Yên và Vĩnh Hòa.
Mía trồng nhưng để trổ cờ
Vào những ngày này, đi dọc vùng đệm U Minh Thượng qua các xã Minh Thuận, Vĩnh Hòa, người ta thấy mía quá độ thu hoạch trổ cờ trắng trên nhiều cánh đồng. Ông Trần Trung Thành (xã Vĩnh Hòa) cho biết gia đình ông có hơn 2 ha mía, mỗi năm thu về khoảng 70-80 triệu đồng.
“Năm nay thu hoạch một nửa mà chưa được 20 triệu đồng, phần còn lại chưa biết có thu hoạch không vì giá mía quá thấp, công đốn mía đắt đỏ, thuê không có người. Cận Tết rồi mà không có tiền trả nợ ngân hàng, không có tiền sắm đồ Tết cho con, thật buồn!” - ông Thành ngậm ngùi.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân huyện U Minh Thượng, cho hay huyện còn khoảng 350 ha mía chưa thu hoạch, tương đương gần 30.000 tấn mía không có thương lái đến mua. “Hiện mía đem ra tận ngoài đê bao thương lái mua 420 đồng/kg, còn trong đê bao chỉ 350 đồng/kg vì phải thuê nhân công chở ra ngoài đê. Giá xuống quá thấp làm nhiều hộ để mía chết khô rồi đốt bỏ” - ông Hiền nói.
Cũng theo ông Hiền, do lo nông dân trồng mía không có đầu ra, mỗi năm từ đầu vụ, huyện U Minh Thượng đã phối hợp với Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ ký kết bao tiêu với giá 830 đồng/kg mía (loại đạt 10 chữ đường), giao tại nhà máy đường ở Vị Thanh (Hậu Giang). “Năm nay do nguồn cung mía nguyên liệu tăng, nhà máy sản xuất đường không tiêu thụ được nên không mua mía vào. Lý do họ đưa ra là “mía không đủ chữ đường” nên không mua hoặc mua với giá bèo” - ông Hiền cho biết thêm.
Nông dân xã Vĩnh Hòa, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) đốn mía.
Anh Phạm Văn Nghị, ấp An Hòa, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang), lo lắng việc chuối xiêm liên tục rớt giá.
Giá chuối “tuột dốc không phanh”
Chung tình cảnh như nông dân trồng mía, những hộ trồng chuối xiêm nơi đây cũng đang điêu đứng bởi giá chuối “tuột dốc không phanh”. Chuối là một trong hai loài cây trồng chủ lực được huyện U Minh Thượng khuyến khích trồng vì phù hợp với vùng đệm, chi phí chăm sóc thấp, nhiều năm qua mang lại thu nhập tương đối tốt cho người dân.
Hiện toàn huyện có khoảng 3.000 ha trồng chuối chủ yếu ở hai xã An Minh Bắc và Minh Thuận.
Ông Phạm Văn Nghị (xã An Minh Bắc) cho biết trước Tết nguyên đán 2018, thương lái vào tận bờ bao mua chuối với giá 4.000-6.000 đồng/nải thì khoảng tháng 6-2018 đến nay, chuối thu hoạch xong chuyển ra tận bờ bao nhưng thương lái chỉ mua với giá 2.000 đồng/nải.
Còn ông Nguyễn Văn Phương (xã An Minh Bắc) có 4 ha chuối, những năm trước đây mỗi tháng gia đình ông thu nhập không dưới 80 triệu đồng từ chuối nải và bắp chuối. Nhưng với giá cả hiện nay chỉ còn khoảng 20 triệu đồng/tháng.
“Lúc hút hàng, chuối lớn nhỏ gì thương lái cũng mua hết, giờ trái hơi nhỏ chút họ cũng bỏ lại nên nhiều người tận dụng thu hoạch bắp chuối bán 3.000 đồng/bắp. Chưa bao giờ giá chuối trái rớt thảm như bây giờ” - ông Phương lo lắng.
Thương lái mua chuối vùng U Minh Thượng chủ yếu bán qua Campuchia. Nhưng hiện Campuchia cũng trồng chuối nhiều nên người dân gặp khó. Chuối không bán được phải chặt cho cá ăn, nhiều người bỏ công lột vỏ nướng bán hoặc đem chuối đi bán dạo. Ông NGUYỄN VĂN HIỀN, Theo nhiều nông dân, mía các vụ trước giá khoảng 1.000 đồng/kg, đến đầu năm 2018 giảm còn 830 đồng/kg, nông dân vẫn có lãi. Thế nhưng với giá 350-420 đồng/kg như hiện nay, nông dân chỉ còn biết bỏ mía ngoài đồng. |