“Làm cha như tôi thật vô dụng” - người đàn ông mù lòa tên Phan Văn Mạnh (tên đã đổi, ngụ quận 8, TP.HCM) lấy tay đấm vào ngực thể hiện thái độ bất lực.
Trong hoàn cảnh mù lòa như ông đúng là khó thể làm gì để cứu cô con gái 24 tuổi bị bệnh tâm thần dạng rối loạn phân biệt cảm xúc. Con gái ông đã bốn lần bị lạm dụng đến mang thai phải phá bỏ.
Sơ sẩy là trốn nhà
Trong căn nhà nhỏ với đồ đạc lộn xộn do thiếu bàn tay sắp xếp, ông Mạnh kể: “Tôi quê Tiền Giang, bị cườm mắt mù lòa lúc 10 tuổi. Năm 24 tuổi, tôi được một cô gái ưng lấy làm chồng. Hai vợ chồng tôi sống nhờ làm thuê làm mướn. Cuộc đời tuy nghèo khó nhưng cũng tạm ổn, ai ngờ…”.
Năm vợ ông có thai, đến ngày sinh vì không có tiền vô bệnh viện (BV) nên vợ ông nhờ bà mụ. Đó là một ca sinh khó, bà mụ loay hoay một hồi rồi đứa bé cũng chào đời với gương mặt bầm tím. “Vợ chồng tôi đặt tên con gái là Phan Thị Thơ (tên đã đổi). Từ lúc mới sinh, nó khóc suốt” - ông Mạnh nhớ lại.
Khi con hai tuổi, vợ chồng dắt díu lên quận 8 (TP.HCM) kiếm sống. Thời gian này bé Thơ có những biểu hiện bất thường, hay chạy lăng xăng và có những câu nói, cử chỉ kỳ lạ. Nghe hàng xóm khuyên, vợ chồng ông Mạnh đưa con đến BV Tâm thần TP.HCM. Bác sĩ chẩn đoán Thơ bị rối loạn hành vi rồi cho uống thuốc. Đến năm 18 tuổi, bệnh của Thơ ngày càng nặng nên phải điều trị nội trú.
“Điều trị vài tháng, bác sĩ nói bệnh tình con tôi đã đỡ nên cho về và dặn cho uống thuốc thường xuyên. Tôi mù lòa, còn vợ lo làm thuê làm mướn nên không có thời gian trông con. Dạo này sơ sẩy một chút là nó trốn nhà đi lang thang ngoài đường từ sáng đến tối mịt mới về. Nhiều hôm cháu không về, vợ tôi phải đi tìm suốt đêm. Thuốc bữa uống bữa không” - ông Mạnh nói.
Ba năm phá thai bốn lần
Bệnh của Thơ càng lúc càng nặng. Nhiều lần Thơ nổi cơn la hét, quậy phá buộc gia đình phải nhờ công an đưa vô BV. Hết cơn, BV cho về, Thơ lại tiếp tục lang thang, cười nói vô hồn.
“Giữa năm 2011, vợ tôi phát hiện cháu có biểu hiện của người ốm nghén nên đưa đến bác sĩ sản khoa. Bác sĩ nói cháu có thai được sáu tuần tuổi. Vợ chồng tôi điếng người. Sau đó vợ tôi lặng lẽ đưa con đến BV phá thai”- ông Mạnh kể.
Khi lên cơn, Thơ dữ dằn, ai cũng sợ. Nhưng khi tỉnh táo, Thơ hiền, thích làm quen, gần gũi mọi người. Cứ thế Thơ bị kẻ xấu dụ dỗ và làm có thai. Lại phá. Rồi lại có thai. “Mỗi lần đưa con đi phá thai, vợ tôi khóc cạn nước mắt. Tôi mù lòa, không làm được gì. Tội nghiệp vợ tôi vừa lo bươn chải nuôi cả nhà bốn miệng ăn (ông Mạnh có cậu con út, sức khỏe bình thường, đang đi học) vừa phải trông chừng Thơ. Sơ sẩy một tí là nó bỏ nhà lang thang…” - ông Mạnh sụt sịt.
Một tối tháng 5-2014, Thơ về nhà, người phờ phạc. Thơ lên giường nằm một lúc rồi ôm bụng than đau. Sờ trán thấy sốt, mẹ đưa Thơ vô BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Bác sĩ nghi Thơ có thai nên chuyển sang BV Hùng Vương. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán Thơ có thai ngoài tử cung, phải mổ cấp cứu.
“Vậy là con tôi phải phá thai đến lần thứ tư. Tội con tôi quá. Làm cha như tôi thật vô dụng” - người cha mù ràn rụa nước mắt.
Nguyện vọng của người cha mù là xin cho con vào một cơ sở vừa điều trị nội trú vừa dạy làm những công việc bình thường. “Nếu lang thang hoài, cháu sẽ tiếp tục bị dụ dỗ, tôi biết sống sao đây” - ông Mạnh thở dài.
Lúc tỉnh lúc mê
Qua những lần tiếp xúc, chúng tôi thấy khi tỉnh táo Thơ rất hiền, nói chuyện có đầu có đuôi, lại nhớ những gì xảy ra gần đây. Nhưng khi lên cơn, Thơ đột nhiên dữ dằn, lớn tiếng xua đuổi người lạ.
Thơ nói trong lúc tỉnh táo: “Em học tới lớp 6 thì nghỉ vì luôn bị nhức đầu, không hiểu thầy cô dạy gì. Mỗi khi nóng giận em không thể kiềm chế, gặp ai cũng la, thấy ai cũng đánh. Em không muốn ở nhà, chỉ thích đi đây đi đó, thích có nhiều bạn trai…”.
Thơ nói em thương cha nhiều hơn thương mẹ vì cha mù lòa. “Vậy mà khi lên cơn em đánh cả ba, không biết tại sao nữa”. Chúng tôi hỏi em có nguyện vọng gì. Thơ nói: “Em muốn hết bệnh để được học nghề, giúp đỡ ba má”.
Chợt ánh mắt Thơ lạc thần. Thơ đứng dậy bước thẳng ra đường. Chúng tôi hỏi em đi đâu. Người cha quờ quạng, vừa gọi con vừa giơ tay muốn giữ con lại nhưng bóng Thơ đã khuất cuối con hẻm. Ông Mạnh lắc đầu: “Con lại bỏ đi nữa rồi. Con ơi…”.
TRẦN NGỌC
Thơ bị rối loạn phân biệt cảm xúc Người mắc bệnh này thường hay tăng cảm xúc, thích xen ngang câu chuyện người khác, thích gần gũi người khác giới. Đây là nguyên nhân khiến bệnh nhân dễ bị dụ dỗ, lạm dụng tình dục. Rối loạn phân biệt cảm xúc là bệnh mạn tính, phải điều trị lâu dài bằng cách uống thuốc. Nếu ngưng hoặc uống thuốc không đầy đủ, bệnh sẽ không thuyên giảm. BS VŨ ĐÌNH VƯƠNG, Trưởng khoa Nội trú Sẵn sàng nhận điều trị Phóng viên Pháp Luật TP.HCM liên hệ một số đơn vị ở TP.HCM như Sở LĐ-TB&XH, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi… Tuy nhiên, những đơn vị nói trên không tổ chức vừa điều trị bệnh nhân tâm thần vừa dạy làm những công việc bình thường. Đặt vấn đề này với BS Vũ Đình Vương, Trưởng khoa Nội trú BV Tâm thần TP.HCM, ông cho biết hiện Cơ sở 2 BV Tâm thần TP.HCM (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM) vừa điều trị nội trú bệnh nhân tâm thần vừa áp dụng lao động trị liệu (dệt chiếu, sinh hoạt nhóm thơ ca, báo tường…) để giúp bệnh nhân mau hồi phục. “BV sẵn sàng nhận điều trị cho em Thơ, tuy nhiên rất cần sự hỗ trợ và quan tâm nhiều hơn nữa từ phía gia đình” - BS Vương nói. |