Chuyên gia phân tích khả năng Mỹ - Trung Quốc hạ nhiệt

Ngày 6-10 (giờ địa phương), Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan có phiên hội đàm với Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc (TQ) Dương Khiết Trì ở TP Zurich (Thụy Sĩ) để bàn về hướng đi cho quan hệ song phương.

Quản lý căng thẳng một cách có trách nhiệm

Hãng tin Al Jazeera dẫn tuyên bố của phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Emily Horne cho hay cuộc gặp nói trên là minh chứng cho nỗ lực của hai bên nhằm “quản lý căng thẳng song phương một cách có trách nhiệm”.

Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì (trái) và Cố vấn an ninh
quốc gia Mỹ Jake Sullivan (phải) trong cuộc đối thoại Mỹ - Trung
ở bang Alaska, Mỹ hồi tháng 3. Ảnh: SCMP 

Lãnh đạo hai nước nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đối thoại cởi mở và thẳng thắn nhằm xác lập các điểm chung, từ đó tiến tới giải quyết một cách hiệu quả những vấn đề mà hai nước đang có bất đồng. “Bất chấp căng thẳng gia tăng, Washington vẫn không có ý định khơi mào xung đột với Bắc Kinh” - bà Horne khẳng định.

Quan chức này cũng cho biết cuộc gặp là sự kiện nối tiếp những gì đã được trao đổi trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình diễn ra ngày 9-9. Sự kiện này lúc đó được tờ The Nikkei đánh giá là diễn biến đáng chú ý, bởi đây là cuộc trao đổi đầu tiên giữa lãnh đạo hai cường quốc sau gần bảy tháng im lặng.

Tuy nội dung trao đổi có phần không thoải mái khi ông Tập vài lần lên tiếng phản đối khi nghe ông Biden nhắc tới chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, song hai bên vẫn đồng ý duy trì đối thoại song phương cấp cao thường xuyên hơn. Bầu không khí cũng tương đối nhẹ nhàng khi hai nhà lãnh đạo còn đề cập khả năng đi công tác cùng nhau đến các TP ở Mỹ và TQ vì hai người đã quen nhau từ khi ông Biden còn là phó tổng thống Mỹ, còn ông Tập là phó chủ tịch TQ.

Giới chuyên gia nói gì?

Trả lời hãng tin Reuters, TS Evan Medeiros thuộc ĐH Georgetown (Mỹ) đánh giá cuộc gặp giữa ông Sullivan và ông Dương có thể không mang lại được nhiều kết quả thực tế, trực tiếp tác động làm giảm căng thẳng Mỹ - Trung. Thay vào đó, sự kiện này nên được coi là một kiểu dò đường của lãnh đạo hai bên, xem phản ứng của bên còn lại trước khi tổ chức những phiên đối thoại khác thực chất, chạm tới những vấn đề gai góc hơn.

“Tôi cho rằng cứ phải chờ nội dung đối thoại được công bố chính thức để xem hai bên đại diện Mỹ - Trung nói gì. Vẫn còn quá sớm để đặt bất cứ kỳ vọng nào về mặt tổng thể quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, cái tôi cho rằng họ có thể thực hiện được là làm rõ những lằn ranh của nhau, cũng như trao đổi thẳng thắn về lập trường của mình trong một số vấn đề nhạy cảm đang nóng dần lên như Đài Loan hiện nay” - ông Medeiros chia sẻ.

Quan điểm của ông Medeiros phần nào cũng được một bộ phận lãnh đạo trong chính quyền ông Biden chia sẻ. Cụ thể, tờ South China Morning Post dẫn lời một số quan chức Nhà Trắng ẩn danh cho hay rất mong đợi cuộc đối thoại có thể giúp hàn gắn các kênh liên lạc cấp cao Mỹ - Trung và mở rộng đường cho ông Tập và ông Biden gặp mặt trực tiếp bên lề thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào cuối tháng 10. Nếu Washington và Bắc Kinh ký kết hay đi tới một cam kết nào đó thực chất, rõ ràng điều này chỉ có thể xảy ra khi hai lãnh đạo cao nhất gặp nhau.

Giới học giả TQ cũng bày tỏ quan điểm tích cực về khả năng Mỹ - Trung sẽ đối thoại nhiều hơn trong thời gian tới. GS Li Haidong thuộc Học viện Ngoại giao TQ chia sẻ với tờ Thời báo Hoàn Cầu rằng quan hệ hai nước đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng nên mọi hành động của các lãnh đạo đều phải được tính toán kỹ càng, lấy hòa bình - ổn định chung làm mục tiêu phấn đấu.

“Việc hai bên đồng ý đối thoại và ông Dương cùng ông Sullivan gặp nhau là một bước đi rất tốt. Mỹ - Trung càng hòa hợp, thẳng thắn thì trật tự thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ càng ổn định” - ông Li cho biết.

Dù vậy, bình luận viên Alexandra Jaffe của hãng tin AP cũng cảnh báo mức độ xuống thang và thiện chí đối thoại giữa Mỹ - Trung thời gian tới sẽ được cải thiện tới đâu phụ thuộc rất nhiều vào sự chủ động của hai bên, mà phần nhiều là TQ.

“Việc nước này trong tuần qua điều hơn 100 máy bay quân sự áp sát Đài Loan là một hành động cố tình khiêu khích rất khó chấp nhận và không phù hợp thông điệp kêu gọi bảo vệ ổn định khu vực của Bắc Kinh.

“TQ hiểu rất rõ Đài Loan là vấn đề dễ gây căng thẳng nhưng vẫn cố tình điều máy bay là đang có ý định thử giới hạn của Mỹ. Washington đang rất lo ngại khả năng nổ ra xung đột giữa hòn đảo này với TQ và sẽ có phản ứng dứt khoát. Nếu tình trạng này kéo dài, tôi e rằng mọi thành quả đối thoại cũng sẽ vô dụng nếu Bắc Kinh không chịu lùi bước” - bà Jaffe chia sẻ.•

Hãng tin Reuters ngày 5-10 cho hay Cơ quan quản lý năng lượng hạt nhân Mỹ vừa cho dừng vận chuyển vật liệu phóng xạ cho tập đoàn hạt nhân quốc doanh lớn nhất TQ - CGN do lo ngại Bắc Kinh tăng cường vũ khí hạt nhân. 
 

Khả năng Mỹ - Trung đã đạt được đồng thuận về vấn đề Đài Loan 

Ngày 6-10, Tổng thống Joe Biden cho biết ông và Chủ tịch Tập Cận Bình đã có trao đổi về tình hình Đài Loan và hai bên đã đồng ý tiếp tục tuân thủ thỏa thuận Đài Loan. Theo đó, Mỹ tiếp tục chỉ công nhận và duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với chính quyền đại lục, theo AP. Dĩ nhiên, thỏa thuận này không ngăn cấm Mỹ hỗ trợ nâng cấp năng lực phòng vệ của Đài Loan hay đổ quân can thiệp trong kịch bản Đài Loan bị xâm lược nếu cần.

Dù ông Biden không nói rõ thời gian của cuộc nói chuyện, AP cho rằng đây là nội dung trong cuộc điện đàm giữa hai lãnh đạo hồi ngày 9-9.

Cơ quan ngoại giao Đài Loan sau đó ra thông báo cho biết đang làm rõ với phía Mỹ về lời nói của ông Biden nhưng tin rằng chính sách cũng như cam kết của Washington đối với Đài Loan không thay đổi. “Đối mặt các mối đe dọa về kinh tế, ngoại giao, quân sự từ đại lục, Đài Loan và Mỹ luôn duy trì liên lạc chặt chẽ và thông suốt” - thông báo nêu rõ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm