Chuyện người dịch Bộ luật Dân sự đầu tiên của Trung Quốc sang tiếng Việt

(PLO)- Nắm bắt nhu cầu đọc, nghiên cứu của nhiều người, Lê Thị Khánh Linh,  giảng viên Trường Đại học Luật - Đại học Huế đã cùng nhóm tác giả cho ra đời bản dịch Bộ luật Dân sự đầu tiên của Trung Quốc sang tiếng Việt.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trung Quốc hiện đang một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Cũng vì vậy, Bộ luật Dân sự đầu tiên của nước này được giới luật Việt Nam đặc biệt quan tâm và có nhu cầu đọc, nghiên cứu.

Lê Thị Khánh Linh, 30 tuổi, giảng viên Trường Đại học Luật - Đại học Huế chính là người nhận ra nhu cầu ấy.

Duyên đến từ ngoại ngữ thứ hai

“Tôi tốt nghiệp Khoa Luật – Đại học Huế năm 2016, với khả năng tiếng Anh đủ sử dụng vào công việc hàng ngày. Tuy nhiên, khi đi sâu vào nghiên cứu ngôn ngữ chuyên ngành luật thì thấy văn tự pháp lý Việt Nam sử dụng nhiều từ Hán Việt, nên quyết định lựa chọn theo học Trung văn để làm ngoại ngữ thứ hai. Và ngoại ngữ này dẫn tôi tới chương trình tiến sĩ luật tại Đại học Kinh tế và Luật Trung Nam, Trung Quốc”, nữ giảng viên chia sẻ.

nguoi-dich-bo-luat-dan-su-dau-tien-cua-trung-quoc-sangtieng-viet-2-9922.jpeg
Lê Thị Khánh Linh tặng bản dịch tiếng Việt Bộ Luật Dân sự Trung Quốc cho ông Yang Canming và ông Hou Zhenfa - Chủ tịch và Bí thư Đảng ủy Đại học Kinh tế và Luật Trung Nam, Trung Quốc. Ảnh: China Daily.

Tiếp cận các giáo trình và bộ luật của Trung Quốc, cảm nhận đầu tiên của Khánh Linh là ngôn ngữ pháp lý Trung Hoa có nội hàm bao quát hành vi rất chặt chẽ. Điển hình là Bộ luật Dân sự đầu tiên của nước này, được Quốc hội Trung Quốc khóa 13 thông qua ngày 28-5-2020, có hiệu lực từ 01-01-2021.

Tại Việt Nam lúc ấy có TS Trần Kiên, giảng viên Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội. Học ở Anh về nhưng TS Kiên có mối quan tâm đặc biệt với pháp luật Trung Quốc, nên có lần anh bày tỏ trên Facebook mong muốn tìm kiếm dịch giả Việt Nam hợp tác dịch tiếng Việt Bộ luật Dân sự Trung Quốc. Vậy là Linh liên hệ, trao đổi hợp tác dịch thuật.

Từ hai nhân tố ban đầu, nhóm dịch thuật sau đó có thêm ThS Hoàng Thảo Anh - giảng viên Đại học Luật, Đại học Huế; TS Trương Huỳnh Nga, TS Nguyễn Minh Tâm - đồng nghiệp Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ban đầu, nhóm xác định chỉ làm một bản dịch chia sẻ nội bộ những người cùng quan tâm. Nhưng bất ngờ, bản dịch tiếng Việt hoàn thiện đã nhận được rất nhiều sự đón nhận của giới luật học nước nhà, nên được NXB Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức phát hành.

Thách thức từ quá trình chuyển ngữ

nguoi-dich-bo-luat-dan-su-dau-tien-cua-trung-quoc-sang-tieng-viet-2-2867.jpg
Lê Thị Khánh Linh đang theo đuổi bằng chương trình nghiên cứu sinh Luật Hình sự tại Đại học Kinh tế và Luật Trung Nam, Trung Quốc.

Khánh Linh chia sẻ, khó khăn lớn nhất trong quá trình dịch Bộ luật Dân sự Trung Quốc là tìm được từ vựng tương đương trong tiếng Việt.

Ví dụ: Thuật ngữ “quyền nhân cách” trong Bộ luật Dân sự Trung Quốc có nội hàm rất giống với thuật ngữ “quyền nhân thân” trong Bộ luật Dân sự Việt Nam và khi chuyển ngữ sang tiếng Anh đều là “personality rights”. Tuy nhiên, cuối cùng nhóm tác giả quyết định sử dụng thuật ngữ “quyền nhân cách”, vì nó không chỉ trung thực về mặt phiên âm, mà nó còn phản ánh rằng có sự khác biệt nhất định giữa quyền nhân cách – một khái niệm pháp lý Trung Quốc và quyền nhân thân – khái niệm pháp lý của Việt Nam.

Hay như thuật ngữ “bổ thường” và “bồi thường” cùng được Bộ luật Dân sự Trung Quốc sử dụng. Trong đó bổ thường là đền bù thiệt hại do hành vi không vi phạm pháp luật gây ra; còn bồi thường là đền bù thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật gây ra. Việt Nam thì dùng chung “bồi thường” cho cả hai tình huống pháp lý này. Vậy là nhóm dịch thuật phải giữ nguyên cả hai thuật ngữ.

Với cách chuyển ngữ như vậy, Bộ luật Dân sự Trung Quốc đã được dịch sang tiếng Việt một cách trung thực nhất, bám sát nguyên gốc các khái niệm pháp lý. Đồng thời ứng dụng phương pháp luật so sánh để người đọc liên tưởng đến các thuật ngữ liên quan trong Bộ luật Dân sự Việt Nam.

Trong quá trình dịch, Khánh Linh cũng phải giải mã nhiều thuật ngữ Trung Quốc có khái niệm khá mới lạ với giới luật học trong nước. Ví dụ, “nghiệp chủ” bắt nguồn từ thuật ngữ “vật nghiệp” được du nhập từ ngôn ngữ pháp lý Hong Kong vào Trung Quốc đại lục. Về mặt nào đó, khái niệm này bao gồm cả “sản nghiệp” và chủ sở hữu sản nghiệp ấy – theo ngôn ngữ pháp lý Việt.

Thúc đẩy giao lưu lập pháp Việt - Trung

Câu chuyện của Khánh Linh đã được China Daily giới thiệu qua bài viết tựa đề “Bridging legal divides”, ngày 20-12-2023. Trong đó, cô cho biết mình đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các giảng viên, đồng nghiệp ở Việt Nam cũng như các thầy, cô và giáo sư ở Đại học Kinh tế và Luật Trung Nam.

Thành công ban đầu của bản dịch tiếng Việt Bộ luật Dân sự đầu tiên của Trung Quốc đang thôi thúc cô dịch Bộ luật Hình sự nước này.

Ở thách thức mới này, cô không chỉ chuyển ngữ từng điều luật. Vì chỉ dịch và so sánh điều luật thôi là chưa đủ để độc giả Việt Nam có thể tiếp cận với pháp luật hình sự Trung Quốc một cách toàn diện. Nữ tác giả còn mong muốn đưa thêm vào đó những bình luận của các chuyên gia luật hình sự Trung Quốc.

Khánh Linh mong muốn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các đồng nghiệp, giới nghiên cứu, các nhà luật học hai nước, để qua bản dịch tiếng Việt các đạo luật lớn của Trung Quốc góp phần thúc đẩy giao lưu lập pháp của hai nước láng giềng núi liền núi, sông liền sông.

Tự sản xuất

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm