Chiều 15-2, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi làm trưởng đoàn công tác của UBND TP đã đến Sở Nội vụ để phê duyệt kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2022 của đơn vị này.
Giải quyết cho xong cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức
Mở đầu buổi làm việc, ông Phan Văn Mãi đánh giá năm qua có bốn việc Sở Nội vụ làm chưa đạt được kết quả cuối cùng, trong đó có đề án chuyển đổi năm huyện ngoại thành lên quận; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức.
Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cũng khẳng định nhiều đầu việc chậm tiến độ đề ra và chưa đi đến kết quả cuối cùng có trách nhiệm của Sở Nội vụ. Nguyên nhân do trong năm qua, Sở Nội vụ tập trung vào việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức; tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Ngoài ra còn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TÁ LÂM
Riêng đối với việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức và thực hiện chính quyền đô thị tại TP.HCM, ông Nhân cho biết trong tháng 1, lãnh đạo Sở Nội vụ có ra Hà Nội gặp trực tiếp bộ trưởng Bộ Nội vụ và bộ trưởng có nói sau tết sẽ có buổi làm việc với TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội để nghe các vướng mắc trong xây dựng chính quyền đô thị, từ đó có hướng giải quyết.
Theo ông Nhân, TP Thủ Đức với quy mô hơn 1 triệu dân nhưng rõ ràng hoạt động của Thủ Đức như một đơn vị hành chính cấp huyện, chỉ khác việc nhập lại nên số lượng cán bộ, công chức gấp ba lần các quận, huyện khác. “Nếu như trong giai đoạn tới đây không có cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức về tổ chức bộ máy, về quy chế thì địa phương này sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý” - ông Nhân nói.
Trong thời gian tới, giám đốc Sở Nội vụ hứa sẽ cùng với các sở, ngành tập trung hết mình cho việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức. Cùng với đó, rà soát những vướng mắc và khó khăn trong xây dựng chính quyền đô thị để kiến nghị trong buổi làm việc với bộ trưởng Bộ Nội vụ tới đây.
Liên quan đến việc xây dựng chính quyền đô thị, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đề nghị Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan và tham mưu UBND TP chỉ đạo các ngành liên quan tham gia triển khai các nhiệm vụ.
Riêng đối với cơ chế đặc thù phát triển TP Thủ Đức, ông Mãi cho biết cơ chế này phải được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, nếu không sẽ không vận hành được. “Đây là TP trong TP thì phải có những khía cạnh nào đó, TP Thủ Đức phải có phương thức vận hành như TP.HCM. Vừa qua, có ý kiến đặt vấn đề TP Thủ Đức phải có cơ chế đặc thù vượt trội. Người ta đề nghị lấy cơ chế cấp tỉnh ứng dụng cho TP Thủ Đức, tức là coi TP Thủ Đức như một tỉnh. Nếu chúng ta không giải quyết mối quan hệ này cho tốt thì cơ chế của TP Thủ Đức sẽ bị đụng với TP.HCM” - ông Mãi nói và đề nghị Sở Nội vụ cùng các sở, ngành tập trung nghiên cứu.
Theo ông Mãi, để thực hiện được các nhiệm vụ cần có sự phối hợp giữa các ngành và mở rộng cơ chế chuyên gia. “Ở TP.HCM có rất nhiều chuyên gia, các cán bộ hưu trí, các nhà khoa học... cần phát huy và xin ý kiến của họ. Ví dụ như xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Thủ Đức, nếu chỉ dựa vào lực lượng của chúng ta thì chắc năm nay làm cũng không xong, mà có xong có lẽ cũng không đạt được yêu cầu” - ông Mãi nói và cho rằng cần mời chuyên gia góp ý kiến.
Tập trung năm đề án, chương trình lớn Trong chương trình công tác năm 2022, Sở Nội vụ sẽ tiếp tục tham mưu UBND TP.HCM triển khai thực hiện chương trình đột phá mới quản lý TP.HCM. Trong đó, tập trung vào năm đề án, chương trình theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM khóa XI. Đó là đề án tổ chức chính quyền đô thị; đề án thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM; đề án chuyển một số huyện thành quận giai đoạn 2021-2030; đề án tổ chức phong trào thi đua sáng tạo và các giải thưởng sáng tạo TP.HCM giai đoạn 2020-2030; chương trình cải cách hành chính, nâng cao chỉ số cải cách hành chính giai đoạn 2020-2025. Theo đó, Sở Nội vụ đề ra hơn 80 nhiệm vụ cụ thể để thực hiện. |
Thiết lập phương thức số giao tiếp với dân
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng năm 2021 là năm khó khăn do dịch COVID-19 bùng phát nhưng Sở Nội vụ đã hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ, trong đó nổi bật là đã điều phối được nhân sự hàng trăm ngàn người phục vụ cho công tác phòng chống dịch.
Tuy nhiên, ông Mãi cho rằng Sở Nội vụ cũng có một số nhiệm vụ chưa đạt được kết quả cuối cùng. Do vậy, ông đề nghị đơn vị này kiểm tra, rà soát ở từng mảng, phân công người đeo bám tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ.
Cơ bản thống nhất với 80 đầu việc mà Sở Nội vụ đề ra nhưng ông Mãi cũng yêu cầu đơn vị này tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có cải cách hành chính. Ông Mãi cho rằng phải làm sao cải thiện cho được chỉ số cải cách hành chính, đã tốt rồi thì phải cải thiện tốt hơn nữa, bởi “câu chuyện cải cách hành chính ở TP.HCM không chỉ tác động như một tỉnh, thành bình thường khác, mà tác động rất lớn đến kinh tế cả nước”.
Trong đó, cần có cách thức cụ thể, phân tích đưa ra các nguyên nhân với quyết tâm cải thiện chỉ số PAR Index (chỉ số cải cách hành chính), PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh). Đồng thời giám sát việc cải thiện chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), thúc đẩy triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Bên cạnh cải thiện chỉ số cải cách hành chính, ông Mãi cũng yêu cầu Sở Nội vụ thiết lập phương thức số giao tiếp giữa chính quyền với công dân và doanh nghiệp. “Chính quyền muốn gửi một thông tin gì cho người dân qua mạng xã hội thì chính quyền phải có kênh để lắng nghe ý kiến của người dân. Ví dụ như vừa rồi chúng ta làm chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời”, đó là một phương thức giao tiếp” - ông Mãi nói.
Về biên chế, ông Mãi cho rằng không chỉ có xã, phường đông dân mà nhiều quận, huyện ở TP.HCM cũng đông dân như TP Thủ Đức, Bình Tân, Gò Vấp. “Không phải cứ theo quy mô dân số mà tăng biên chế, phải có đề án tổ chức hoạt động. Không phải phường này hơn phường kia 5.000 dân thì phải tăng biên chế. Theo đó, phải tổ chức lại công việc, con người, phương thức hoạt động, tăng cường công nghệ thông tin để phục vụ người dân tốt hơn” - ông Mãi nói.