Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới, dự kiến triển khai từ năm 2018. Đây thực sự là một cuộc cách mạng lớn trong giáo dục nếu chương trình được thực thi đúng như trên văn bản. Tuy nhiên, thực tế giáo dục Việt Nam (GDVN) hiện nay và kinh nghiệm từ các chiến lược đổi mới gần đây cho thấy, chương trình này cần phải được xem xét cẩn thận và tính toán lộ trình chuẩn bị kỹ lưỡng.
Thạc sĩ giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền- Giảng viên Khoa Khoa học giáo dục- ĐH Sư phạm TP. HCM- Nghiên cứu sinh tại Đại học East Anglia (Anh)
Cuộc cách mạng lớn!
Trước hết, xét về mặt lý thuyết, chương trình này thực sự là bước tiến dài, ít nhất nó đã chuyển từ một chương trình thiết kế dựa trên nội dung (content-based curriculum) sang dựa trên năng lực (competency-based curriculum).
Thực chất quan điểm chương trình dựa trên năng lực không mới vì được triển khai từ những năm 1960s và đến nay kể cả nhiều quốc gia đang phát triển, thậm chí chậm phát triển ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ La Tinh đều đã áp dụng. Cốt lõi của chương trình GD theo năng lực cho phép HS được học tập theo nhu cầu, khả năng, nhịp độ riêng nên tính phân hoá cao. Thêm nữa, sản phẩm đầu ra là những năng lực cụ thể, hữu dụng cho thực tiễn. Chính vì vậy, chương trình mới đã cho phép học sinh tự chọn nhiều môn, chuyên đề, hoạt động giáo dục...
Việc tự chọn được áp dụng ngay từ lớp 1, và càng lên cao, quyền tự chọn của HS càng nhiều để tăng cường sự phân hoá, chuẩn bị tốt hơn cho việc theo đuổi các ngành nghề cụ thể ở bậc học cao hơn. Tiến trình này là phù hợp với tiến trình tổ chức chương trình giáo dục của các quốc gia phát triển.
Thứ hai, cách xác định các mục tiêu phẩm chất, năng lực cũng tiến bộ, tiệm cận với yêu cầu của các nền GD phát triển như: sống trách nhiệm, tự chủ, yêu thương, năng lực giải quyết vấn đề, tự học, giao tiếp, hợp tác... So với các cách phát biểu mục tiêu giáo dục trước đây thì mục tiêu mới rõ ràng, cụ thể hơn. Ngoài ra, việc hướng đến những mục tiêu chung của thế giới giúp chúng ta có những công dân toàn cầu, có thể thích ứng tốt với các môi trường xã hội khác.
Thứ ba, số môn học đã được giảm bớt bằng cách tích hợp hoặc chuyển sang các chuyên đề tự chọn. Nếu tính ra thì số môn học không nhiều, khoảng 5-7 môn bắt buộc, 7 môn/ chuyên đề/ hoạt động tự chọn. HS tại Anh cũng học khoảng 5 môn bắt buộc, và 7 môn tự chọn nhưng lưu ý ở cuối phổ thông, các môn tự chọn phải cung cấp nhiều lựa chọn hẹp cho cho HS (VD: nghệ thuật thì sẽ có lựa chọn nhỏ nhỏ là kịch, âm nhạc, múa, thiết kế...). Anh cũng bắt buộc các trường phải cung cấp GD tín ngưỡng (religious education) từ lớp 1 tới 11, GD giới tính thì từ đầu cấp 2 nhưng HS hoặc PH có quyền từ chối học nếu ko thích.
Thứ tư, việc tích hợp kiến thức nhiều lĩnh vực vào 1 môn học, chia môn học thành nhiều chuyên đề cũng là điều đáng hoan nghênh. Mới đây Phần Lan từng làm cả thế giới choáng váng vì hiểu lầm tưởng họ xoá luôn môn học, thay toàn bộ bằng chuyên đề tích hợp đủ thấy là ước mơ hướng đến GD tích hợp hoàn hảo là khát khao của tất cả các nền GD, chẳng qua chưa thể làm ngay một cách triệt để.
Nhiều câu hỏi cần giải đáp trước khi thực thi
Tuy nhiên, tất cả những điều hay nói trên sẽ trở nên vô nghĩa nếu không có lực lượng giáo viên đủ năng lực tiếp nhận và thực thi các quan điểm, chiến lược giáo dục hiện đại cũng như thái độ tích cực với công cuộc đổi mới. Việc áp dụng chương trình này từ 2018 là rất vội vàng khi đến nay nó chưa quyết được hình hài và trường sư phạm chưa thiết kế được chương trình đào tạo, bồi dưỡng mới để đào tạo, bồi dương giáo viên phục vụ cho chương trình này.
Cần lưu ý rằng chương trình giáo dục mới khác rất xa về mục tiêu, cách tổ chức môn học, cách kiểm tra đánh giá…Liệu tới lúc triển khai, giáo viên ở phổ thông đã thấm được quan điểm dạy học theo năng lực, hay biết làm thế nào để phát triển các năng lực như chương trình yêu cầu. Quan điểm ‘Dạy học lấy HS là trung tâm' được nhắc đi nhắc lại suốt 20 năm mà đa số GV vẫn không hiểu thực sự đó là gì. Việc dạy tích hợp là thử thách lớn, không thể lạc quan rằng giáo viên Toán thì dạy các nội dung về Lý, Hoá cũng được như thứ trưởng Nguyễn Minh Hiển phát biểu. Giả sử có ép buộc thì giáo viên cũng nhưng làm với kết quả thế nào là câu chuyện khác...
Chưa kể, hoạt động trải nghiệm sáng tạo vô cùng hay nhưng điều kiện để các trường tiến hành thế nào? Hiện nay mỗi hoạt động GD ngoài giờ lên lớp 3 tiết/ tháng đã bị các trường cắt ngang, cắt dọc do không ý thức tầm quan trọng của nó...chung quy từ khâu đào tạo, bồi dưỡng GV, nhà QLGD mà ra.
Có quá nhiều câu hỏi cần lời giải đáp, trong đó câu hỏi lớn nhất là lộ trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên đủ khả năng và sẵn sàng đồng hành cùng Bộ trong công cuộc đổi mới sâu sắc này. Vì thế, Bộ nên trả lời trước các câu hỏi đó rồi hãy dự kiến thời gian thực thi.