Chị Nguyễn Thị Phương (ngụ TP.HCM) kể lại, đầu tháng 12 chị bị hack nick Facebook. Hacker sau đó đã dùng Facebook của chị nhắn tin cho những người quen với nội dung: “Bạn ơi, hiện mình đang cần chuyển tiếp gấp cho người bạn mà trong tài khoản không đủ, bạn gửi giúp mình 2,5 triệu nhé vào số tài khoản này 1900 xxxx. Hôm nào gặp mình trả”.
“Đột nhiên mình không đăng nhập vào Facebook được, sau đó biết bị hack nick nhưng không biết từ khi nào, do đâu. Nghĩ đi nghĩ lại mình nhớ ra trước đó có nhấp vào một đường link xếp hạng lượt like trên mạng xã hội. Sau đó, nhiều bạn bè gọi điện thoại hỏi về việc nhờ chuyển tiền thì mình mới ngã ngửa. Trong một ngày mình bị mất nick thì bạn mình đã bị lừa tổng cộng 5 triệu đồng” - chị Phương bức xúc.
Chị Phương sau đó đã tới ngân hàng, xin thông tin số tài khoản được chuyển tiền nhưng không được cung cấp. May mắn, bạn của chị đã cho chị số điện thoại của đối tượng nhận tiền để liên lạc.
“Tôi đã yêu cầu hacker ra gặp mặt, yêu cầu trả lại tiền, nếu không sẽ tố cáo đến công an và ngân hàng nơi anh mở tài khoản. Có lẽ do lo sợ bị lộ nên người này đã đồng ý trả lại tiền cho bạn của tôi” - chị Phương nói.
Cách hạn chế mất Facebook và cách lấy lại tài khoản
Thông thường, kẻ gian sẽ dụ dỗ người dùng nhấp vào các liên kết có tiêu đề thu hút và yêu cầu đăng nhập Facebook để xem tiếp. Vì tò mò, không ít người đã trở thành nạn nhân, bị kẻ lừa đảo chiếm dụng tài khoản và sử dụng vào mục đích xấu (lừa đảo nạp card, chuyển tiền…).
Một dạng website "dẫn dụ" người đăng nhập. Ảnh: M.Hoàng
Việc nhận biết các bài viết lừa đảo khá đơn giản. Người dùng có thể nhìn vào liên kết bên dưới bài viết, đơn cử như m.dantritop.com, m.dantrifunny.com... Rõ ràng đây chỉ là các trang web giả mạo nhằm dụ dỗ người dùng đăng nhập Facebook rồi chiếm dụng tài khoản.
Lưu ý, trước khi đăng nhập Facebook, bạn nên kiểm tra lại xem liên kết trang có phải là https://www.facebook.com/ hay chưa. Tuyệt đối không đăng nhập vào những trang web khác để tránh mất tài khoản oan uổng.
Ngoài ra, người dùng nên hạn chế chơi các ứng dụng đoán tuổi, đoán người yêu, tương lai bạn sẽ như thế nào, ai là đàn em của bạn… để tránh bị thu thập thông tin, phục vụ cho các mục đích mờ ám. Đây cũng chính là lý do tại sao bạn không chơi game trên Facebook nhưng vẫn gửi lời mời đến bạn bè.
Nếu cảm thấy tài khoản đã bị người khác tấn công, bạn hãy truy cập vào phần Settings & Privacy (cài đặt & quyền riêng tư) trên Facebook, chọn Settings (cài đặt) > Security & Login (bảo mật và đăng nhập) > Change Password (đổi mật khẩu). Nên sử dụng mật khẩu mạnh gồm chữ hoa, chữ thường, số và các ký tự đặc biệt.
Đối với những ai đang sử dụng máy tính, bạn hãy cài đặt tiện ích J2TEAM Security tại địa chỉ http://bit.ly/j2team-1, tương thích với Google Chrome, Cốc Cốc, Yandex, Opera… hoặc các trình duyệt sử dụng mã nguồn mở Chromium. Kể từ lúc này, mỗi khi truy cập nhầm vào các trang web độc hại hoặc giả mạo giao diện Facebook, J2TEAM Security sẽ tự động hiển thị cảnh báo và yêu cầu người dùng quay lại.
Để hạn chế tối đa tình trạng mất tài khoản, bạn hãy kích hoạt tính năng bảo mật hai lớp bằng cách vào Settings & Privacy (cài đặt và quyền riêng tư) trên Facebook, chọn Settings (cài đặt) > Security & Login (bảo mật và đăng nhập) > Login Approval. Sau đó, nhập vào số điện thoại bạn đang sử dụng để nhận mã bảo mật cho mỗi lần đăng nhập, tương tự tính năng xác thực hai lớp của Gmail, Microsoft...