Chuyện chỗ ngồi và sự bình đẳng

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình vừa ký ban hành Thông tư 01 quy định về phòng xử án. Đáng chú ý, theo thông tư này, tại phiên tòa hình sự sơ thẩm, phúc thẩm, luật sư (LS) được bố trí chỗ ngồi ngang bằng với đại diện VKS. Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu bài viết của TS-LS Phan Trung Hoài, người từng đề xuất quy định chỗ ngồi này và tham gia tổ biên tập sửa đổi BLTTHS 2015.

Đảm bảo tranh tụng, quyền bào chữa

Tôi cho rằng đây là một tin vui không chỉ đối với giới LS mà còn là bước tiến đến việc đảm bảo tranh tụng dân chủ tại phiên tòa đã được Nghị quyết 08 và 49 của Bộ Chính trị đề cập và được ghi nhận trong Hiến pháp 2013.

Có thể nói phòng xử án là không gian tổ chức xét xử vụ án hình sự, hành chính; xét xử, giải quyết vụ việc dân sự, phá sản và xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của tòa án, là nơi hội tụ giá trị văn hóa ứng xử của các chủ thể tố tụng. Với việc hiện thực hóa mô hình các vị trí trong phòng xử án, Thông tư 01 đã thể hiện vai trò trung tâm của HĐXX, đảm bảo quyền bình đẳng giữa chủ thể thực hiện chức năng buộc tội và chức năng gỡ tội trước tòa. Nó còn đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, quyền bào chữa của bị cáo, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Quả thật tôi cũng không nghĩ câu chuyện xác định vị trí chỗ ngồi của kiểm sát viên (KSV) và LS tại phiên tòa hình sự lại kéo dài đến tận bây giờ. Hơn năm năm theo đuổi dự án sửa đổi, bổ sung BLTTHS với tư cách thành viên tổ biên tập, tôi thấm thía và chứng kiến những va đập về quan điểm và luận lý.

Vượt qua giới hạn vị trí, hình thức chỗ ngồi, đây là cơ hội chuyển đổi sâu xa hơn trong nhận thức về sự bình đẳng khi thực hiện chức năng buộc tội và gỡ tội. Nhớ lại khi trình bày những vướng mắc cần tháo gỡ trong hành nghề LS, tôi hiểu hơn suy nghĩ của các vị đại biểu Quốc hội khi bấm nút thông qua BLTTHS 2015. Đây là một bộ luật chứa đựng tinh thần mới của Hiến pháp 2013, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, nâng cao vị thế của LS trong tố tụng.

Luật sư ngồi ngang bằng với kiểm sát viên tại phòng xử Tòa Gia đình và Người chưa thành niên, TAND TP.HCM. Ảnh: NGÂN NGA

Thành công sau quá trình dài

Ý kiến đề xuất của Liên đoàn LS Việt Nam về xây dựng một chương riêng về bào chữa và bố trí chỗ ngồi ngang nhau được nêu ra ngay từ khi sửa đổi, bổ sung BLTTHS 2003. Quá trình thảo luận, góp ý xây dựng dự thảo Thông tư 01 này, đại diện Liên đoàn LS cũng đã phối hợp cùng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (TAND Tối cao) tìm kiếm mô hình và thiết kế phòng xử án của nhiều nước như Cộng hòa Pháp, Hoa Kỳ, Canada, CHLB Đức, Trung Quốc, Nhật Bản…

Tôi cũng từng cảm nhận được một số ý kiến lo ngại việc tạo lập thế cân bằng, trên cùng “mặt sàn” khuôn viên phòng xử án, có thể dẫn đến làm suy yếu vai trò của KSV. Bởi đây là chủ thể đang thực hiện cả hai chức năng là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

Thế nhưng sự lo lắng đó được hóa giải, vì dù còn những cản ngại trong nhận thức của một số cá nhân nhưng tương quan chung, sự công bằng, sòng phẳng về vị trí, vai trò của LS trong tố tụng và đời sống đã được nhìn nhận và có nhiều thay đổi. Thông qua những phiên tòa tranh tụng chứa đựng sự phản biện giữa quan điểm đánh giá chứng cứ, liên quan đến nhiều vấn đề pháp lý phức tạp, ảnh hưởng đến số phận của các bị cáo, cả hai chủ thể thực hiện chức năng buộc tội và gỡ tội đã cùng trưởng thành lên.

Thực tiễn đó bồi đắp trong suy nghĩ của tôi rằng hình thức bố trí phòng xử án không phải là chuyện nhỏ. Ngược lại, đây chính là sự phản ánh chiều sâu của nhận thức và quan điểm về cải cách tư pháp. Việc quy định các trình tự, thủ tục một cách cụ thể, minh bạch, đảm bảo tính khả thi, trong đó có vị trí chỗ ngồi sẽ tạo điều kiện cho việc hành nghề của LS được thuận lợi. Vị trí chỗ ngồi mới của LS sẽ nâng cao được trách nhiệm xã hội, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của LS trong quá trình tham gia tố tụng.

HĐXX là trung tâm

Theo Thông tư 01, một trong những nguyên tắc khi bố trí phòng xử án là phải thể hiện vị trí, vai trò trung tâm của HĐXX; đảm bảo quyền bình đẳng trước tòa án; đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; đảm bảo quyền bào chữa của bị cáo, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Một trong những quy định đáng chú ý là tại phiên tòa hình sự sơ thẩm, phúc thẩm, LS được bố trí chỗ ngồi ngang với đại diện VKS. Cụ thể, vị trí của đại diện VKS và vị trí của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự được bố trí đối diện với nhau và ở dưới vị trí của thư ký phiên tòa. Trong khi đó, tại phiên tòa tái thẩm, giám đốc thẩm, vị trí của đại diện VKS được bố trí phía dưới và đối diện với vị trí của thư ký phiên tòa. Vị trí của người tham gia tố tụng như người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự, người bị kết án được bố trí ngang hàng và ở dưới vị trí của đơn vị chức năng của tòa án. Điểm đáng chú ý khác theo Thông tư 01 là vành móng ngựa được thay thế bởi bục khai báo.

Đối với phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa Gia đình và Người chưa thành niên, vị trí của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, phiên họp trong phòng xử án được bố trí trên cùng một mặt phẳng, sắp xếp theo hình thức bàn tròn; tường trong phòng xử án có màu xanh. Người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng tại phiên tòa được ngồi cạnh người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Thông tư 01 có hiệu lực từ ngày 1-1-2018.

ĐỨC MINH

Pháp Luật TP.HCM hơn 15 năm đeo đuổi

Hơn 15 năm trước (khi Nghị quyết 08/2003 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp chưa ra đời), Pháp Luật TP.HCM là tờ báo đầu tiên đặt vấn đề LS phải ngồi ngang hàng với KSV ra để bàn luận. Suốt từ đó đến nay, qua nhiều loạt bài, báo luôn đau đáu đeo đuổi cổ súy với mong muốn cao nhất là quy định này sẽ được luật hóa. Báo luôn quan niệm chỗ ngồi không chỉ thể hiện bình đẳng về hình thức mà còn vì một phiên tòa tranh tụng, đảm bảo cao nhất quyền con người…

Người xây viên gạch đầu tiên

Đó là ông Nguyễn Thanh Tùng (nguyên Chánh án TAND tỉnh Bình Dương, hiện là vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam, TAND Tối cao). Ngày 31-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Tùng kể sau khi tham quan ở nước ngoài và nghiên cứu tài liệu, ông đã tự làm bản vẽ mô hình trên giấy gửi kèm công văn xin ý kiến cấp trên. Lúc đó một phó chánh án TAND Tối cao đã xác nhận vào công văn gửi lại, cho phép được làm thí điểm. Trước năm 2006, ông từng triển khai cho bố trí lại chỗ ngồi trong phòng xử án ở hai huyện. Nhưng khi áp dụng được một thời gian tại TAND tỉnh thì vấp phải sự phản đối của một số người, trong đó có VKS cùng cấp nên phải dừng. Thời điểm đó dù thất bại nhưng ông vẫn tin tưởng mô hình của mình sẽ thành công. “Hôm nay, không chỉ giới LS phấn khởi mà tôi cũng cảm thấy vui mừng vì “đứa con tinh thần” của tôi đã hình thành. Chỗ ngồi mới giúp tòa án là trung tâm và quyền của người dân được bảo vệ tốt hơn” - ông Tùng nói.

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm