PGS.TS Trần Như Dương – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Đoàn công tác của Viện tại Hải Dương, nhận định chủng virus mới có tốc độ lây lan rất nhanh, các lực lượng phải nỗ lực, thần tốc chạy đua với thời gian để có thể chiến thắng dịch bệnh.
. PV: Thưa ông, chủng virus mới ở Hải Dương có gì đáng lo ngại so với chủng virus ở Đà Nẵng?
+ PGS.TS Trần Như Dương : Virus ở Đà Nẵng là chủng cũ, khả năng lây nhiễm thấp, chu kỳ lây truyền dài đồng nghĩa với khả năng lây từ người nọ sang người kia ít. Ít có trường hợp từ một ca lây sang nhiều ca khác.
Còn chủng virus ở Hải Dương được xác định là biến chủng ở Anh. Phía Nhật Bản cũng đã thông báo ca nhiễm bệnh của nữ công nhân NTG (Hải Dương) là chủng ở Anh. Ngày 1-2, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã chính thức thông báo giải được trình tự gene của bệnh nhân liên quan đến Hải Dương là chủng biến đổi ở Anh.
PGS.TS Trần Như Dương – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương
Chủng biến đổi mới có khả năng bám dính tế bào người rất mạnh, phải bám dính vào người thì mới có khả năng lây nhiễm. Hơn nữa, tốc độ tăng 70% so với chủng cũ, chu kỳ lây truyền rút ngắn chỉ còn 2-3 ngày so với 5 ngày như trước đây.
Có thể nói chủng virus mới lây truyền nhanh hơn rất nhiều so với chủng cũ. Chúng ta đang phải chiến đấu với kẻ thù nguy hiểm hơn rất nhiều so với trước đây, cho nên chúng ta phải chuyển thành phương án tốc độ, tốc độ và tốc độ để chiến đấu với kẻ thù.
Chúng ta phải đi thật nhanh, nếu chậm hơn virus là thua virus. Vì vậy, mọi người đều đang làm việc vô cùng khẩn trương thâu đêm suốt sáng chạy đua với thời gian để thắng được chu trình của virus.
. Sau khi nắm bắt được tình hình về chủng mới này, ông đã có những gợi ý gì cho Hải Dương trong vấn đề truy vết, nhanh chóng khoanh vùng cách ly?
+ Truy vết là một trong những điều sống còn bởi nhờ truy vết mới có thể phát hiện ra và cách ly ngay lập tức.
Truy vết bao gồm: tốc độ truy vết, tốc độ khoanh vùng, tốc độ xét nghiệm để chiến thắng lại tốc độ lây lan của virus. Ở đây chúng ta sắp xếp các đội truy vết không kể ngày đêm, ra danh sách chuyển xuống địa phương để tổ chức cách ly ngay. Các thông tin được chuyển đi là theo tiến độ chứ không phải theo sự hoàn thành, được đến đâu chuyển đi đến đấy.
. Được biết ông là tác giả của cuốn Sổ tay truy vết, trong đợt dịch lần này cuốn Sổ tay truy vết đã đóng vai trò như thế nào?
+ Hướng dẫn trong Sổ tay truy vết cực kỳ quan trọng. Trước đó, trên thế giới chưa nước nào có, vậy nên chúng ta cũng không hề có kinh nghiệm trong việc này.
Lúc đầu chúng ta cũng phải lần mò, nhưng sau chiến dịch ở Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) lập tức Phó Thủ tướng Võ Đức Đam và Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu phải tổng hợp thông tin để đưa ra Sổ tay truy vết.
Có hướng dẫn truy vết một cách bài bản mới có thể truy vết nhanh, triệt để, không được bỏ sót. Nếu truy vết theo cách cổ điển sẽ bỏ sót rất nhiều. Chính kinh nghiệm từ Sơn Lôi, Hạ Lôi đã giúp tôi cho ra đời Sổ tay truy vết này.
Cuốn sổ tay này được phát hành toàn quốc, tập huấn đến từng phường từng xã. Nhờ Sổ tay truy vết bài bản ngắn gọn, dễ hiểu, cầm tay chỉ việc nên từ cán bộ xã, thôn cho đến huyện, tỉnh hay Trung ương đều nắm rõ được phải làm gì. Chỉ 5 bước vô cùng dễ hiểu, dễ làm.
Nhờ có nó mọi việc truy vết được hoạt động một cách trơn tru, bài bản, giúp chúng ta yên tâm trong việc truy vết.
Nhân viên Y tế Quảng Ninh sẵn sàng chống dịch COVID-19
Đành rằng không có gì là hoàn hảo nhưng từ những kinh nghiệm thực tiễn chúng ta lại tiếp tục hoàn thiện bổ sung. Thực tiễn đến đâu, tổng kết được bao nhiêu là đưa vào ngay áp dụng cho thực tế. Tôi cũng nghĩ rằng sẽ tiếp tục còn sửa đổi bổ sung bởi lẽ kinh nghiệm đi từ thực tiễn và thực tiễn sẽ chỉ ra những điều nhỏ nhất, không ai có thể dạy ai được.
Những kinh nghiệm thực tiễn được tổng kết trong Sổ tay truy vết được áp dụng một cách vô cùng hiệu quả cho các đợt chống dịch trên cả nước nói chung và đợt dịch ở Hải Dương nói riêng.
. Câu “đi từng ngõ, gõ từng nhà” đã trở thành phương châm về giám sát, khoanh vùng, dập dịch. Ông có thể chia sẻ hoàn cảnh nảy sinh phương châm này không?
+ Năm 2007 - 2008 có một ổ dịch tả xảy ra Trúc Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội), tôi được cử về để xử lý ổ dịch này.
Dịch tả lây lan rất mạnh, việc yêu cầu người dân giữ gìn vệ sinh, rửa tay bằng xà phòng, ăn chín uống sôi và đặc biệt phải uống kháng sinh dự phòng rất quan trọng. Tuy nhiên, cán bộ y tế cũng không chắc rằng phát thuốc kháng sinh xong người dân có uống hay không? Vì thế chúng tôi đề nghị thành lập những tổ đi từng ngõ, gõ từng nhà.
Trong buổi tập huấn cho nhân viên y tế, tự dưng trong đầu tôi nảy ra câu nói đó, cũng không nhớ là nghe của ai hay học được ở đâu, và chỉ đạo mọi người rằng: “Phải đi từng ngõ, gõ từng nhà để xem người dân có uống không? Phải chứng kiến cảnh người dân uống thuốc, bởi việc uống kháng sinh dự phòng rất quan trọng trong việc chống dịch tả”.