Cải thiện các chỉ số cạnh tranh cho TP.HCM

Chuyên gia: TP.HCM cần có hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp

Mới đây, khi làm việc với Sở Nội vụ TP.HCM về kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2022, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu: Cần có cách thức cụ thể, phân tích đưa ra các nguyên nhân với quyết tâm cải thiện chỉ số PAR Index (chỉ số cải cách hành chính), PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh), giám sát việc cải thiện chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh)...

Góp ý về vấn đề này, TS Ngô Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định, chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế - tài chính, đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao các nhóm chỉ số cạnh tranh của TP.HCM.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi (bìa phải) gặp gỡ trí thức, doanh nghiệp kiều bào nhân dịp đầu năm mới 2022, tổ chức ngày 25-1. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Cần những cải cách đột phá, lâu dài

. Phóng viên: TP.HCM đang tập trung cải thiện chỉ số PAR Index, PAPI, PCI bởi các chỉ số này của TP đang ở mức trung bình thấp. Theo ông, vì sao câu chuyện cải thiện chỉ số cạnh tranh đã nói nhiều trong các năm qua nhưng TP vẫn chưa thể cải thiện được?

+ TS Ngô Minh Hải (ảnh): Về mặt tổng thể, tôi nghĩ các chỉ tiêu thành phần của TP vẫn có tốc độ cải thiện khá tốt, đặc biệt ở hai nhóm tiêu chí là cung ứng dịch vụ công và quản trị điện tử. Tuy nhiên, do đặc thù là trung tâm kinh tế - tài chính và dịch vụ của cả nước, hạ tầng dịch vụ công cũng như nguồn nhân lực phục vụ luôn ở trong tình trạng quá tải và tập trung nhiều vào giải quyết sự vụ, dẫn tới thiếu những cải cách và đột phá mang tính chất ổn định và lâu dài.

Dưới góc độ quản trị vận hành, để cải tiến chất lượng dịch vụ cần có một cái nhìn bao quát và hệ thống khi lựa chọn chiến lược đột phá. TP có thể lựa chọn nhóm tiêu chí liên quan đến nội tại hệ thống cơ quan cung ứng dịch vụ công để tập trung cải tiến, khi các cơ quan này được tối ưu, số hóa, chất lượng dịch vụ sẽ tăng lên đáng kể. Nhóm tiêu chí thứ hai liên quan đến dịch vụ khách hàng và trải nghiệm, truyền thông. Cơ quan công quyền cũng như lãnh đạo TP, cơ quan, ban, ngành phải tăng cường đối thoại, trao đổi, gặp gỡ tiếp xúc, một cửa một dấu, phản ánh nhanh, xử lý nhanh thì hiệu quả công việc mới nâng cao.

Nhóm giải pháp thứ ba lâu dài hơn và căn cơ hơn nhưng cần có sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước để có tư vấn phù hợp. Nhóm giải pháp cốt lõi liên quan đến tối ưu vận hành bao gồm các hoạt động rà soát, cải tiến tổng thể liên quan đến cơ cấu tổ chức, cơ chế, chính sách, hệ thống quy trình, chất lượng nguồn nhân lực, công nghệ và phân bổ nguồn lực tài chính. Đối với TP, điểm nghẽn chủ yếu nằm ở cơ chế, chính sách và hệ thống quy trình cần chuẩn hóa, mà mô hình TP trực thuộc TP của Thủ Đức là một ví dụ cho sự bất cập. Với sự hạn chế của hạ tầng công nghệ thông tin và cơ chế công khai, minh bạch, quy trình lấy ý kiến bằng văn bản với sự tham gia của nhiều bên liên quan dẫn tới quy trình ra quyết định và xử lý công việc bị kéo dài, thông tin trở thành đặc quyền của một số người/đơn vị… tạo cơ hội cho tham nhũng, nhũng nhiễu phát triển.

Cải thiện giao tiếp với người dân

. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp (DN) về dịch vụ hành chính công của TP còn thấp. Làm sao để cải thiện vấn đề này?

+ Cải thiện chỉ số về sự hài lòng là một nhiệm vụ không dễ nhưng cũng không quá khó để thực hiện. Nếu TP cần có thời gian để cải thiện chất lượng dịch vụ công một cách căn cơ, bài bản thì việc nâng cao sự hài lòng (một chỉ số rất cảm tính) lại cần các cải tiến liên quan tới quá trình giao tiếp và tương tác với “khách hàng”, mà ở đây chính là người dân, DN.

Thái độ làm việc chuyên nghiệp, cầu thị, luôn lắng nghe, thấu hiểu và đồng cảm, cũng như tăng cường sự tương tác, trao đổi, đối thoại để người dân, DN cảm thấy được quan tâm, chia sẻ… Họ sẽ rất sẵn lòng đánh giá năm sao cho chất lượng dịch vụ. Một số giải pháp có thể làm ngay và TP đang làm rất tốt có thể phát huy, đó là một cửa một dấu, xây dựng cổng thông tin hành chính công, ứng dụng công nghệ trong giải quyết công việc và nâng cao chất lượng đội ngũ tiếp dân, DN (front-end) sẽ cải tiến đáng kể chỉ số này.

. Các chỉ số liên quan đến tính minh bạch và trách nhiệm giải trình với người dân của TP.HCM cũng còn thấp. Ông có khuyến nghị gì về vấn đề này?

+ Điều này lãnh đạo TP cũng phải thẳng thắn nhìn nhận là trước đây chúng ta làm chưa tốt. Tuy nhiên, đợt đại dịch vừa qua đã minh chứng cho thái độ cầu thị, lắng nghe và xử lý quyết liệt của lãnh đạo TP. Các tổ chuyên gia tư vấn và chương trình trực tuyến người dân hỏi, lãnh đạo TP trả lời đã mang lại hiệu quả rất thiết thực và cần tiếp tục được phát huy mạnh hơn nữa.

Hiện nay, các kênh đối thoại và giải trình giữa cơ quan quản lý với người dân đã có nhưng chưa hiệu quả, cần phải có một cách làm mới phù hợp hơn với thời đại của công nghệ và mạng xã hội. Mô hình hoạt động nên theo cơ chế “đặc nhiệm” (task-force) để có thể phối hợp nâng cao chất lượng và số lượng thông tin, cũng như xây dựng các kênh truyền thông, giao tiếp hiệu quả giữa TP và người dân.

Xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp

. Một chỉ số khác cũng rất đáng chú ý là dịch vụ hỗ trợ DN cũng có xu hướng giảm mạnh trong giai đoạn 2015-2020. Làm sao cải thiện vấn đề này?

+ Đối với các tỉnh, thành có quy mô nhỏ, việc cơ quan công quyền thực hiện luôn nhiệm vụ này sẽ đảm bảo hiệu quả cao và phục vụ sát nhất với yêu cầu của DN. Tuy nhiên phải nhìn lại bản chất, dịch vụ công chỉ đóng vai trò như một thành tố trong hệ sinh thái hỗ trợ sự thành công của DN, trong đó đổi mới sáng tạo, tài chính đầu tư, các tổ chức hỗ trợ trong và ngoài nước đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Đối với TP.HCM và trong điều kiện nguồn lực có giới hạn cũng như yêu cầu giải quyết bài toán đa mục tiêu của tăng trưởng, vai trò của một chính quyền kiến tạo là chính yếu. Chính quyền TP và khu vực công phải có chính sách xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ DN, xây dựng chính sách, tạo sân chơi minh bạch, sòng phẳng, đầu tư tập trung vào hạ tầng công nghệ, kết nối và chia sẻ dữ liệu tập trung, khuyến khích thu hút tài năng người Việt trong và ngoài nước, tạo cơ chế thông thoáng trong công tư kết hợp để có thể xã hội hóa và thu hút nguồn lực tư nhân, quốc tế.

Về bản chất, thị trường hơn 15 triệu dân và nguồn nhân lực chất lượng cao đã là lợi thế cạnh tranh rất lớn của TP rồi. Vì vậy, tư duy xây dựng hệ sinh thái để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cũng như tối ưu nguồn lực là tiền đề cơ bản để cải thiện chỉ số về dịch vụ hỗ trợ DN trong tương lai không xa.

. Xin cám ơn ông.•

Cần có cơ chế thu hút nhân tài

Dưới góc độ quản trị, bất kỳ hệ thống vận hành nào từ DN cho tới chính quyền đều bắt nguồn từ những con người xuất sắc hoặc (và) từ hệ thống cơ chế chính sách tốt để thu hút những con người xuất sắc để sáng tạo và cống hiến. Với vai trò kiến tạo, TP nên ưu tiên xây dựng hệ sinh thái, kết nối nguồn lực, cũng như thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, để rồi chính những người dân yêu TP này sẽ nỗ lực dựng xây, phát triển TP với đúng tiềm năng vốn có.

TS NGÔ MINH HẢI 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm