'Chụp ảnh chủ thuê bao là phủ nhận giá trị giấy tờ tùy thân'
Sau khi báoPháp Luật TP.HCMđăng bài viết "Chụp ảnh chủ thuê bao: 3 sự vô lý!" phân tích sự phiền toái, lãng phí đến vô lý của việc yêu cầu chủ thuê bao di động (TBDĐ) phải gấp rút đi đăng ký lại thông tin cá nhân, trong đó có việc bổ sung ảnh trước ngày 24-4 để không bị nhà mạng cắt hai chiều nghe gọi, rất nhiều ý kiến gửi về bày tỏ sự bức xúc với quy định. Tuy nhiên, cũng có một số bạn đọc lại tán đồng yêu cầu này của nhà mạng.
"Đúng là hành dân"
Bạn đọc SINGLE FIREFLY bức xúc: “Đúng là hành dân! Nếu tính được thành tiền, đã có bao nhiêu công sức, tiền bạc mà người dân đã phải bỏ ra để làm đi làm lại việc này? Thử hỏi đã có bao nhiêu nước khác trên thế giới làm cái việc này?”.
Đồng tình, bạn HAILUA phân tích: “Chi phí xăng xe đi lại để xác nhận của mỗi thuê bao, chưa tính thời gian lao động hãy tính xem lãng phí bao nhiêu ngàn tỉ, cái này Chính phủ cần vào cuộc, xử lý trách nhiệm những người liên quan”.
Về phát biểu của Cục phó Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) Lê Thị Ngọc Mơ giải thích việc chụp ảnh của chủ thuê bao nhằm xác định giao dịch có thật. Theo bà, ảnh chụp giấy tờ tùy thân của chủ thuê bao trong cơ sở dữ liệu của nhà mạng có thể là giả, có thể được nhân viên giao dịch lấy của người này gắn cho người khác, thời hạn lưu hành của CMND là 15 năm nên khuôn mặt người dùng có sự thay đổi…, vậy nên các chủ TBDĐ phải thể hiện sự “chính chủ” bằng hình ảnh thật, được chụp ở thời điểm hiện tại.
Nhiều bạn đọc bày tỏ bất bình về ý kiến này và cho rằng nói như thế thì lại khá mâu thuẫn, bất cập. Vì rằng nếu quy định đòi phải chụp ảnh thực tế nghĩa là vô tình đã phủ nhận giá trị của CMND. Hơn nữa, nếu bảo “thời hạn lưu hành của CMND là 15 năm nên khuôn mặt người dùng có sự thay đổi nên phải chụp ảnh “chính chủ” ở thời điểm hiện tại thì có lẽ các chủ thuê bao sẽ phải đi chụp ảnh bổ sung liên tục để cập nhật. Như vậy quá là phiền toái, mất thời gian, gây lãng phí.
Bạn BÌNH khẳng định: “Quy định chụp ảnh chân dung là phủ nhận giá trị của CMND và căn cước công dân”.
Bạn LÊ TÍNH đặt vấn đề: “Nói như bà Mơ là nhân viên nhà mạng làm sai mà bắt khách hàng chịu hả? SIM nhà mạng làm ra, nhân viên nhà mạng bán, thông tin khách hàng nhà mạng thu thập, tiền nhà mạng thu. Phát sinh SIM rác là do nhà mạng chứ đâu phải do khách hàng? Sao bà Mơ không xử lý nhà mạng mà đưa ra thủ tục làm khó khách hàng như vậy?”.
“Hời ơi!! Nó giống cái trường hợp nón BHXM không đạt chuẩn. Thay vì bắt phạt người sản xuất và người bán thì lại đè người mua đội phạt mới ghê” - BÙI THỊ PHƯƠNG TRANG than thở.
Bạn THANH BÌNH cũng thắc mắc: “Nếu nói ảnh CMND cũ, như vậy tôi 18 tuổi sau này 40-50 tuổi tôi có phải đi bổ sung lại ảnh chân dung nữa không?”.
Người dân đăng ký bổ sung thông tin thuê bao tại cửa hàng Viettel. Ảnh: VIẾT THỊNH
"Cảm thấy phiền thì đừng sử dụng nữa"
Tuy nhiên cũng có một số bạn đọc lại cũng đồng tình với đòi hỏi này của nhà mạng vì cho rằng việc chụp ảnh sẽ giúp quản lý SIM được chặt chẽ, không bị tình trạng SIM rác tràn lan, như ý kiến của bạn LÊ NGỌC: “May mà tôi không bị thông báo nhập thông tin, tôi thấy chụp chân dung là hợp lý, tránh một người dùng nhiều SIM rác, quản lý như vậy sẽ chặt chẽ hơn”.
Bạn đọc CHU TƯỚC cũng cho rằng “nhà mạng chỉ thực hiện theo nghị định của Chính phủ, nếu chúng ta cảm thấy phiền thì đừng sử dụng nữa”.
“Tôi thấy họ làm vậy cũng muốn bảo vệ quyền lợi cho chủ thuê bao mà thôi! Tôi đã gặp trường hợp người khác sử dụng thông tin cá nhân của mình để đăng ký thuê bao! Nếu người đó vi phạm pháp luật thì chẳng phải rắc rối đến với mình sao? Do đó cần quản lý chính xác chủ thuê bao, tránh đối tượng xấu lợi dụng” - bạn HUU PHUC nêu quan điểm.
Hiện dư luận đang chờ Bộ TT&TT và Bộ Tư pháp xem xét, báo cáo Chính phủ bãi bỏ việc chụp ảnh khách hàng do không cần thiết và đang bị chỏi với nhiều quy định khác. Nhiều chủ thuê bao cũng đề nghị Chính phủ phục hồi quy định cũ là các nhà mạng có thể chủ động sao chụp CMND, thẻ căn cước bản chính lại bằng nhiều hình thức để xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin tập trung. Khi ảnh khách hàng có sẵn trên bản sao các giấy tờ tùy thân hợp pháp cùng được lưu giữ, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ dễ dàng sử dụng thông tin thuê bao cho nhiều mục đích chính đáng.
Bộ Tư pháp sẽ kiểm tra
Ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Bộ Tư pháp, cho biết đơn vị này đã tiếp nhận thông tin về Nghị định 49/2017. Cục đang giao cho các cá nhân của Cục phối hợp với Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật để xem xét vấn đề và có kết luận chính thức sau.
(PL)- Từ chỗ không được Bộ TT&TT và nhà mạng cung cấp đầy đủ thông tin chính xác mà có rất đông chủ thuê bao di động đã ùn ùn đi chụp ảnh, đi đăng ký lại, gây ra nhiều lãng phí cho xã hội.