Chụp X-quang ‘dạo’ tìm người mắc lao

Sáng 16-12, hàng chục người dân tập họp tại Trạm Y tế phường Thạnh Lộc, quận 12 (TP.HCM) để chụp X-quang, lấy đàm xét nghiệm. Trong khi đó, một xe khác đang chụp X-quang ở Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người già và tàn tật Thạnh Lộc (quận 12).

Đang đợi đến lượt chụp X-quang, bà NTM (59 tuổi, ngụ quận 12) cho biết hôm trước nghe tổ trưởng tổ dân phố thông báo nên sáng nay bà thu xếp công việc để chạy ra kiểm tra phổi. Bà M. có người con trai vừa điều trị hết lao, trong khi mấy hôm nay bà ho, uống thuốc mệt hết cả người nên rất sợ bị lao.

Sau khi khai báo xong thông tin cá nhân, bà M. leo lên xe chụp X-quang. Chừng vài phút sau, bà trở xuống với nét mặt tươi hơn hẳn: “Kết quả chụp X-quang xác định phổi tôi không có bị làm sao, mừng quá!”.

Phía bên trong phòng lấy máu thử HIV, ông NDL (54 tuổi, quận 12) đang chờ kết quả kiểm tra máu. Ông L. làm nghề xây dựng nên suốt ngày đi làm, không có thời gian đi khám bệnh. Nghe tin có xe chụp X-quang miễn phí cuối tuần nên ông tranh thủ đến kiểm tra lại phổi mặc dù ông đã được điều trị khỏi bệnh lao hai năm nay.

Người dân đến chụp X-quang, lấy đàm xét nghiệm bệnh lao. Ảnh: ST

ThS-BS Vũ Nguyên Thanh, Tổng Thư ký Hội Y tế công cộng TP, cho biết chương trình chụp X-quang, xét nghiệm đàm tìm lao miễn phí tại TP do Hội Y tế công cộng TP phối hợp với Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS trực tiếp thực hiện ở các quận, huyện: 6, 8, Tân Bình, Hóc Môn, Bình Chánh.

Chương trình dự kiến có khoảng 3.500 người được tầm soát lao. Đối tượng của chương trình là người không có đủ điều kiện đến cơ sở y tế chờ đợi vào các ngày thường, không có tiền nhưng có nguy cơ mắc lao cao. Những đối tượng này gồm người đã mắc lao, người tiếp xúc với người mắc lao, người già suy kiệt, bệnh nhân đang điều trị HIV, người bị các bệnh mạn tính kéo dài, hóa trị ung thư, suy thận mãn...

Ngoài ra, tùy từng địa phương còn có chương trình tầm soát cho công nhân tại các công ty, xí nghiệp có môi trường nguy cơ độc hại như các công ty may. Hiện một tổ chức quốc tế khác cũng đang tài trợ cho TP.HCM truy tìm bệnh lao trong cộng đồng tại quận Gò Vấp.

TS-BS Nguyễn Bình Hòa, Phó Giám đốc dự án ZTV (hướng đến Việt Nam không còn bệnh lao), cho biết: “Dự án ZTV được thực hiện thí điểm tại ba tỉnh TP.HCM, Hải Phòng và Hội An (Quảng Nam) để tầm soát đối tượng nguy cơ cao. Có khoảng 7.000 người được sàng lọc, mục tiêu là phát hiện hơn 1.100 bệnh nhân lao để đưa vào điều trị. TP.HCM là địa phương làm đầu tiên, sau đó sẽ đến Hải Phòng và Hội An”.

Theo ông Hòa, Việt Nam đứng thứ 15/30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới. Mỗi năm Việt Nam có 123.000 bệnh nhân lao mắc mới nhưng chỉ phát hiện, điều trị được 81%; 23% người mắc lao đa kháng thuốc trong số bệnh nhân lao điều trị lại (5.500 bệnh nhân/năm), 4% đối với bệnh nhân mới.

Do vậy, để phát hiện sớm được 19% bệnh nhân lao còn lại nhằm ngăn chặn lây lan, điều trị khỏi và dự phòng là phải phát hiện chủ động trong cộng đồng. Không chờ bệnh nhân đến cơ sở y tế khám mới phát hiện bệnh như trước đây.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới