PLO đã thông tin về hai luồng ý kiến trái chiều về tục lệ lì xì. Một số người cho rằng lì xì là cái nợ và nên bỏ đi. Số khác lại cho rằng lì xì là tục lệ tốt đẹp từ xa xưa mang ý nghĩa cầu chúc cho nhau điều may mắn đầu năm, dù cho có bị biến tướng ở một số nơi nhưng mỗi người chúng ta vẫn có cách giúp nó trở về với ý nghĩa tốt đẹp vốn có.
Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Long, Trưởng Bộ môn Văn hóa Việt Nam, khoa Văn hóa học, trường ĐH KHXH&NV TP.HCM,về vấn đề này.
Bỏ hay không bỏ?
. Phóng viên: Thưa ông, hiện nay xuất hiện hai luồng ý kiến trái chiều về tục lệ lì xì, một số ý kiến cho rằng tục lệ lì xì ngày nay bị biến tướng, đôi khi việc lì xì giống như một "cái nợ" vì thế nên bỏ tục lệ này, số khác lại cho rằng lì xì là tục lệ xa xưa, có những mặt tích cực của nó nên không thể nói bỏ là bỏ được. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
+ Tiến sĩ Trần Long: Lì xì bắt nguồn từ Trung Quốc, sau đó du nhập vào Việt nam và các nước Đông Á. Lì xì có ý nghĩa là hồng bao, là mừng tuổi, người lớn có thể lì xì cho trẻ con hoặc ngược lại để cùng nhau mừng thêm một tuổi mới với nhiều điều tốt lành. Vì sao lì xì chỉ xuất hiện vào dịp Tết đến, vì khi đó là mùa xuân, mà mùa xuân thì cần sự vui tươi, không khí đầm ấm để thắt chặt quan hệ gia đình.
Lì xì không phải để kinh doanh hay làm việc khác, chính vì vậy lì xì phải có một mức độ nhất định, dù là trẻ con hay người lớn tuổi đều phải có một mức phù hợp. Tuy nhiên, lì xì vẫn không thể có một quy ước chung vì nó thuộc quan niệm mỗi gia đình, mỗi điều kiện kinh tế,... và rất khó để có được một quy ước.
Tuy nhiên, nếu muốn có quy ước chung thì phải cần sự tham gia của các nhà xã hội học, kinh tế, các bộ phận chuyên trách,... Đây là vấn đề tế nhị, nếu có quy ước sẽ tạo ra phản ứng xã hội, nhưng khi không có để mặc định với nhau sẽ rất rối, giống như hiện nay.
Nhưng không phải vì vậy mà tiền lì xì có thể vượt qua ý nghĩa mừng tuổi, động viên, vì khi vượt qua ý nghĩa đó thì nó đã trở nên biến tướng và không còn là văn hóa.
"Bản chất văn hóa là những thói quen tốt đẹp, khi lì xì biến tướng mang lại nhiều hệ lụy tiêu cực sẽ không còn được xem là văn hóa nữa", Tiến sĩ Trần Long nói. |
Chung quy, tôi cho rằng không thể bỏ được tục lệ lì xì khi nó đã trở thành một nét văn hóa lâu đời. Tất nhiên không nên lợi dụng nó mà đổi chác, vụ lợi,... làm mất đi giá trị văn hóa.
Đừng để lì xì bị biến tướng
. Phóng viên: Thực tế hiện nay ở một số nơi tục lệ lì xì đã bị biến tướng đi nhiều. Ông nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?
+ Tiến sĩ Trần Long: Nguyên nhân dẫn đến lì xì bị biến tướng hiện nay là do rất nhiều người đã không hiểu được ý nghĩa thật sự của lì xì, không biết lì xì là gì. Hoặc có thể là do sự thể hiện của bản thân, thể hiện rằng mình giàu có. Hoặc cũng có thể là do suy nghĩ, họ nghĩ đó là trách nhiệm, là bổn phận mà tiền gắn với trách nhiệm thì thường không phải là con số nhỏ,...
Vì những nguyên nhân trên mà hiện nay lì xì đã bị biến tướng với rất nhiều dạng và phức tạp. Thứ nhất, như đã nói số tiền vượt quá xa ý nghĩa của tiền mừng tuổi là một dạng biến tướng. Thứ hai, lợi dụng Tết, lì xì mà tạo nên dịp trao đổi vụ lợi cho bản thân cũng là một dạng biến tướng. Thứ ba, đổi tiền lì xì thành hiện vật, đây là một dạng biến tướng rất phức tạp. Tóm lại, những điều này đã xảy ra từ khá lâu và trở thành thói quen. Tất nhiên thói quen vẫn có thể sửa được, nhưng sẽ mất nhiều thời gian.
. Phóng viên: Như vậy có giải pháp nào để hạn chế và khắc phục sự biến tướng của lì xì không thưa Tiến sĩ?
+ Tiến sĩ Trần Long: Việc đầu tiên gia đình phải xác lập vấn đề rõ ràng, bản thân ba mẹ phải giúp con hiểu đây là tiền mừng tuổi, là chúc nhau những điều tốt lành cho tuổi mới; không phải là tiền để đóng học phí, mua sách vở; không phải vì số tiền nhiều thì vui, ít thì buồn...
Thứ hai nhà trường phải nói với các em về ý nghĩa của tiền mừng tuổi hay nhiều tập tục khác của Việt Nam để từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường các em đã có thể nhận thức được vấn đề. Sau đó, các em có thể truyền đạt lại ý nghĩa đã học được cho thế hệ sau.
Lì xì phải là tiền, không thể lì xì bằng vật khác
Bản chất của tục lệ lì xì là tiền mừng tuổi, chính vì thế nếu thay tiền bằng bất kỳ một vật nào khác dù cho vật đó có giá trị hoặc không có thì đó vẫn xem là một dạng biến tướng.
Nhiều người cho rằng thay vì lì xì bằng tiền thì lì xì bằng sách, vở,... Nhưng không, đó không phải là lì xì. Chúng ta có thể tặng sách, tặng các món quà khác nhưng đó không phải là lì xì.
Tiến sĩ TRẦN LONG, Trưởng Bộ môn Văn hóa Việt Nam, khoa Văn hóa học, trường ĐH KHXH&NV TP.HCM.