Chuyên gia trong nước nói gì về đề xuất đảo vườn nổi giữa sông Sài Gòn

(PLO)- Ngay sau khi liên danh tư vấn Pháp đề xuất làm đảo vườn nổi giữa sông Sài Gòn và cho rằng đây sẽ là công trình độc đáo của TP.HCM, Sở QH-KT TP.HCM cho biết, sẽ nghiên cứu, thẩm định kỹ lưỡng ý tưởng mới này.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trao đổi với phóng viên PLO, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý Quy hoạch chung Sở QH-KT TP.HCM cho biết hiện TP đang tập trung cho quy hoạch chung, bên cạnh đó, Sở cũng tiếp thu các đề xuất quy hoạch các khu vực, các mô hình phát triển của TP trong tương lai, trong đó có đề xuất của nhóm chuyên gia Pháp.

“Đối với các đề xuất mới sẽ được Sở tiếp nhận, nghiên cứu nghiêm túc, thẩm định kĩ lưỡng để có tham mưu cho UBND lựa chọn, tính toán hài hòa trong tổng thể phát triển của TP”, ông Tuấn thông tin thêm.

Các khu vực ven sông Sài Gòn có thể tổ chức các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, các sự kiện giải trí. Video: P.ĐIỀN

Tiếp nhận và nghiên cứu ý tưởng từ Tư vấn Pháp

Trước đó, nói về kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn, ông Tuấn cho rằng, các khu vực ven sông là nơi có thể tổ chức các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, các sự kiện giải trí, gắn với nhiều hoạt động dịch vụ, thể thao, y tế và sức khỏe, giáo dục.

Không gian dịch vụ đô thị gắn với mặt nước đều có khả năng khai thác những thế mạnh của cảnh quan thiên nhiên để nâng cao chất lượng, tính độc đáo và hấp dẫn của các loại hình, sản phẩm dịch vụ.

Bên cạnh đó, hạ tầng cảnh quan và không gian tại những điểm nối giao thông như cầu cảng, các khu vực dành cho những hoạt động dịch vụ, công cộng ven sông cần được quy hoạch thiết kế tốt, nhằm quản lý khai thác tốt nhất hiệu quả sử dụng đất và chức năng của các tiện tích.

“Chính vì thế, các khu “bến nước” đa chức năng và có hiệu quả khai thác cao là một dạng hạ tầng dịch vụ thúc đẩy nền kinh tế xanh lam của thành phố, một nền kinh tế dựa vào lợi thế tự nhiên, có khả năng gắn kết sâu với chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, phát huy thế mạnh đặc thù và bản sắc văn hoá sông nước - hướng biển của một nền kinh tế đang nỗ lực chuyển đổi xanh”, ông Tuấn đánh giá.

sông sài gòn 1.jpg
Ý tưởng về đảo vườn nổi giữa sông Sài Gòn đoạn qua trung tâm TP, đối diện công viên bến Bạch Đằng. Ảnh: Liên danh tư vấn.

Ý kiến các chuyên gia trong nước

"Việc đề xuất làm đảo nổi giữa sông Sài Gòn cần nhìn nhận nằm trong tổng thể phát triển hàng lang sông, đảo nổi kết hợp nhiều giải pháp để tăng cường mảng xanh, tăng tính kết nối với dòng sông", TS Võ Kim Cương, nguyên Phó KTS trưởng TP.HCM nói thêm.

Theo ông Cương, đây là một ý tưởng lạ, độc đáo, đặt trong bối cảnh tổng thể quy hoạch chung TP đang được xây dựng và điều chỉnh, đảo nổi có thể kết hợp với công viên sinh thái trong khu Thủ Thiêm, kết hợp quảng trường phía Thủ Thiêm, sau này có những trải nghiệm tốt hơn cho người dân, du khách.

"Về ảnh hưởng giao thông thủy, nếu đảo nổi làm ở khu vực gần bờ Thủ Thiêm sẽ không ảnh hưởng, do đây là khu vực cạn, cũng ít tàu thuyền qua lại mà chỉ để neo đậu là chính. Chỗ sâu nhất của sông Sài Gòn phía bờ trung tâm TP chứ không phải bên Thủ Thiêm, nên tàu thuyền thường lưu thông về hướng này, vì vậy đảo nổi làm phía vòng cung Thủ Thiêm là sẽ hợp lý hơn", ông Cương phân tích.

Nêu quan điểm khác, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, nên làm thêm cầu cho xe công cộng nối kết hai bờ đông tây sông Sài Gòn, chứ không nên chỉ làm thêm cầu đi bộ, bởi đi bộ chưa phù hợp với điều kiện khí hậu TP.HCM nắng nóng hoặc nhiều mưa.

"Ngoài ra nên để không gian nước và tăng diện tích trồng cây hai bên bờ thì tốt hơn làm thêm các đảo nổi. Mặt khác, ngoài làm cầu, làm đường ngầm sẽ cho sông có không gian mặt nước giúp cho tàu thuyền đi lại dễ dàng, còn nếu làm nhiều cầu thấp thuyền lớn không vào được", ông Sơn đề xuất.

Theo ông Sơn, được biết TP cũng có ý định là ngầm hoá đường Tôn Đức Thắng, đây không phải giải pháp có hiệu quả cao về kinh tế, vì thực chất đường Tôn Đức Thắng không cần làm ngầm mà cứ nên cho xe và giao thông công cộngchạy và trồng nhiều cây xanh hơn chứ không nên để bến Bạch Đằng nắng nóng như hiện nay.

Một số hòn đảo vườn trước khi đến Thủ Thiêm

Sau hội thảo Phát triển không gian, chức năng dọc hành lang sông Sài Gòn theo kinh nghiệm của Pháp về sông Seine được Sở QH-KT TP.HCM tổ chức đầu tháng 3, Liên danh tư vấn trên vừa hoàn thiện báo cáo phát triển toàn diện hành lang sông Sài Gòn gửi Sở QH-KT TP.HCM.

Theo đó, Liên danh đề xuất kết nối trung tâm TP qua sông Sài Gòn bằng một số hòn đảo vườn trước khi đến Thủ Thiêm.

Lý giải cho đề xuất này, liên danh tư vấn Pháp cho biết vườn nổi/đảo nổi là các công trình kiến trúc khá hiếm trên thế giới, điều này cũng có thể sẽ là cơ hội độc đáo cho TP.HCM tạo ra sự khác biệt.

Trải nghiệm đi bộ vượt sông Sài Gòn có thể sẽ quá dài do chiều rộng hai bên bờ sông (250 m) là gấp đôi so với bề rộng của sông Seine và đặc biệt sẽ không thoải mái do khí hậu nóng ẩm ở miền Nam, Việt Nam.

"Đây là lý do tại sao chúng tôi tưởng tượng đến một cách kết nối có ý nghĩa tốt hơn giữa bờ phải và bờ trái sông Sài Gòn. Chúng tôi thấy không có cách nào tốt hơn để thực hiện điều này ngoài việc tạo ra các hòn đảo trực tiếp kết nối với các cầu dành cho người đi bộ", liên danh tư vấn Pháp giải thích.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm