Chuyện kể từ vị tướng “sinh ra để thuộc về bầu trời”

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đánh giá cuốn Nhật ký phi công tiêm kích giản dị nhưng đầy sức mạnh. Còn nhà thơ Hữu Việt thì gọi tác giả cuốn nhật ký là “người sinh ra để thuộc về bầu trời”.

Thế giới nội tâm “nghiệt ngã và ngời sáng”

Cuốn sách là nhật ký mô tả một cách trung thực “những suy nghĩ của lớp thanh niên thuở ấy về tình yêu Tổ quốc, về trách nhiệm công dân trước vận mệnh mang tính sống còn của dân tộc”.

Trung tướng Nguyễn Đức Soát (giữa)trong buổi ra mắt Nhật ký phi công
tiêm kích. Ảnh: VIẾT THỊNH 

Từ một anh lính bắt đầu học lái máy bay MiG-21 cho đến khi trở thành một trong những phi công có tài xạ kích giỏi nhất của không quân Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Đức Soát đã bắn hạ sáu máy bay Mỹ và được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND khi mới ở tuổi 27.

Trung tướng Nguyễn Đức Soát chia sẻ, ông bắt đầu viết nhật ký vào ngày 20-3-1966, sau khi sang Liên Xô được tám tháng và ngừng lại ở ngày 31-12-1972, một ngày sau khi Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc.

“Tôi viết thế nào cho in như thế, không điều chỉnh gì cả. Mình tôn trọng sự thật, đừng biến nhật ký thành hồi ký mà nó hỏng đi mất. Cách viết của anh học sinh 21, 22 tuổi khác lắm, chẳng hạn năm 1969, lần đầu tiên bắn rơi máy bay không người lái, tôi lâng lâng với niềm vui rất trẻ con nên nghĩ sao viết vậy” - Trung tướng Nguyễn Đức Soát bày tỏ.

Từ đó, ông khẳng định Nhật ký phi công tiêm kích được viết một cách nghiêm cẩn, đảm bảo tôn trọng sự thật.

Nhà thơ Hữu Việt, con trai của nhà văn Hữu Mai, tác giả của bộ tiểu thuyết Vùng trời, cuốn sách đầu tiên viết về những người lính trên bầu trời, gọi cuốn sách của tướng Soát là “những khát vọng thiên thanh”.

Anh bày tỏ: “Có lẽ đây là lần đầu tiên, bằng văn bản, cuốn nhật ký đã mở ra thế giới nội tâm của một phi công tiêm kích thành thật và thẳng thắn, riêng tư và xao xuyến, nghiệt ngã và ngời sáng”.

Một quan võ tài ba, một quan văn với ngòi bút sắc bén

Tướng Soát không chỉ là một quan võ tài ba mà còn là một quan văn với ngòi bút sắc bén. Khi chú hy sinh, bố mẹ tôi rất đau đớn nhưng mẹ chúng tôi nói rằng: “Bố mẹ mất Thiều nhưng còn có Soát”. Và suốt 48 năm qua, chú Soát đã thực hiện tròn tâm nguyện đó của bố mẹ chúng tôi.

NGUYỄN THỤC PHƯƠNG, chị dâu của liệt sĩ Vũ Xuân Thiều 

Hòa bình - khát vọng kỳ vĩ của người Việt

Có mặt tại buổi ra mắt cuốn nhật ký, tân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều bày tỏ, ông đến dự với mục đích duy nhất là có thể chạm tay vào một người anh hùng mà mình đã thần tượng từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Người đứng đầu Hội Nhà văn Việt Nam cũng hồi tưởng lại cách đây 29 năm ông đã dẫn một đoàn quân thất trận, là những cựu binh Mỹ đã từng tham chiến ở Việt Nam có mặt nơi đây.

“Họ đến đây để muốn được nhìn thấy những người đã đánh bại kẻ khổng lồ của không lực Hoa Kỳ, có lẽ đó là một đội quân không lực mạnh nhất thế giới. Họ cũng tin rằng họ bay đến đâu thì tất cả mây ở đó phải tan đi nhưng họ thất bại trên bầu trời Tổ quốc này... Họ đến vừa rụt rè, vừa tò mò, vừa đầy háo hức” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.

Học viện quân sự bậc nhất trên đất nước thân yêu

Trích đoạn trong Nhật ký phi công tiêm kích ngày 31-12-1972: “Chiến tranh đã làm sáng thêm những gì tốt đẹp mà trước đây mình không thể thấy, đốt cháy những cái xấu mà mình khư khư ôm ấp như mang một bệnh tật để mình thích ứng nhanh với khó khăn. Chiến tranh đã thử thách mình, đã tôi luyện mình. Sẽ không một trường đại học nào, một học viện quân sự nào giúp mình tiến bộ nhanh được bằng cuộc chiến đấu vừa qua trên đất nước thân yêu này!”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đưa thêm dẫn chứng, vào năm 1977, một trường đại học ở Mỹ đã lần đầu tiên xuất bản những bài thơ trong tài liệu quân đội Mỹ thu giữ của quân đội Việt Nam trong chiến tranh.

Sau khi họ giải mật thì các nhà văn nghiên cứu và phát hiện ra một điều kỳ bí, trong tất cả cuốn sổ tay có hình vẽ giống nhau đó là chim bồ câu - khát vọng hòa bình. Và trong các sổ tay, giấy tờ, họ thấy một văn bản là bài thơ chép tay của những người lính.

“Bài thơ nói về gì? Không hận thù, không đau khổ, không sợ hãi, chỉ có bài ca về quê hương đất nước, về khát vọng bình yên nhất của người lính sau chiến tranh trở về lấy vợ, sinh con, dựng nhà dựng cửa, chăm sóc bố mẹ, cày cấy trên cánh đồng bình yên nhất... Đó chính là khát vọng kỳ vĩ nhất của những người lính” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm