Chuột con sinh ra từ tế bào 2 chuột đực

(PLO)- Nghiên cứu mới về việc tạo ra chuột con từ tế bào 2 chuột đực có thể giúp ích cho quá trình hỗ trợ sinh sản ở người.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 8-3, tại Hội nghị quốc tế về chỉnh sửa bộ gen người ở London, giáo sư Katsuhiko Hayashi tại Đại học Kyushu (Nhật) cho biết ông và các cộng sự đã tạo ra chuột con từ tế bào của 2 con chuột đực nhờ vào kỹ thuật chỉnh sửa gen, theo đài RT.

Các nhà khoa học đã sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gen để tạo ra tế bào trứng từ tế bào của hai chuột đực. Ảnh: GETTY IMAGES

Các nhà khoa học đã sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gen để tạo ra tế bào trứng từ tế bào của hai chuột đực. Ảnh: GETTY IMAGES

Giáo sư Hayashi đã nghiên cứu nhiều kỹ thuật khác nhau để tạo ra tế bào trứng từ tế bào gốc trong 10 năm qua. Trả lời đài BBC, ông cho biết bài báo mới nhất của ông về chủ đề này đang chờ để được xuất bản trên tạp chí Nature.

Theo tờ The Guardian, các nhà khoa học đã loại bỏ nhiễm sắc thể Y khỏi tế bào gốc (mang tổ hợp nhiễm sắc thể XY của giống đực) và tạo ra các bản sao của nhiễm sắc thể X để thay thế nó. Kỹ thuật trên giúp tạo ra tế bào trứng mang tổ hợp nhiễm sắc thể XX của giống cái.

Các tế bào trứng sau đó được nuôi cấy trong một cơ quan buồng trứng nhân tạo và được thụ tinh, thu được khoảng 600 phôi. Các phôi này được cấy vào một con chuột khác.

Ông Hayashi cho biết chất lượng kết quả nghiên cứu tương đối kém. Theo đó, chỉ có 7 con chuột con được sinh ra trong số 630 phôi được cấy vào chuột. Ông cho biết 7 con chuột được sinh ra phát triển bình thường và có thể sinh con khi trưởng thành.

Tuy nhiên, giáo sư Hayashi cũng cho hay phương pháp của ông cần thêm thời gian để hoàn thiện và sẽ mất khoảng 10 năm mới có thể ứng dụng hỗ trợ sinh sản ở người.

Vào năm 2018, các nhà khoa học Trung Quốc đã có báo cáo về việc nhân giống thành công chuột từ hai con chuột cùng giới tính. Nhưng trong thí nghiệm của họ, những con chuột con không khỏe mạnh và không sống được lâu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm