Chiều 28-3, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại TP.HCM, Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) đã tổ chức diễn đàn tăng trưởng Xanh Việt Nam - Đức với chủ đề “Hợp tác vì tăng trưởng xanh TP.HCM”.
TP.HCM xác định cần tiên phong chuyển đổi xanh
Bà Cao Thị Phi Vân, Phó giám đốc ITPC cho biết, tiêu chí xanh, phát triển bền vững đang được áp dụng tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam trong đó có thị trường Đức. Đây là một trong những thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt.
Theo bà Vân, TP.HCM luôn xác định vai trò tiên phong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Thành phố đã hoàn thiện khung chiến lược tăng trưởng xanh đến 2030, tầm nhìn 2050, xác định lấy người dân, DN làm trung tâm chuyển đổi.
Vì vậy, diễn đàn cập nhật môi trường đầu tư, dự án thành phố mời gọi đầu tư trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, tạo điều kiện cho DN TP.HCM, DN các tỉnh lân cận gặp gỡ, kết nối với DN châu Âu khai thác tiềm năng hợp tác đầu tư.
Ông Phan Ngọc Ánh, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ năng lượng Alena, cho biết Liên minh châu Âu (EU) có quy định về mức phát thải khí nhà kính cho tất cả các ngành sản xuất.
Ngành nào phát thải carbon vượt quá định mức sẽ phải đóng thuế, ngược lại, nếu phát thải dưới định mức sẽ được bù trừ. Do đó, các DN châu Âu áp dụng công nghệ để sản xuất dưới mức phát thải cho phép, từ đó bán tín chỉ carbon và thu được nguồn tài chính xanh.
Theo ông Ánh, để thực hiện sản xuất xanh, DN Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, trong đó có rào cản về tiếp cận nguồn tài chính xanh.
Đáng lưu ý, nhiều DN cho rằng chỉ có sử dụng điện mặt trời mới giúp DN trở nên xanh hơn nhưng theo tiêu chuẩn quốc tế, trong quá trình sản xuất DN chỉ cần giảm phát thải dưới mức quy định, không cần giảm hết 100%.
Vì vậy, DN chỉ cần lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với công suất phù hợp để đáp ứng được tiêu chí về phát thải. Việc này giúp giảm chi phí đầu tư cho DN.
“Ngoài lắp đặt điện mặt trời mái nhà, DN có thể đầu tư vào các công nghệ sản xuất xanh, công nghệ tiết kiệm điện, công nghệ giám sát năng lượng hoặc sử dụng loại đèn đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu về phát thải dưới mức cho phép… để thực hiện một trong các tiêu chí xanh” - ông Ánh nói.
Doanh nghiệp Đức đối mặt nhiều thách thức
Theo ông Alexander Ziehe, Chủ tịch Hiệp hội DN Đức tại TP.HCM, tăng trưởng xanh mở ra cơ hội mới cho nền kinh tế và để DN nâng cao sự cạnh tranh.
DN Đức luôn đứng đầu trong đổi mới và tăng trưởng xanh. Sự cam kết đối với môi trường bền vững và trách nhiệm xã hội đã đưa DN Đức trở thành những người dẫn đầu trong cộng đồng DN xanh toàn cầu. Tuy nhiên, DN vẫn còn rất nhiều việc cần triển khai ở các khu vực như TP.HCM.
Gần đây DN Đức đối mặt với nhiều thách thức như đô thị hóa nhanh chóng tại Việt Nam đang ảnh hưởng đến thiên nhiên, nông nghiệp và năng lượng; những rào cản về các quy định đã trì hoãn nỗ lực của DN trong thực hiện phát triển xanh bền vững.
“Diễn đàn hôm nay cũng sẽ là lời nhắc nhở để giúp họ vượt qua thách thức, chúng ta cùng nhau hợp tác nhiều hơn nữa vì một Việt Nam bền vững” - ông Alexander Ziehe nói.