Chuyên gia chỉ ra hướng khắc phục những điểm nghẽn để đất nước phát triển

(PLO)- Bàn về câu chuyện điểm nghẽn thể chế, các chuyên gia nhận định, con người mới là điểm nghẽn cuối cùng trong việc hoàn thiện thể chế. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 28-11, tại Học viện Chính trị quốc gia khu vực II, Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp nhà nước, Bộ KH&CN, tổ chức hội thảo khoa học “Đổi mới và hoàn thiện thể chế nhằm bảo đảm phát triển nhanh và bền vững ở Việt Nam: Những vấn đề lý luận và kinh nghiệm thực tế”.

Các chuyên gia đã thảo luận, đi tìm câu trả lời về điểm nghẽn thể chế, trong đó nhấn mạnh vào tư duy lập pháp phù hợp với yêu cầu từ thực tiễn.

Điểm nghẽn nào về thể chế là trở lực của sự phát triển?-doi-moi-va-hoan-thien-the-che (1).jpg
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: THUẬN VĂN

"Thể chế không có lỗi, lỗi do người làm thể chế"

Phát biểu mở đầu, GS.TS Hoàng Thế Liên, chủ nhiệm chương trình cho rằng, từ Đại hội XI, XII đến Đại hội XIII, Đảng ta khẳng định thể chế là điểm nghẽn lớn. Gần đây nhất, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định đây là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”.

Theo GS.TS Liên, điểm nghẽn của thể chế hiện nay là chưa có được thể chế phù hợp để khơi nguồn và tạo động lực cho sự phát triển. Cũng theo ông, ai cũng nói hệ thống pháp luật chồng chéo, thể chế nhiều điểm nghẽn nhưng không ai chỉ ra được.

Ông thông tin, Bộ Tư pháp sẽ lập trang web cho toàn bộ xã hội lên tiếng về những điểm nghẽn đó, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, mang tính dân sinh. “Điểm nghẽn xuất phát từ cuộc sống. Sau khi ghi nhận các ý kiến, tổ chuyên gia sẽ phân tích sâu những điểm nghẽn đó để tìm hướng giải quyết, phá vỡ điểm nghẽn, khơi thông dòng chảy, khơi nguồn lực cả trong và ngoài nước” - GS.TS Hoàng Thế Liên nhấn mạnh.

Điểm nghẽn nào về thể chế là trở lực của sự phát triển?-doi-moi-va-hoan-thien-the-che (4).jpg
GS.TS Hoàng Thế Liên phát biểu mở đầu hội thảo. Ảnh: THUẬN VĂN

Ông cũng cho rằng ba trụ cột phát triển của quốc gia là nhà nước pháp quyền, thể chế kinh tế thị trường, xã hội phát triển và dân chủ, có trình độ cao. Vì vậy, đổi mới thể chế là vận hành ba trụ cột này một cách nhịp nhàng, suôn sẻ, tạo động lực mới.

PGS.TS Nguyễn Tất Viễn, nguyên Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, nêu quan điểm thể chế không có lỗi, lỗi là do người làm thể chế. Trong bối cảnh mà cả đất nước đang tìm con đường để bước vào kỷ nguyên mới, PGS.TS Nguyễn Tất Viễn nói cái chính yếu nhất có lẽ là con đường hoàn thiện thể chế.

Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra trong ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là "điểm nghẽn" của "điểm nghẽn”. Do vậy, yêu cầu đặt ra cấp thiết là pháp luật cần phải liên tục được hoàn thiện để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, phát huy dân chủ, vì con người, công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Nêu thực tế của bản thân trong quá trình tham gia vào xây dựng bộ máy chính quyền TP Thủ Đức, ông Viễn nói dù muốn nhiều nhưng TP Thủ Đức chỉ có thẩm quyền ngang cấp huyện. Nghị quyết 98 được ban hành đã trao cho TP Thủ Đức một số cơ chế nhưng theo ông là “chiếc áo được nới rộng hơn” nhưng chưa đủ.

PGS.TS Nguyễn Tất Viễn nhắc câu chuyện này và nhấn mạnh: “Cuối cùng thì điểm nghẽn có lẽ là do cách mà chúng ta đang làm thể chế. Con người mới là điểm nghẽn cuối cùng”.

Điểm nghẽn nào về thể chế là trở lực của sự phát triển?doi-moi-va-hoan-thien-the-che (2).jpg
PGS.TS Nguyễn Tất Viễn nêu ý kiến. Ảnh: THUẬN VĂN

Dẫn chứng về một số nước phát triển được nhờ thể chế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, PGS.TS Nguyễn Tất Viễn cho rằng cần tính đến vai trò của thể chế như là yếu tố đi đầu.

Trong đó, đổi mới thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN có tính chất rất quyết định; trước yêu cầu mới cần có những đột phá mới, với yêu cầu phát triển nhanh về bền vững chủ yếu dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Ngoài ra, cải cách pháp luật là yếu tố cốt lõi của cải cách thể chế.

Một trong những điểm quan trọng để đổi mới thể chế, theo PGS.TS Nguyễn Tất Viễn là cần đột phá thể chế ở cấp địa phương, không thể nào cứ cho nhỏ giọt rồi cứ đi xin.

Không bao biện, làm thay

Đề cập đến mục tiêu của việc hoàn thiện thể chế đảng cầm quyền, PGS.TS Phạm Tất Thắng, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, đặt vấn đề làm sao để đảng thể hiện vai trò lãnh đạo nhưng không bao biện, làm thay nhà nước và các tổ chức khác trong xã hội.

“Thực tiễn cho thấy có câu chuyện lãnh đạo đảng cấp ủy nhúng tay vào những việc rất cụ thể thuộc thẩm quyền của chính quyền, hay còn gọi là bao biện làm thay” - PGS.TS Nguyễn Tất Thắng nói và chỉ ra năm điểm nghẽn hiện nay.

Đó là đổi mới tư duy chính trị của Đảng chưa theo kịp và phản ánh đúng sự vận động, biến đổi của thực tiễn đang diễn ra hết sức nhanh chóng. Khi quá trình đổi mới càng đi vào chiều sâu, nó càng phát sinh nhiều vấn đề mới mà buộc lý luận phải làm rõ và giải quyết. Trong khi đó, sự đổi mới về tư duy, nhận thức của Đảng trên nhiều vấn đề còn chậm; tính dự báo, đón đầu còn hạn chế.

doi-moi-hoan-thien-the-che.jpg
GS.TS Phạm Tất Thắng, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, phân tích hoàn thiện thể chế đảng cầm quyền. Ảnh: THUẬN VĂN

Theo PGS.TS Nguyễn Tất Thắng, sự thất bại của thể chế không chỉ ở việc xác định mục tiêu sai lầm, nó còn thể hiện ở cách làm sai lầm. Điều này không phải do tính khả thi của Nghị quyết, đường lối, năng lực cán bộ yếu mà còn bắt nguồn từ tư duy và quy trình tổ chức thực hiện.

“Rất nhiều vấn đề đã được thông qua và thống nhất thực hiện nhưng khi triển khai lại bị ràng buộc bởi những thủ tục có tính rào cản của chính tư duy và quy trình cũ, bởi chính nguyên tắc do mình thiết lập nên. Nhiều ý tưởng, quyết định từ lúc hình thành đến lúc hiện thực hóa trong cuộc sống mất rất nhiều thời gian, trải qua nhiều thủ tục tưởng chừng chặt chẽ nhưng lại rất chậm chạp” - PGS.TS Thắng nêu.

Điểm nghẽn thứ hai là cấu trúc tổ chức quyền lực (phần cứng) còn thiếu rõ ràng, chưa có sự phân định cụ thể, rõ ràng về thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ trong quá trình thực thi quyền lực.

PGS.TS Thắng cho rằng công cuộc đổi mới đã được tiến hành gần 40 năm nhưng những yếu tố xương sống của hệ thống chính trị thay đổi rất chậm; nhất là trong cấu trúc và phương thức tổ chức quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước, từ đó cũng bộc lộ rõ nhiều yếu kém.

Theo ông, hệ thống luật pháp hiện đang thiếu ổn định và tính khả thi. Không ít quy định pháp luật được xây dựng công phu, tốn kém nhưng mới ban hành chưa lâu đã có nhu cầu phải bổ sung, sửa đổi. Điều này khiến luật pháp nước ta khó bắt kịp với nhịp điệu của sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và càng làm khó thêm khả năng tương thích với các không gian pháp lý quốc tế.

Cũng theo ông Thắng, nguyên tắc tập trung dân chủ về cơ bản được bảo đảm nhưng không ít nơi nguyên tắc này lại bị tha hóa thành tập trung quan liêu và dân chủ cực đoan. Mối quan hệ giữa lãnh đạo quản lý tập thể với thẩm quyền, trách nhiệm quản lý cá nhân của người đứng đầu với từng thành viên như thế nào, vẫn còn lúng túng.

“Rất nhiều nơi tập trung dân chủ, kết quả bỏ phiếu, biểu quyết 100% nhưng ra ngoài là cứ xì xào vì đó không phải chính kiến của bản thân người bỏ phiếu mà có nhiều yếu tố tác động khác” - Phó giám đốc Học viện chính trị khu vực II nêu.

Ngoài ra, công tác cán bộ của đảng cũng là điểm nghẽn. Ông nói, chúng ta xác định Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ trong hệ thống chính trị, phần nào của đảng, phần nào phân cấp cho nhà nước, chính quyền, tổ chức đảng các cấp ra sao cũng chưa rõ và cũng bị vướng.

PGS.TS Nguyễn Tất Thắng cũng nêu lại vấn đề mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc đến là kiểm soát quyền lực chính trị ở nước ta hiện nay, nhất là trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền.

“Nguy cơ của đảng duy nhất cầm quyền dễ dẫn đến quyền lực tha hóa, đặc quyền đặc lợi. Khi là đảng viên và vào cấp ủy, anh được phân công nắm giữ toàn bộ nhiệm vụ trong hệ thống chính trị, từ đó anh nắm cả nhân lực, vật lực của cơ quan, đơn vị, địa phương. Nếu không có cơ chế hãm thì điều này rất nguy hại” - ông nói đồng thời cho rằng điều này Đảng đã nhìn thấy và đưa ra các cơ chế kiểm soát quyền lực trong bốn lĩnh vực.

Tuy nhiên, để hiệu quả thì cần cụ thể hóa với các biện pháp rõ ràng, người đứng đầu có trách nhiệm đến đâu cũng cần nêu rõ để thực hiện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm