Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM, TP.HCM xây dựng khu Đông trở thành khu đô thị sáng tạo. Đây sẽ là hạt nhân để dẫn đầu và thúc đẩy phát triển kinh tế TP và khu vực phía Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Khu vực phía Đông của TP.HCM là nơi tập trung nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp với những sản phẩm mang hàm lượng khoa học công nghệ cao, đồng thời là môi trường làm việc, học tập, sinh sống thuận lợi của các chuyên gia, nhà khoa học và lực lượng lao động có trình độ và chất lượng.
Theo các chuyên gia, để tiếp cận được một đô thị sáng tạo cần có các biện pháp nhằm tăng cường sự gắn kết, tương tác giữa các thành phần trong xã hội, tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp, môi trường tốt cho nhân tài, xây dựng hệ thống đại học chất lượng quốc tế nhằm đóng góp vào quá trình xây dựng đô thị sáng tạo.
Bà Barbara Noonan (Trưởng bộ phận kinh doanh công khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Nokia) cũng đồng ý xây dựng TP sáng tạo cần có vai trò của mọi người, chứ không thể khởi phát từ ý tưởng của một người, chính quyền hay doanh nghiệp lớn…
Theo đó, mọi ý tưởng có thể đến từ mọi công ty và chính quyền phải luôn cởi mở sẵn sàng làm việc với bất kỳ ai, vì không có giải pháp cho mọi thứ, chỉ khi mọi người cùng làm với nhau mới tốt hơn.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (World Bank), cho biết TP.HCM muốn xây dựng đô thị sáng tạo cần tận dụng các công nghệ mới, công nghệ đột phá, bổ sung các nền công nghiệp hỗ trợ với hiệu suất cao. Để thành công cần có kế hoạch từ đầu, không chỉ có cơ sở hạ tầng cứng mà cả cơ sở hạ tầng mềm như kỹ năng của con người. Cần tạo ra một TP mang tính cạnh tranh.
“Đô thị sáng tạo nên dựa trên vốn con người là rất quan trọng, do đó tạo điều kiện cho các viện, trường đại học cùng nghiên cứu với nhau, làm sao giữ chân và phát triển nhân tài, phát triển kỹ năng, kỹ thuật. Xây dựng mạng lưới quan hệ giữa các lãnh đạo về mặt chính sách, mạng lưới trong cộng đồng” - ông Ousmane Dione cho biết.
Ông Jay. H Wadhwani, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Mitsubishi Heavy Industries, cũng đồng tình thu hút nhân tài để tạo ra một hệ sinh thái cho đô thị sáng tạo. Mà để giữ chân được họ cần có hạ tầng chất lượng sống tốt.
“Luôn khuyến khích phát triển các ý tưởng từ nhân tài mà đừng sợ thất bại, vì không phải ý tưởng nào cũng thành công, một số ý tưởng cần thời gian để chín muồi”.
Bà Tan Poh Hong, chuyên gia Trung tâm nghiên cứu các TP đáng sống Singapore, cho biết tạo ra một đô thị sáng tạo phải bắt đầu từ cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm phục vụ.
Chẳng hạn Singapore trước đây quy hoạch khu đô thị từ xây dựng trên các con đường dành cho xe hơi, nhưng giờ đây chính sách xây dựng hạ tầng xoay quanh con người. Như đảm bảo đại ốc có không gian xanh, tạo ra một cộng đồng tương tác để mọi người đều cảm nhận mình là một phần trong cuộc sống đô thị khiến TP phát triển sôi động.
Theo TS Ahmad Magard, Tổng Thư ký Liên đoàn Sản xuất Singapore, giải pháp cho đô thị sáng tạo nên có chiến lược phát triển nhân tài, nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp và kinh doanh. Nắm bắt công nghệ, mô hình kinh doanh có tầm quan trọng đổi mới, luôn linh hoạt để thích nghi với sự thay đổi. Nuôi dưỡng môi trường đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển tạo ra sản phẩm mới mà cộng đồng yêu cầu.
Sau khi hình thành, khu đô thị sáng tạo của TP sẽ kết nối chặt chẽ và hiệu quả ba chức năng: là trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học-công nghệ; là trung tâm giáo dục-đào tạo nhân lực có trình độ và chất lượng cao; là trung tâm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ công nghệ cao. Khu đô thị sáng tạo sẽ góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng (từ các khâu nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, đào tạo nguồn nhân lực, thiết kế sản phẩm, sản xuất sản phẩm phụ trợ, sản xuất sản phẩm công nghiệp, tiêu thụ sản phẩm và cung ứng dịch vụ) trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế và sự hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp. |