Chuyên gia chỉ ra 'huyết mạch' để tổ chức bình ​thường mới ở TP.HCM

Trong chuyến thăm Bệnh viện (BV) hồi sức COVID-19 tại Cơ sở 2 BV Ung bướu TP.HCM ngày 8-9, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết: TP đang chuẩn bị chiến lược bình thường mới. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Lê Đặng Trung, chuyên gia công nghệ - Tổng giám đốc Công ty Real-Time Analytics, nhận định để thúc đẩy quá trình bình thường mới, Nhà nước cần tập trung phát triển công nghệ. Đó là “huyết mạch” để tổ chức đời sống cho người dân, doanh nghiệp thích nghi với virus SARS-CoV-2 trong trung và dài hạn.

Phải đảm bảo được tính liên thông và tích hợp dữ liệu

. Phóng viên: Thưa ông, thời gian qua chúng ta cũng đã có nhiều ứng dụng công nghệ vào việc giám sát tình hình dịch bệnh và phòng chống dịch. Ông có nhận xét như thế nào về hiệu quả của các ứng dụng này?

+ TS Lê Đặng Trung: Đúng là từ khi có dịch bệnh, Việt Nam ra mắt nhiều ứng dụng trong phòng chống dịch nhưng chủ yếu để khai báo y tế, quản lý di chuyển của người dân. Ví dụ, ứng dụng Bluezone (ra mắt vào tháng 4-2020) dùng để cảnh báo nếu tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh; ứng dụng NCOVI (ra mắt vào tháng 3-2020) dùng để quản lý việc di chuyển, có thông tin về tình hình dịch bệnh để đưa ra quyết định phản ứng; ứng dụng Vietnam Health Declaration (VHD - cũng ra mắt vào tháng 3-2020) dùng để khai báo y tế cho người nhập cảnh và khai báo nội địa; nền tảng khai báo y tế “di biến động dân cư” của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an)…

Mỗi ứng dụng trên đều là nỗ lực của các cơ quan chức năng nhằm quản lý và phòng chống dịch hiệu quả hơn. Ý đồ là tốt nhưng sản phẩm công nghệ làm ra vẫn chưa phát huy hiệu quả như mong đợi. Trên báo chí, người dân phản ánh rằng nhiều ứng dụng nhưng chồng chéo nhau về chức năng. Cùng một chuyện khai báo y tế và Nhà nước quản lý chung nhưng mỗi nơi dùng một kiểu, chưa bảo đảm được tính liên thông và khả năng tích hợp dữ liệu; việc vận hành còn trục trặc, chưa tiện lợi đối với người dân lẫn cơ quan quản lý. Đến nay chúng ta vẫn còn dùng giấy đi đường. Hay như trong chuyện tiêm vaccine, xét nghiệm cũng vậy, vẫn phải dùng giấy xác nhận.

Trong giai đoạn bình thường mới, tôi nghĩ chúng ta không chỉ tuân thủ 5K (là khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế) mà phải hướng tới 6K (là không dùng giấy). Các hoạt động di chuyển, đi lại, làm việc, tiếp xúc mỗi ngày chắc chắn sẽ phát sinh nhiều vấn đề buộc phải dùng công nghệ để can thiệp. Ví dụ, làm sao để doanh nghiệp và cá nhân tự giác tuân thủ 5K, làm sao để chăm sóc F0 tại cộng đồng hiệu quả, làm sao để biết khu vực nào đang là vùng nguy cơ cao để tránh đến đó (tập thể dục, mua sắm, giải trí, họp mặt…). Hàng ngàn câu hỏi “làm sao” để có thể không nhiễm bệnh và lây lan virus. Gần đây, tôi thấy có các ứng dụng đi chợ hộ hay mua sắm - giao hàng tận cửa nhưng nhìn chung các ứng dụng phục vụ nhu cầu đời sống người dân trong điều kiện mới vẫn quá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế tới đây.

CSGT phường 5, quận Phú Nhuận, TP.HCM  kiểm tra  khai báo y tế của người dân tham gia giao thông trong thời gian siết chặt giãn cách xã hội.
Ảnh: MINH TÂM

Cần phát triển nhiều ứng dụng thông minh

. Rõ ràng bình thường mới vốn là trạng thái mà chúng ta chưa thể định nghĩa hết được nhu cầu của từng cá nhân và tổ chức để có thể thích ứng với SARS-CoV-2. Như vậy, nếu chúng ta xây dựng chung một app cho toàn dân thì có khả dĩ?

+ Quan trọng nhất là chúng ta phải định nghĩa được nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước; và xác định các nguyên tắc để đảm bảo những nhu cầu đó được đáp ứng, miễn là an toàn phòng chống dịch. Về tổng thể, tôi nghĩ chúng ta có ba sự lựa chọn.

Thứ nhất, nếu thiết kế một ứng dụng duy nhất cho toàn dân thì chúng ta có thể tạo ra hệ dữ liệu tập trung và người dân cũng không phải cài nhiều ứng dụng. Tuy nhiên, sẽ cần rất nhiều thời gian để phát triển, thậm chí sẽ xảy ra tình trạng thừa hoặc thiếu chức năng so với nhu cầu của người dân. Nên nhớ chúng ta có 63 tỉnh, thành phố với điều kiện kinh tế, đời sống xã hội và nhu cầu, môi trường đi lại, làm việc, tiếp xúc rất khác nhau. Xây dựng một ứng dụng chung theo tôi là không dễ nếu không muốn nói là không thể.

Thứ hai, có nhiều ứng dụng (như thời gian qua) và các địa phương thấy phù hợp cái nào thì dùng cái đó. Cái lợi của phương án này chính là thời gian xây dựng ứng dụng nhanh hơn, có nhiều chức năng hơn (mỗi ứng dụng có một thế mạnh). Tuy nhiên, dữ liệu chúng ta có lại rất manh mún, gây phiền hà cho người quản lý và người dân.

Cuối cùng, sẽ có nhiều ứng dụng nhưng tất cả phải được Nhà nước điều phối trao đổi dữ liệu theo chuẩn (standard) và thông qua các hàm API (thực thi trao đổi dữ liệu theo chuẩn). Phương án này vừa cung cấp được nhiều tính năng vừa tích hợp một cách đầy đủ dữ liệu để Nhà nước có thể giám sát và đưa ra quyết định chính sách phòng chống dịch hiệu quả. Nó giải quyết được nhược điểm của hai phương án trước.

Nhà nước lập nguyên tắc, người dân lo xây dựng app

. Vậy chúng ta có thể hình dung khi bình thường mới, việc áp dụng công nghệ vào đời sống xã hội sẽ diễn ra như thế nào?

+ Trước tiên, phải định nghĩa nhu cầu. Nhà nước sẽ cần các thông tin để đảm bảo xã hội đang vận hành an toàn. Ví dụ, số ca F0, số ca tử vong vẫn nằm trong giới hạn chấp nhận của hệ thống y tế; dự báo về tình hình diễn biến dịch; nhận định các vùng nguy cơ để có phương án hành động; quản lý dịch tễ ở các khu vực đông người (chợ, trường học, BV, khu dân cư…); phát hiện ra cá nhân/tập thể không tuân thủ nguyên tắc an toàn để xử lý… Người dân, doanh nghiệp thì có nhu cầu đi lại, sản xuất, kinh doanh, thụ hưởng các dịch vụ thiết yếu lẫn không thiết yếu khi xung quanh vẫn tồn tại virus SARS-CoV-2.

Như vậy, tôi nghĩ rằng cách tiếp cận của Nhà nước nên là mở đường đưa ứng dụng công nghệ vào “hỗ trợ người dân” sống và làm việc trong điều kiện bình thường mới - thích nghi với virus SARS-CoV-2. Câu hỏi là: Làm điều ấy như thế nào? Trước hết, tôi nghĩ Nhà nước cần ban hành những quy định về “khung dữ liệu chuẩn”, xác lập các “nguyên tắc căn bản” (first principles) để điều phối phát triển và ứng dụng công nghệ. Tôi nói ví dụ khi chúng ta xác định sống chung với virus SARS-CoV-2 thì mục tiêu chính của chúng ta là vẫn sống, sinh hoạt, làm việc, kinh doanh, sản xuất… nhưng phải đảm bảo nguyên tắc an toàn, không làm lây lan dịch bệnh. Mỗi cá nhân hay tổ chức khi đó đều phải tuân thủ 5K hoặc thậm chí 6K; tiêm vaccine mới ra đường; khai báo khi nhiễm bệnh/khỏi bệnh...

Với các nguyên tắc căn bản do Nhà nước đặt ra, người dân và doanh nghiệp có thể thoải mái sáng tạo và đề xuất các ứng dụng công nghệ vào công việc và cuộc sống, miễn sao đảm bảo các nguyên tắc đã nêu. Doanh nghiệp sẽ nghĩ ngay tới các ứng dụng khai báo y tế, camera nhiệt, xét nghiệm xác suất, dự báo nguy cơ tiếp xúc, cảnh báo… Khi đó, việc chuẩn hóa dữ liệu từ trước và vai trò điều phối giúp Nhà nước có thể thu thập, xử lý tất cả thông tin cần thiết để có các phương án chống dịch tối ưu (ví dụ đưa ra cảnh báo đỏ trong tình huống nguy cấp hoặc bật “đèn xanh” cho trạng thái bình thường).

. Xin cám ơn ông.

Phát triển “thẻ xanh COVID-19” thế nào?

. Mới đây, lãnh đạo TP đã nhắc đến việc nghiên cứu chính sách “thẻ xanh COVID-19”. Ông có gợi ý gì cho việc này?

+ Tôi hình dung “thẻ xanh COVID-19” chính là một sự phân loại (xanh-đỏ), chứng nhận cho người dân đủ điều kiện để có thể đi lại, làm việc, sinh hoạt ở cộng đồng an toàn. Ở các nước, họ cấp thẻ cho người tiêm vaccine hoặc F0 khỏi bệnh. Nếu ở Việt Nam cũng theo ý tưởng này thì cần lưu ý đừng xem “thẻ xanh” này là thẻ giấy. Mỗi người có thể được cấp một mã QR cho biết họ đã tiêm vaccine hay chưa, có phải là F0 khỏi bệnh hay không. Muốn vậy thì dữ liệu phải được nhập nhanh chóng và đầy đủ, tránh trường hợp người dân đã tiêm vaccine mà chưa được công nhận; F0 tại nhà khỏi bệnh mà chưa được ra ngoài…

Cần đồng nhất dữ liệu này vào các ứng dụng khai báo y tế, quản lý dịch tễ hay thậm chí là dữ liệu cá nhân trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Điều đó giúp tất cả cơ quan, đơn vị được Nhà nước chia sẻ dữ liệu có thể nắm và ứng xử một cách đồng bộ. Tránh trường hợp chỗ này thì được xem là “thẻ xanh” nhưng chỗ khác không có thông tin thì “bật đèn đỏ”. Cần tính đến việc tích hợp các chức năng khai báo y tế; cảnh báo khi tiếp xúc với F0, F1 để tự xét nghiệm, theo dõi; đăng ký tiêm vaccine, cảnh báo các vùng nguy cơ… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới