Chương trình mới lao động Việt nhận lương bằng người Nhật

Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB&XH vừa cập nhật chính sách mới của Nhật Bản về việc tiếp nhận người lao động nước ngoài với tư cách “kỹ năng đặc biệt”.

Theo đó, cơ chế tiếp nhận nhân lực nước ngoài theo tư cách “kỹ năng đặc biệt” hiện đang được quốc hội Nhật Bản xem xét theo phương hướng sau: Trường hợp có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết đủ để đáp ứng công việc được gọi là “kỹ năng đặc biệt số 1”. Trường hợp đã thi đỗ kỳ thi được xác định là có tính chuyên môn cao và có thể đáp ứng công việc đòi hỏi kỹ năng điêu luyện hơn được cấp tư cách “kỹ năng đặc biệt số 2”.

Với tư cách “kỹ năng đặc biệt số 1”, giới hạn thời gian làm việc là năm năm và không được bảo lãnh gia đình. Tuy nhiên, với tư cách “kỹ năng đặc biệt số 2”, người lao động có thể ở lại làm việc lâu dài và bảo lãnh gia đình cùng sang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản.

Hiện Nhật Bản đang xem xét 14 ngành nghề tiếp nhận lao động các nước gồm: xây dựng, đóng tàu/ công nghiệp tàu thủy, nông nghiệp, hộ lý, lưu trú, sản xuất thực phẩm/ đồ uống, nhà hàng, ngư nghiệp, vệ sinh tòa nhà, công nghiệp rèn đúc, công nghiệp điện/ điện tử/ thông tin, bảo dưỡng/ sửa chữa ô tô và hàng không.

Người tiếp nhận từ 18 tuổi trở lên.

Tiêu chuẩn kỹ năng: Có kiến thức và kinh nghiệm cần thiết để có thể làm việc ngay trong lĩnh vực tiếp nhận, xác nhận bằng kỳ thi do bộ, ngành chủ quản quy định.

Tiêu chuẩn năng lực tiếng Nhật: Có thể giao tiếp thông thường, về cơ bản có năng lực tiếng Nhật đủ cho sinh hoạt hằng ngày, xác nhận bằng kỳ thi nhằm đánh giá năng lực cần thiết cho mỗi lĩnh vực tiếp nhận.

Người lao động tham gia kỳ thi đánh giá kỹ năng và năng lực tiếng Nhật: Chủ thể thực hiện kỳ thi là đoàn thể ngành của lĩnh vực tiếp nhận và Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản (đối với kỳ thi tiếng Nhật). Tuy nhiên, hiện đang xem xét quyết định kỳ thi đánh giá kỹ năng và năng lực tiếng Nhật của người lao động theo từng lĩnh vực tiếp nhận sẽ được thực hiện ở Nhật Bản hay nước phái cử.

Mức lương của lao động người nước ngoài tối thiểu bằng mức lương của người lao động Nhật ở cùng vị trí và được ghi rõ trong hợp đồng ký kết với người lao động đó. 

Đại diện một công ty xuất khẩu lao động tại TP.HCM đến tận nhà máy thăm hỏi điều kiện làm việc, thu nhập và lắng nghe ý kiến phản hồi của thực tập sinh tại TP Osaka, Nhật Bản. Ảnh: P.ĐIỀN

Chương trình mới này cho phép chuyển việc trong lĩnh vực đã đề cập khi làm thủ tục nhập cảnh và đăng ký tư cách lưu trú (tuy nhiên cần có báo cáo và làm các thủ tục cần thiết khi chuyển việc).

Ngoài các quy định về tuân thủ pháp luật về quan hệ lao động, bảo hiểm xã hội và cơ chế hỗ trợ lao động người nước ngoài. Các cơ quan tiếp nhận lao động cần đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định để đảm bảo không có quá nhiều lao động bỏ trốn. Không tiếp nhận lao động nước ngoài có kỹ năng đặc biệt thông qua sự giới thiệu của công ty phái cử, hoặc công ty môi giới đã thu, hoặc có ý định thu tiền ký quỹ từ bản thân người lao động nước ngoài có kỹ năng đặc biệt, hoặc từ thân nhân của họ nhằm loại bỏ những công ty môi giới thiếu đạo đức.

Trước đó, ngày 8-12-2018, quốc hội Nhật Bản đã thông qua Luật Quản lý xuất nhập cảnh sửa đổi, trong đó có nội dung quy định về tư cách lưu trú mới là “kỹ năng đặc biệt”. Dự luật nói trên sẽ được triển khai từ tháng 4-2019.

 

Vậy vai trò của cơ quan quản lý Việt Nam trong thời gian tới sẽ như thế nào để thực hiện chương trình mới này? Cục Quản lý lao động ngoài nước thông tin thêm: Nếu cơ chế tiếp nhận mới của Nhật Bản được thông qua sẽ là điều kiện thuận lợi phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác lao động giữa hai nước. Nhằm giữ vững ổn định và phát triển thị trường lao động Nhật Bản trong bối cảnh phía Nhật Bản đang xem xét cơ chế tiếp nhận mới, các cơ quan chức năng có liên quan của Việt Nam cần kịp thời nghiên cứu, đề xuất các phương án thực hiện có hiệu quả.

Theo đó, nghiên cứu hướng đàm phán, ký kết hiệp định hợp tác giữa hai chính phủ trong lĩnh vực phái cử và tiếp nhận nhân lực với tư cách “kỹ năng đặc biệt” nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích cần thiết cho người lao động.

Nghiên cứu, xây dựng các chính sách, cơ chế phái cử phù hợp với chính sách tiếp nhận mới của phía Nhật nhằm đảm bảo quá trình phái cử và tiếp nhận được tiến hành thuận lợi và chặt chẽ; cần quy định rõ về việc không thu tiền ký quỹ từ người lao động để loại bỏ những công ty phái cử, môi giới kém chất lượng,...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới