Mới đây, chị Lê Thị Đ. ở xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) rơi nước mắt khi bị xã này triệt đường xin việc bằng cách phê xấu vào lý lịch trong hồ sơ xin việc của chị.
Đủ kiểu phê xấu vào lý lịch
Theo chị Đ., chị là sinh viên cử tuyển của tỉnh Ninh Thuận, vừa tốt nghiệp chuyên ngành ngân hàng của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Sau khi tốt nghiệp, tháng 7-2013 chị mang kết quả học tập về Ninh Thuận nộp và chuẩn bị hồ sơ để xin việc làm tại tỉnh. Thường các nơi tuyển dụng nhân viên, ngoài bằng cấp chuyên môn thì trong hồ sơ luôn đòi hỏi sơ yếu lý lịch có xác nhận của chính quyền địa phương nên chị nhờ xã xác nhận. Sau nhiều lần liên lạc với xã, chị cũng được nơi đây xác nhận vào sơ yếu lý lịch nhưng chị hụt hẫng vì xã xác nhận là “Bản thân và gia đình không chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật nhà nước”.
“Cầm tờ sơ yếu lý lịch trên tay tôi lặng lẽ nuốt nước mắt và thoáng nghĩ đây sẽ là bước ngoặt của đời mình…” - trong thư gửi chúng tôi chị viết.
Theo chị Đ., trước đó Công ty Mai Nguyên đưa xe tải, xe máy về khai thác cát ở con sông thôn Thiện Đức làm lòng sông ngày càng rộng ra, nguồn nước khan hiếm. do dòng chảy thay đổi, người dân không đủ nước tưới hoa màu nên đã chặn xe vận chuyển cát và ký đơn yêu cầu dừng khai thác. Bản thân chị giúp người dân làm đơn khiếu nại và chụp một số hình ảnh sạt lở… gửi đến UBND huyện, kèm danh sách 73 hộ dân phản đối việc khai thác cát. Mãi không thấy cơ quan nào giải quyết, người dân tiếp tục gửi đơn khiếu nại và danh sách gần 200 người dân phản đối việc Công ty Mai Nguyên khai thác tại địa phương lên tỉnh Ninh Thuận.
Người dân tập trung chặn xe chở cát từ bãi ra. (Ảnh do người dân cung cấp)
Xác nhận của chủ tịch xã vào lý lịch của chị Đ. Ảnh: LK
“Trong khi chờ cơ quan chức năng giải quyết việc khai thác cát, tôi đến xã nhờ xác nhận sơ yếu lý lịch thì phó chủ tịch xã bảo chờ chủ tịch xã sau một tuần đi học về sẽ ký. Liên lạc bằng điện thoại cho chủ tịch xã hỏi thăm thì ông này nói một tháng nữa mới về. Dù bị làm khó nhưng sau đó tôi cũng nhận được bản sơ yếu lý lịch và biết rằng với cách xác nhận của xã, không cơ quan nào chịu nhận tôi vào làm việc… Mỗi lần nghĩ đến việc này, nước mắt tôi cứ trào ra” - thư của chị Đ. viết.
Việc chính quyền cấp xã phê xấu vào lý lịch của người đi xin việc không hiếm. Anh B. đang công tác tại một cơ quan nhà nước ở TP.HCM kể, anh được thi biên chế vào cơ quan và phải về quê là một xã ở huyện Cái Bè (Tiền Giang) để chứng lý lịch. Anh bất ngờ khi cầm trên tay bản lý lịch với bút phê của chủ tịch UBND xã: Gia đình không chấp hành chủ trương, chính sách của địa phương. Anh hỏi lại là không chấp hành điều gì thì phải ghi rõ nhưng nơi này bảo đây là quan điểm của lãnh đạo địa phương. Anh mang bản lý lịch lên hỏi vị lãnh đạo quản lý của mình là địa phương phê như vậy có thi biên chế được không. Vị lãnh đạo bảo anh phải chứng lại vì lý lịch bị phê xấu quá, không thi được.
“Trả đũa” người dân
Theo lời anh B., trước đây nửa năm, xã có ý định xây một bức tường chắn bên hông nhà anh (bên hông nhà là chợ) nhưng cha mẹ anh không cho. Bởi lẽ trước mặt tiền nhà đã có một cái cầu chắn ngang và sắp tới sẽ xây cầu cao bằng nóc nhà, nếu xây bức tường nữa thì sinh hoạt rất khó khăn. Sau khi có sự can thiệp từ trên, xã hoãn không xây nữa nhưng cha mẹ anh bị mời họp nhiều lần, tổ chức còn buộc cha mẹ anh phải viết kiểm điểm.
Bà Lê Thị Kim Sương, từng tham gia chặn xe ben chở cát, cho biết bà làm hồ sơ vay vốn sinh viên cho con và được tổ vay vốn xác nhận. Tuy nhiên, khi mang hồ sơ đến xã thì xã không chấp nhận. Theo bà Sương, ở vùng sâu thôn Thiện Đức, nhiều hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn đều được xã xác nhận cho vay vốn sinh viên nhưng hộ bà thì không được. Hiện ở thôn này có nhiều hộ khá giả vẫn được xã cho vay vốn sinh viên. |
Với trường hợp của chị Đ., sáng 11-11, bà Nguyễn Thị Xuân Cường, Bí thư xã Phước Ninh, cho biết việc chủ tịch xã ký, phê trong sơ yếu lý lịch của chị Đ. là một cách chế tài hành chính để răn đe, người dân không còn chặn xe. Đồng tình, ông Nguyễn Văn Thành, Bí thư Huyện ủy Thuận Nam, cho rằng xã Phước Ninh xác nhận trên lý lịch của chị Đ. như thế là đúng. Bởi doanh nghiệp hoạt động khai thác cát có giấy phép của tỉnh nhưng người dân ra đường chặn xe chở cát là không chấp hành chủ trương của địa phương. Người dân cần nghĩ lại cho ổn thỏa thì xã sẽ “tính” lại.
Riêng trường hợp anh B. có may mắn hơn là anh năm lần bảy lượt tìm đến bí thư và chủ tịch xã yêu cầu giải thích rõ lý do phê vào lý lịch nhưng họ cứ đùn đẩy. Cuối cùng, cách đây bốn ngày, họ thống nhất cử một vị phó chủ tịch xã ký cho anh bản lý lịch mới với bút phê khác với bút phê ban đầu rằng đương sự khai đúng.
Chị Đ., anh B. bị chính quyền cấp xã phê xấu vào lý lịch như một hình thức “trả đũa” và có nơi xem đó là “hình thức răn đe”, có nơi rút lại lời phê xấu mà không nêu lý do. Vấn đề ở đây là chính quyền cấp xã được quyền phê nội dung nào, chứng thực cái gì… Số sau, các chuyên gia sẽ phân tích việc này.
L.KÝ - D.TÍNH