Năng lực sáng tạo của Việt Nam đạt điểm rất thấp

Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu vừa được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố. Năm nay, Việt Nam đứng thứ 77 trong 140 nền kinh tế, với 58,1 điểm trên thang 100. Thứ hạng năm ngoái là 74 trên 135. Như vậy chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam giảm 3 hạng so với năm 2017.

Tuy vậy một loạt các chỉ số khác của Việt Nam được WEF chỉ ra cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc, như ổn định kinh tế vĩ mô xếp hạng 64, cơ sở hạ tầng đứng thứ 75 thế giới, đặc biệt kết nối hệ thống sân bay và cảng biển đứng rất cao lần lượt là 22 và 20.

Tiếp theo hệ thống tài chính được xếp hạng 59, trong đó tỷ lệ vốn cho khu vực tư nhân được đánh giá tốt xếp thứ 24 trên thế giới. Về sức khỏe, Việt Nam cũng nằm trong thứ hạng cao là 68/140 nước. Thấp nhất là Năng lực Sáng tạo, chỉ được 33,4 điểm, đứng thứ 82.

Báo cáo này nhận định kinh tế Việt Nam có khả năng chịu đựng các cú sốc đột ngột đe dọa tăng trưởng, như lãi suất tăng cao, căng thẳng thương mại,...

WEF cũng đánh giá cao việc giảm mạnh tỉ lệ đói nghèo của Việt Nam nhờ vào thương mại hóa toàn cầu tốt góp phần tạo thịnh vượng cho nền kinh tế, chuyển dịch mạnh từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ.

Thụy Sĩ không còn duy trì được chuỗi 9 năm liên tiếp đứng đầu như trước. Với 85,6 điểm, Mỹ hiện là nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới. Quốc gia này được đánh giá cao nhất tại các tiêu chí Sự năng động trong Kinh doanh, Thị trường Lao động và Hệ thống Tài chính.

Top 10 chủ yếu là các đại diện châu Âu, gồm Đức (3), Thụy Sĩ (4), Hà Lan (6), Anh (8), Thụy Điển (9) và Đan Mạch (10). Còn lại là ba nền kinh tế châu Á – Singapore (2), Nhật Bản (5) và Hong Kong (Trung Quốc, thứ 7). Trung Quốc – nền kinh tế lớn nhì thế giới đứng thứ 28 năm nay, cao nhất trong nhóm nước mới nổi BRICS.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang và chủ nghĩa chống lại toàn cầu hóa, báo cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở cửa để tăng tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, WEF cũng chỉ ra các nước sẽ không phải hy sinh năng lực cạnh tranh để phát triển kinh tế bao trùm và thu hẹp bất bình đẳng.

Công cụ mới của WEF năm nay xếp hạng các nền kinh tế thông qua 98 tiêu chí được chia thành 12 cột trụ. Các cột trụ này được chia vào 4 nhóm chính, gồm Môi trường Thuận lợi (Thể chế, Cơ sở hạ tầng, Sự phổ cập công nghệ thông tin – viễn thông, Ổn định vĩ mô), Thị trường (Sản phẩm, Lao động, Hệ thống Tài chính, Quy mô thị trường), Nhân lực (Sức khỏe, Kỹ năng) và Hệ sinh thái Đột phá sáng tạo (Sự năng động trong kinh doanh, Khả năng đột phá).

Với mỗi trụ cột, WEF sử dụng thang điểm 100 (thay vì 7 như mọi năm), để đánh giá nền kinh tế đó đã tiến gần mức trạng thái cạnh tranh lý tưởng hay mới sơ khai.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm