Chuyển đổi số ở TP.HCM: Số hóa nhiều dữ liệu

(PLO)- TP.HCM xếp thứ hai trong chỉ số chuyển đổi số quốc gia, dẫn đầu về thể chế số và hạ tầng số.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhằm hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia 2023 (ngày 10-10), thời gian qua chính quyền TP.HCM đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số và đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng.

Đáng chú ý, tuần lễ Chuyển đổi số TP.HCM năm 2023 với chủ đề “Khai phá dữ liệu số, thành công chuyển đổi số” đang được tổ chức với các chuỗi sự kiện được tổ chức kéo dài xuyên suốt trong tháng 10.

Nhiều kết quả về dữ liệu số

Theo Sở TT&TT, sở này đã tham mưu UBND TP tổ chức triển khai và đưa vào vận hành cổng thông tin chuyển đổi số của TP tại địa chỉ https://chuyendoiso.hochiminhcity.gov.vn, chuyên mục Diễn đàn số.

Cùng với đó là kế hoạch tổ chức triển khai chương trình chuyển đổi số và đô thị thông minh với đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 phục vụ chuyển đổi số tại TP.HCM…

10-p8-bai-lethoa-1h-viethoa.jpg
Người dân TP.HCM làm thủ tục trích lục hộ tịch. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Theo đó, từ ngày 15-6-2022, TP.HCM thực hiện cấp bản sao trích lục kết hôn, khai sinh, khai tử, đăng ký nhận cha, mẹ, con từ dữ liệu số hóa sổ hộ tịch tại kho dữ liệu dùng chung TP cho người dân mà không phụ thuộc vào nơi đã đăng ký, nơi lưu trữ sổ hộ tịch và nơi cư trú. Tính đến tháng 6-2023, TP.HCM đã cấp được hơn 1,5 triệu bản sao hộ tịch điện tử.

Sở TT&TT cũng đã phối hợp với Bộ Công an hoàn thành kết nối sử dụng dịch vụ xác thực và định danh điện tử trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính…

Về cơ sở dữ liệu bản đồ số dùng chung, TP.HCM đã triển khai và tích hợp dữ liệu các hệ thống thoát nước, chiếu sáng đô thị, công viên cây xanh, xử lý nước thải, dữ liệu hạ tầng giao thông, dữ liệu điện lực, cấp nước, bản đồ địa chính, địa hình, quy hoạch đô thị về kho dữ liệu dùng chung.

Sở TT&TT đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương vận hành nền tảng chia sẻ dữ liệu và dịch vụ bản đồ số TP. Đồng thời, kết nối, chia sẻ dữ liệu công chứng và cơ sở dữ liệu địa chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, phòng, chống vi phạm pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản.

Sở TT&TT TP.HCM cho biết TP đã triển khai cổng dữ liệu của TP tại địa chỉ https://data.hochiminhcity.gov.vn/ và cổng dữ liệu mở tại địa chỉ https://opendata.hochiminhcity.gov.vn thực hiện chia sẻ dữ liệu để người dân, doanh nghiệp cùng khai thác và sử dụng.

Đáng chú ý, TP.HCM đã hoàn thành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP tập trung, ban hành 600 dịch vụ công trực tuyến. Hệ thống này đã thiết lập cấu hình 617/740 dịch vụ công trực tuyến.

Các sự kiện đáng chú ý

. Ngày 4 và 5-10, triển lãm và Hội nghị Tech4Life.

. Ngày 17 và 18-10, chuỗi hội thảo chuyên đề và triển lãm chủ đề “Khai phá dữ liệu số, thành công chuyển đổi số”.

. Ngày 21 và 22-10, tuần lễ Chuyển đổi số TP.HCM năm 2023.

Theo dõi việc giải quyết phản ánh của người dân

Công tác chuyển đổi số của TP.HCM ngày càng được tăng tốc và phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Năm 2022, TP.HCM đã có những bước tiến mạnh mẽ về cải cách thể chế và chuyển đổi số, xếp thứ hai trong chỉ số chuyển đổi số quốc gia, dẫn đầu về thể chế số và hạ tầng số. Một trong những mục tiêu chuyển đổi số quan trọng của TP được đặt ra là sớm đưa công tác quản trị nền hành chính của TP lên các nền tảng số, cải thiện chỉ số chính quyền số (đang xếp thứ ba), đây cũng là động lực thúc đẩy chỉ số kinh tế số và xã hội số.

Các nền tảng số dùng chung sẽ tạo sự đồng bộ, liên thông và thống nhất trong khai thác dữ liệu và thúc đẩy tính thuận tiện, minh bạch, tiết kiệm, kịp thời. Từ đó tăng hiệu quả của các cơ quan nhà nước và tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Mới đây, UBND TP.HCM đã ra mắt hệ thống quản trị thực thi TP.HCM trên các nền tảng số (giai đoạn 1). Theo Sở TT&TT TP.HCM, hệ thống này bước đầu làm thay đổi cách chỉ đạo, điều hành và kiểm tra hoạt động của TP từ thủ tục, báo cáo văn bản giấy tờ sang điều hành hệ thống thông tin, tương tác theo thời gian thực.

Trong đó, ba chức năng chính của hệ thống là tổng hợp thông tin kinh tế - xã hội, kết quả bộ chỉ tiêu điều hành; điều hành, quản trị; giám sát, tương tác giữa người dân với chính quyền.

“Hệ thống này sẽ giúp lãnh đạo TP có thể đánh giá tổng thể, toàn diện về tình hình hoạt động, hiệu quả kế hoạch công tác, kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường để đưa ra định hướng, quyết định và hành động phù hợp. Hệ thống cũng được phân quyền về sở, ngành, quận, huyện, giúp các cấp có thể nắm bắt tổng quan về tình hình phát triển của địa phương, đơn vị. Từng bước nâng cao trách nhiệm giải trình, trách nhiệm quản lý điều hành của người đứng đầu địa phương, đơn vị” - Sở TT&TT nhận định.•

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân chuyển đổi số”

Theo Bộ TT&TT, đến ngày 22-9 có 63/63 tỉnh, TP đã thành lập gần 80 tổ công nghệ số cộng đồng và gần 370.000 thành viên tham gia tổ này ở cấp xã, thôn, phố; 53/63 tỉnh, TP hoàn thành 100% đến cấp xã. 100% bộ, ngành và địa phương đã kiện toàn, thành lập ban chỉ đạo về chuyển đổi số. 100% bộ, ngành và địa phương đã ban hành kế hoạch/đề án về chuyển đổi số.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quý IV-2023 được Bộ TT&TT đặt ra là triển khai tổ công nghệ số cộng đồng hướng tới hiệu quả để “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân chuyển đổi số”.

Triển khai “Tháng 10 - tháng tiêu dùng số”, tháng hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia để doanh nghiệp giới thiệu cho người dân biết đến nhiều sản phẩm, dịch vụ số. Từ đó kích thích tiêu dùng số, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp. VIẾT THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm