Sáng 15-11, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức hội thảo khoa học quốc gia "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn".
Các đại biểu đã trình bày về các động lực đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, như tập trung hoàn thiện và tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống thể chế phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; kiên quyết xóa bỏ những rào cản, điểm nghẽn, cản trở phát triển; khắc phục triệt để thực trạng khâu tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng.
Trong kỷ nguyên mới, Đảng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức lãnh đạo, cầm quyền; xây dựng bộ máy tổ chức của các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược thật sự trong sạch, đủ năng lực, trình độ để thiết kế, dẫn dắt cán bộ, đảng viên, nhân dân bước vào kỷ nguyên mới; phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam…
Bốn điểm nghẽn trong công tác cán bộ
Trình bày tham luận, PGS, TS. Vũ Trọng Lâm - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, nhấn mạnh về vai trò, tầm quan trọng của công tác cán bộ trong kỷ nguyên mới.
Theo ông Lâm, công tác cán bộ phải gắn với việc thực hiện chủ trương của Đảng về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, giữ vững vị thế cầm quyền và bảo đảm vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước, đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội. “Cán bộ dù ở vị trí nào cũng phải luôn luôn có ý thức đầy đủ về trách nhiệm của mình, làm đúng vai, thuộc bài”– ông Lâm nói.
Ông cho hay, Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII đã đưa ra ba đột phá chiến lược trong giai đoạn mới là đột phá về thể chế; đột phá về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng. Trong đó, Hội nghị đặc biệt chú trọng đột phá về nguồn nhân lực, nhất là về công tác cán bộ.
“Có thể nói, đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới với yêu cầu rất cao, bởi chúng ta có thời cơ nhiều, vận hội lớn nhưng khó khăn, thách thức cũng rất gay gắt. Do đó, hơn bao giờ hết, công tác cán bộ phải được quan tâm, đặc biệt chú trọng. Chỉ khi làm tốt công tác cán bộ thì mục tiêu bước vào kỷ nguyên mới mới được hiện thực hóa” - PGS, TS. Vũ Trọng Lâm khẳng định.
Sau khi nêu bật những thành tựu đạt được trong công tác cán bộ thời gian qua, ông Vũ Trọng Lâm đã chỉ ra những điểm nghẽn trong công tác cán bộ hiện nay.
Cụ thể, đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa mạnh, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi, sự liên thông giữa các cấp, các ngành còn hạn chế. Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao, thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường…
Một bộ phận không nhỏ cán bộ, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm… Vẫn còn biểu hiện “lạm quyền”, “lộng quyền”, tư tưởng tham vọng quyền lực, tư duy nhiệm kỳ của một số người đứng đầu.
Cơ chế kiểm soát quyền lực và chế tài xử lý vi phạm trong công tác cán bộ còn chưa cụ thể, hiệu quả thực thi thấp. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi.
Thứ ba, một số khâu trong công tác cán bộ chậm được đổi mới, một số quy trình chưa hoàn thiện, còn lỗ hổng, bị lợi dụng. Đánh giá cán bộ vẫn là khâu chưa phản ánh đúng thực chất, vẫn còn trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến. Đặc biệt công tác quy hoạch cán bộ thiếu tính tổng thể, liên thông giữa các cấp, các ngành, các địa phương, còn dàn trải, khép kín, chưa bảo đảm phương châm "động" và "mở".
Điểm nghẽn thứ tư là phân cấp quản lý cán bộ chưa theo kịp tình hình, còn tập trung nhiều ở cấp trên. Một số chủ trương thí điểm chỉ đạo chưa quyết liệt, tổ chức thực hiện thiếu nhất quán, đồng bộ và chưa kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm.
Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu
Về giải pháp, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, cho rằng cần tập trung thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ. Trong đó, phải thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy dân chủ gắn với tăng cường trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu trong công tác cán bộ. Mỗi người đứng đầu phải là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, tác phong công tác, nhất là về phẩm chất, năng lực, uy tín để toàn cơ quan, đơn vị noi theo.
Tiếp đó, theo ông Vũ Trọng Lâm, cần đổi mới mạnh mẽ các khâu trong công tác cán bộ. Bởi, quy hoạch cán bộ là nội dung trọng yếu của công tác cán bộ, bảo đảm cho công tác cán bộ được chủ động, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.
Để làm tốt điều đó, công tác quy hoạch phải gắn với đào tạo, bồi dưỡng; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, thử thách đối với các nhân sự được quy hoạch tham gia cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp. Qua đó, bảo đảm lựa chọn ra được cấp ủy, nhất là người đứng đầu có năng lực lãnh đạo, có sức chiến đấu cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo.
Trong công tác quy hoạch, bồi dưỡng cần chú ý bố trí, sử dụng cán bộ đúng người, đúng việc, đúng sở trường nhằm phát huy tốt nhất năng lực của cán bộ. Mạnh dạn bổ nhiệm cán bộ trẻ để họ có chức danh lãnh đạo, quản lý, được rèn luyện, thử thách, từ đó ngày càng trưởng thành, có điều kiện tham gia cấp ủy. Song song đó là xây dựng kế hoạch và thực hiện luân chuyển cán bộ theo quy hoạch, đối tượng luân chuyển phải thực sự có năng lực và triển vọng phát triển. “Đặc biệt, khâu đánh giá, nhận xét cán bộ phải công tâm, khách quan, thực chất” – ông Lâm lưu ý.
Giải pháp tiếp theo là xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Phải phân định rõ người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo với người phiêu lưu, liều lĩnh, viển vông, không thực tế. Đồng thời, bảo vệ những trường hợp nguy cơ rủi ro, sai sót từ sớm, ngay khi có kế hoạch, không để nhụt chí.
Hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực
Chúng ta phải kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Trong đó cần xây dựng, hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, quyền hạn phải được ràng buộc bằng trách nhiệm.
Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong công tác cán bộ. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ, đột xuất, theo chuyên đề, chuyên ngành; của cấp trên đối với cấp dưới; cấp dưới giám sát cấp trên.
Tôi cho rằng cần nhận thức sâu sắc về tác hại nghiêm trọng của tệ chạy chức, chạy quyền, coi đây là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ; nhận diện rõ, đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với các đối tượng có biểu hiện, hành vi chạy chức, chạy quyền.
PGS, TS. VŨ TRỌNG LÂM