“Dùng xong thì vứt đi thôi, mấy cục này chả có giá trị gì”, người lao công nói với Seipler. Anh tiếc rẻ nhìn những mảnh xà phòng thừa bị cho vào thùng rác.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh tiêu chảy là một trong những căn bệnh hàng đầu gây tử vong đối với trẻ dưới 5 tuổi. Vì vậy Seipler nghĩ rằng: Tại sao lại không tái chế xà phòng để có thể cứu sống được hàng triệu đứa trẻ? Quỹ từ thiện “Làm sạch thế giới” ra đời vì mục đích đó.
Bé gái Guatemala vui mừng nhận được xà phòng tái chế từ Quỹ "Làm sạch thế giới".
Việc tái chế xà phòng vô cùng đơn giản. Trước hết, quỹ đào tạo các nhân viên khách sạn về những kỹ năng nhặt và lưu trữ xà phòng. Từ đó, các nhân viên này sẽ thu gom tất cả xà phòng, kể cả xà phòng cục, dầu tắm và dầu gội đầu còn thừa sau khi sử dụng rồi vận chuyển chúng đến các trung tâm tái chế của quỹ. Chúng sẽ được nấu chảy ra, khử trùng và cuối cùng đóng lại thành những cục xà phòng mới để tặng người nghèo có thể sử dụng.
Hiện tại Quỹ "Làm sạch thế giới" đang điều hành năm nhà máy tái chế với khoảng 4.000 đối tác, gồm cả Công viên Disneyland và các khu nghỉ dưỡng của Walt Disney.
Seipler cũng cho biết chi phí để tái chế lượng xà phòng thừa của một phòng khách sạn chỉ mất khoảng 75 xu mỗi tháng. Điều này giúp quỹ có thể phân phối xà phòng tái chế trên toàn thế giới với mức giá không hề đắt đỏ.
Tính từ năm 2009 tới nay, quỹ đã phân phối (vừa tặng vừa bán) hơn 40 triệu cục xà phòng tới 115 quốc gia. Tuy vậy, với mong muốn mọi người dân đều có thể sử dụng sản phẩm này, quỹ đã hợp tác với các tổ chức phi chính phủ như Rise Against Hunger (Tổ chức chống lại nghèo đói) để sản phẩm tiếp cận người dân sâu hơn.
Trong các kế hoạch tiếp theo, Seipler muốn những cục xà phòng này có thể vươn tới Trung Quốc và Trung Đông. Anh chia sẻ: “Những gì tôi đang làm đều diễn ra suôn sẻ. Năm nay chúng tôi đã đạt được 20 triệu USD doanh thu với 70 đội thành viên toàn cầu tham gia. Đây là một bằng chứng cho thấy sự thay đổi nhận thức về những cục xà phòng ấy vốn chỉ xài một lần rồi vứt đi của các khách sạn”.
Hóa ra xà phòng khách sạn cũng có chuyện hay đấy chứ! Một cái nhìn khác và vô cùng mới có giá trị nhân văn cao.