Chuyên gia WHO: Chuyến đi đến phòng thí nghiệm Vũ Hán 'thú vị'

Nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện đang có mặt tại Vũ Hán để điều tra nguồn gốc COVID-19. Ngày 3-2, đội chuyên gia đã đến một phòng thí nghiệm ở Viện virus học Vũ Hán, đài CNN đưa tin.

Chuyến đi đến phòng thí nghiệm "rất thú vị"

Sau khi đến Trung Quốc vào tuần trước và trải qua 14 ngày cách ly, đội chuyên gia WHO đã bắt đầu điều tra tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc.

Đội chuyên gia WHO đã đến nhiều nơi để bắt đầu điều tra nhưng không nơi nào gây tranh cãi nhiều như phòng thí nghiệm tại Viện virus học Vũ Hán, do các quan chức trong chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói rằng đây có thể là nơi mà virus SARS-CoV-2 bị rò rỉ dù không đưa ra được bằng chứng.

Bảo vệ đứng bên ngoài Viện virus học Vũ Hán. Ảnh: AFP

Đây là phòng thí nghiệm duy nhất ở Trung Quốc và đầu tiên của châu Á được trang bị mức độ an toàn sinh học 4 (BSL-4), là mứt độ kiểm soát sinh học cao nhất hiện nay. Những phòng thí nghiệm BSL-4 được thiết kế để nghiên cứu các mầm bệnh nguy hiểm nhất trên thế giới, những mầm bệnh có nguy cơ lây truyền cao, mức độ gây tử vong đáng kể và thường không có cách chữa trị đáng tin cậy.

Tiến sĩ Thạch Chính Lệ đưa chuyên gia Peter Daszak đi tham quan phòng thí nghiệm vào năm 2014. Ảnh: EcoHealth Alliance/CNN

Ông Peter Daszak, thành viên của nhóm chuyên gia WHO hiện đang ở Vũ Hán và là chủ tịch của EcoHealth Alliance - một tổ chức phi lợi nhuận về sức khỏe môi trường- cho biết ông tin tưởng vào các quy trình an toàn của phòng thí nghiệm này.

Ngày 3-2, khi được phóng viên hỏi có tìm thấy gì trong chuyến đi đến Viện virus học Vũ Hán hay không, chuyên gia Thea Fischer của nhóm nói rằng "Rất thú vị. Nhiều câu hỏi" và không trả lời gì thêm.

Tìm manh mối từ chợ hải sản Hoa Nam

Hôm 31-1, nhóm chuyên gia của WHO đã đến thăm chợ hải sản Hoa Nam, được cho là nơi xuất hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên. Khu chợ này hiện đã được khử trùng và đóng cửa.

"Ngay cả khi nơi này đã được khử trùng ở một mức độ nào đó, tất cả những gì còn lại cho chúng tôi hiểu về tình trạng cơ sở hạ tầng, vệ sinh, nguồn hàng hóa và cách sinh hoạt tại đây" - ông Peter Ben Embarek, trưởng nhóm chuyên gia WHO và là chuyên gia an toàn thực phẩm, nói với đài CNN.

Nhóm chuyên gia WHO tới Viện virus học Vũ Hán - Ảnh:AFP/CNN

Trong khi đó, chuyên gia Thea Fisher, nói với đài CNN rằng bà đã rất ngạc nhiên vì "sự hữu ích" của việc nhìn thấy một khu chợ đã bị bỏ hoang trong năm qua.

"Chúng tôi có một số nhân viên y tế công cộng rất tốt đi cùng, những người đã thực sự tiến hành một số việc lấy mẫu môi trường ở chợ" - bà Fisher cho biết.

Tất cả nhóm chuyên gia WHO đã nói rằng bất kỳ phát hiện nào từ cuộc điều tra sẽ phải mất một khoảng thời gian đáng kể để nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi công bố, ngay cả khi cả thế giới đang chú ý đến các phát hiện này.

Phòng thí nghiệm Vũ Hán được thành lập trong bối cảnh đại dịch hội chứng hô hấp cấp tính (SARS) nghiêm trọng chết người tràn qua Trung Quốc và các khu vực khác của châu Á vào năm 2002 và 2003.

Phòng thí nghiệm Vũ Hán do bà Thạch Chính Lệ, thường được mệnh danh là "nữ người dơi" của Trung Quốc, do bởi bà chuyên nghiên cứu về loài dơi ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) để tìm nguồn gốc của bệnh tật.

Dơi là một loài động vật được ví là ổ chứa virus dù chúng không mắc bệnh nhờ sức đề kháng tự nhiên. Mặc dù vậy, chúng là vật mang nhiều mầm bệnh truyền nhiễm có khả năng tàn phá con người, bao gồm Ebola, bệnh dại, SARS và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS). Hiện nay, giới khoa học cũng đồng ý rằng virus SARS-Cov-2, gây nên dịch COVID-19 cũng có nguồn gốc từ dơi, sau đó lây sang người.

Điều này càng khiến cho việc tìm hiểu phòng thí nghiệm ở Vũ Hán là cần thiết, vì nếu tìm hiểu được cách virus tiến hóa và lây lan từ dơi sang người có thể giúp các nhà khoa học tìm ra cách ngăn chặn các bệnh lây nhiễm tốt hơn trong tương lai.

Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc những phòng thí nghiệm như này có thể là nơi lưu trữ một số mầm bệnh có thể gây chết người nếu chúng vô tình bị thoát ra ngoài.

Đó cũng là quan điểm mà chính quyền Tổng thống Trump từng tuyên bố, cho rằng phòng thí nghiệm này đã để loại virus nguy hiểm lọt ra ngoài. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều không đồng ý với quan điểm trên.

Trong một bài báo đăng trên tạp chí Nature Medicine vào tháng 3-2020, các chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm ở Mỹ, Anh và Úc cho biết "không thể chắc chắn" rằng virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm, trích dẫn phân tích so sánh dữ liệu bộ gen của COVID-19.

“Các phân tích của chúng tôi cho thấy rõ ràng rằng SARS-CoV-2 không phải là một cấu tạo có từ phòng thí nghiệm hay là một loại virus bị thao túng có chủ đích” - bài báo nêu rõ.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm