Chuyện “ngực lép”: Đã có ban soạn thảo 34 người

. Phóng viên:Thưa ông, dư luận rất băn khoăn trước các ý kiến trái chiều của đại diện Bộ Y tế và Bộ GTVT về dự thảo Thông tư liên tịch quy định tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe… (sau đây gọi tắt là dự thảo). Vậy ông có thể cho biết đến nay đã thành lập ban soạn thảo chưa và dự thảo ngày 7- 8 là của đơn vị nào?

Chuyện “ngực lép”: Đã có ban soạn thảo 34 người ảnh 1

+ Ông Phạm Thành Lâm (ảnh):Năm 2008, Bộ Y tế ban hành quy định “ngực lép không được lái xe” thì đã có nhiều dư luận trái chiều. Sau đó, Bộ Tư pháp có ý kiến cho rằng văn bản pháp quy đó ban hành chưa phù hợp nên phải dừng lại.

Để tiếp tục chỉnh sửa lại quy định trên, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT cùng tham gia. Bộ GTVT giao cho Tổng cục Đường bộ xây dựng dự thảo và Cục Y tế GTVT chịu trách nhiệm thẩm định.

Sau khi xây dựng xong dự thảo, Tổng cục Đường bộ đã gửi xin ý kiến của các đơn vị chức năng trong Bộ GTVT như Vụ Cơ sở hạ tầng, Vụ An toàn giao thông, Vụ Pháp chế… Cuối cùng, Cục Y tế tiến hành thẩm định và sửa chữa xong dự thảo. Ngày 12-4, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã ký văn bản chuyển dự thảo sang cho Bộ Y tế.

Đến ngày 9-5, Bộ trưởng Bộ Y tế có Quyết định số 1573 về việc thành lập ban soạn thảo xây dựng Thông tư hướng dẫn tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe. Ban soạn thảo gồm 34 người, trong đó có một tổ là tổ biên tập dự thảo. Quyết định 1573 quy định rất rõ nhiệm vụ cụ thể của từng bộ phận và tôi là một trong những thành viên của ban soạn thảo đó.

Chuyện “ngực lép”: Đã có ban soạn thảo 34 người ảnh 2

Quyết định thành lập ban soạn thảo do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ký. Ảnh: THÀNH VĂN

Tổ biên tập cũng đã họp để cho ý kiến về dự thảo mà Bộ GTVT xây dựng, từ đó có những chỉnh sửa cho phù hợp. Dự thảo ngày 7-8 (Pháp Luật TP.HCMđã phản ánh) là dự thảo của tổ biên tập, thuộc ban soạn thảo.Dự thảo này cơ bản giống với dự thảo của Bộ GTVT, chỉ điều chỉnh một vài chỉ số về chiều cao, cân nặng, lồng ngực…

. Như vậy, quan điểm của Bộ GTVT cũng là phải đạt tiêu chuẩn về vòng ngực, chiều cao, cân nặng thì mới được lái xe?

+ Bây giờ không thể nói dự thảo của Bộ GTVT mà là của ban soạn thảo, của liên bộ rồi, có cả Bộ Công an, Hiệp hội Vận tải, bảo hiểm xã hội… cùng tham gia.

. Xin cảm ơn ông.

Ngày 24-8, ông Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), khẳng định như đinh đóng cột với Pháp Luật TP.HCM: “Hiện chưa thành lập ban soạn thảo thông tư thì làm gì có dự thảo nào”.

Tuy nhiên, ngày 26-8, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê xác nhận đã thành lập ban soạn thảo thông tư quy định tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe. Tuy nhiên, “hiện Bộ Y tế vẫn chưa có văn bản chính thức lấy ý kiến dự thảo về những tiêu chuẩn sức khỏe đối với người lái xe”.

Về dự thảo ngày 7-8 như báo chí nêu, ông Khuê cho biết đây là cuộc họp cấp chuyên viên của Bộ Y tế và Bộ GTVT để họp bàn rút kinh nghiệm. Hiện dự thảo vẫn đang trong quá trình xây dựng, sau đó sẽ trình lên Bộ để phê duyệt và xin ý kiến rộng rãi các cấp, các ban ngành và nhân dân.

Ông Khuê cũng cho biết Bộ Y tế sẽ chỉ đạo thực hiện nghiên cứu, đánh giá khoa học về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe. Sau khi có kết quả nghiên cứu, ban soạn thảo sẽ xem xét và tiếp tục xây dựng thông tư liên tịch theo đúng quy định.

HUY HÀ

Sức cản của “ngực lép” và độ giãn của ngực bơm

Khi trao đổi với ông Lâm, chúng tôi đặt câu hỏi: Cơ sở nào để đề xuất “ngực lép” không được lái xe? Ông Lâm giải thích: Khi thảo luận thì các nhà khoa học cũng đắn đo, suy nghĩ rất nhiều. Nhưng chúng ta vẫn bắt buộc phải có tiêu chuẩn chứ không thể để những người “ngực lép” muốn đi xe nào cũng được. Ví dụngười “ngực lép”, cơ thể nhỏ bé thì ngay đến chuyện dắt xe lớn như xe SH thôi cũng đã khó rồi chứ nói gì đến việc vận hành. Hay trong quá trình lưu thông, nếu lồng ngực của anh quá nhỏ thì lực cản sẽ gây tức ngực, có thể ngừng tim đột ngột…

Qua thực tiễn gần đây, các chuyên gia nhận thấy người thấp bé nhẹ cân dễ gặp phải tai nạn thảm khốc hơn những người có sức khỏe. Điều này xuất phát từ những lý do sau: thứ nhất, nếu anh không có sức khỏe thì phản xạ sẽ chậm hơn những người có sức khỏe; thứ hai, khi anh không có sức khỏe thì anh sẽ chịu áp lực của ngoại cảnh mạnh hơn, ví dụ ngực nhỏ thì chịu sức gió va đập lớn hơn…

“Nhưng hiện nay vòng ngực có thể thay đổi bằng các thủ thuật thẩm mỹ, làm sao phân biệt được?”. Nghe câu hỏi này, ông Lâm khẳng định: Ý kiến đó là nhầm lẫn. Khi đo, người ta căn cứ vào chỉ số PE, tức sẽ đo lồng ngực bình thường, khi hít vào, khi thở ra và lấy chỉ số trung bình. Trong quá trình đó, nếu ba chỉ số vênh nhau thì ngực có độ giãn nở tốt. Còn lồng ngực bơm thì độ giãn nở cách nhau một tí thôi, như thế là khả năng tiếp xúc không khí kém, có vấn đề về hô hấp.

“Khi đưa ra quy định, chúng tôi dựa vào nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới và tiêu chuẩn của người Việt Nam về thể lực. Sau khi ban soạn thảo quy định xong thì phải có ý kiến phản biện của Viện Chiến lược Bộ Y tế rồi mới chỉnh sửa cho phù hợp. Cũng nói thêm là chúng ta đừng dùng từ “ngực lép” mà nên dùng từ vòng ngực, thể lực. Trong thể lực có tiêu chí chiều cao, cân nặng, vòng ngực. Chứ dùng từ “ngực lép” là không đúng” - ông Lâm nhấn mạnh

THÀNH VĂN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm