'Chụp hình 10.000 đồng' và câu chuyện buồn sau tấm biển

Nhưng sự thật là…

“Treo biển vậy chớ ai nỡ thu tiền”

Trên những giàn hoa giấy rực rỡ sắc màu trong Hội chợ xuân tổ chức tại Công viên 23-9 là tấm biển với nội dung: “Chụp hình 10.000 đồng”.

Chụp hình 10.000 đồng và sự thật là...

Hỏi chuyện, một người bán cười buồn: “Treo biển vậy chớ ai nỡ thu tiền. Mình bán từ hôm 25, lúc đó chưa treo cái biển này, mọi người vào chụp thoải mái. Nhưng nhiều người chụp hình ý thức kém quá, đứng chen lấn, có người chui vào trỏng chụp luôn, đụng làm hoa rụng quá trời. Hôm 28, bên mình mới bắt đầu treo biển này”.

Nói rồi như để chứng minh, anh chỉ vào dòng chữ nhỏ phía dưới tấm bảng: “Mong anh chị đứng xa chụp hình dùm ạ! Hoa đẹp chụp hình đứng xa vẫn thấy rõ. Đừng chen lấn, đứng gần đụng hư hoa tội người nông dân. Hãy là người chụp hình văn minh”.

Anh là NVT (sinh viên Trường CĐ Cao Thắng). Anh xin phép giấu tên. Anh kể chuyện mỗi chậu cây bông giấy bán tầm 250.000 đồng trở lên. Hoa vận chuyển từ Bến Tre lên đây, gia đình anh chăm sóc cả năm trời mong có cái Tết êm ấm, đủ đầy hơn.

“Hoa đẹp người ta mới chụp chứ, đâu ai thu tiền làm gì đâu. Mình chỉ muốn nhắc người ta đứng xa xa xíu, chụp gần chen lấn nhau là bông rụng hết, tiếc công mình chăm cả năm trời là chuyện rồi, xót chứ, lại thêm người dân đi mua bông, ai cũng thích bông đẹp, nhiều bông, chứ đâu ai thích cây trụi lủi rụng hoa bao giờ” - anh cười.

Hãy là người chụp hình văn minh

Dạo quanh Hội hoa xuân, thi thoảng chúng tôi lại bắt gặp những tấm biển tương tự: “Chụp hình 5.000 đồng, chụp hình 10.000 đồng”. Đi qua những tấm biển này, không ít người lắc đầu chỉ trỏ. Nhưng thực tế khi hỏi chuyện, chủ vườn và người bán cho biết việc treo biển chỉ để nhắc nhở mọi người có ý thức hơn khi chụp hình.

"Quý khách vui lòng không hái trái".

Có nơi không yêu cầu “trả tiền” nhưng treo bảng: “Quý khách vui lòng không hái trái”. Đó là cây cảnh, có quả màu đỏ rất đẹp. Ngày Tết, không chỉ những cây trái có nội dung ý nghĩa: “Cầu, sung, dừa, đủ xoài” mà những quả màu đỏ cũng rất được chuộng vì nó mang ý nghĩa may mắn, phát lộc.

Chúng tôi đứng xem một lúc mới nhận thấy “thủ phạm” đa phần là trẻ con. Cha mẹ đưa con đi chơi xuân, trẻ em nghịch ngợm thấy quả là vặt. Bên cạnh đó là những người thấy quả đẹp tới chụp hình, chen lấn nhau, sờ quả làm rụng luôn quả.

“Hôm rồi cây đó quả nhiều lắm mà người ta chen nhau làm rụng quá trời” - một người bán kể chuyện.

Đi chơi một lúc, chúng tôi phải về vì muỗi đốt nhiều quá lại thêm đông người, nói vài câu đã thấy mệt. Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh những chiếc ghế bố trong góc nhỏ. “Tối gia đình em ngủ đó á chị. Ngủ để trông hoa với bán hàng cho khách luôn. Giờ bán thì mặc vầy, chớ lát ngủ phải khoác áo quần dài tay vào cho muỗi đỡ cắn” - một cậu bé theo cha mẹ đi bán cây kiểng Tết hồn nhiên kể chuyện.

Hôm nay là 29 Tết rồi. Ai đi hội chợ xuân cũng muốn có vài tấm hình đẹp nhưng xin vui thôi, đừng vui quá. Hãy là người chụp hình văn minh!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm