Chỉ trong vòng một tháng, trên khoảng 30 ha đất nông nghiệp ở một nơi không quá xa trung tâm TP như thế đã có gần 300 căn nhà mọc lên làm phá vỡ quy hoạch của khu vực. Việc san lấp, phân lô, xây dựng, mua bán diễn ra ồ ạt như thể mấy ông phường, ông quận đã “không biết, không nghe, không thấy” gì hết! Trong đó có rất nhiều nhà đã có người ở mà phần lớn là người lao động…
Đến giờ, hẳn nhiều người, trong đó có tôi và nhiều phóng viên các báo tham gia thông tin về vụ vi phạm, vẫn còn nhớ chủ tịch UBND TP bấy giờ đã đích thân xuống địa bàn chủ trì các cuộc họp có liên quan để từ đó cho ra các biện pháp xử lý cụ thể.
Căn cứ vào kết quả thanh tra, đề xuất của Sở Xây dựng dựa trên kết quả kiểm định chất lượng nhà…, ông đã có những quyết định rất kịp thời, rất kiên quyết đến mức lúc đầu làm nhiều người ngỡ ngàng vì hình như trước đó không có hoặc không nghĩ sẽ được chọn. Theo đó, nhiều cán bộ đã bị kỷ luật, thậm chí bị cách chức ngay; một số cá nhân mua bán đất, xây dựng nhà không phép bị truy cứu trách nhiệm hình sự; số lượng lớn căn nhà nêu trên lần lượt được quận tổ chức tháo dỡ để trả lại nguyên trạng. Dẫu xác định đây là một tổn thất lớn cho xã hội nhưng số đông lúc đó đã ủng hộ việc tháo dỡ này vì chỉ có vậy thì kỷ cương và lẽ công bằng mới được đảm bảo.
Dãy nhà có ban công vươn ra chiếm không gian 1 mở Bình Chánh. Ảnh: LỆ TRINH
Trở lại một vi phạm xảy ra gần đây, tuy quy mô nhỏ hơn gấp nhiều lần nhưng đề xuất của Sở Xây dựng lại cho thấy tính thượng tôn pháp luật như đã nêu ở trên không thể đạt được. Tại xã Đa Phước (huyện Bình Chánh), theo Tuổi Trẻ ngày 21-7, có ba cá nhân đã thực hiện hàng loạt sai phạm trên diện tích hơn 776 m2, trong đó có gần 460 m2 sai phép và 317 m2 không phép với 17 công trình xây dựng sai phép.
Các sai phạm gồm tăng diện tích sàn xây dựng; xây ban công sai quy chuẩn, sau đó biến ban công thành hàng chục phòng riêng. Nổi cộm hơn cả là từ 11 giấy phép xây dựng, họ đã chia nhỏ xây đến 48 căn nhà để bán cho nhiều người khác nhau, trong đó có nhiều căn diện tích sàn khoảng 23 m2/căn. Nghiêm trọng hơn, do vi phạm không được xử lý dứt điểm mặc dù UBND TP đã có chỉ đạo xử lý nghiêm từ tháng 3-2015 mà các căn nhà trên được mua đi bán lại nhiều lần và đến tháng 5-2017 thì đã có 131 nhân khẩu vào ở.
Đáng lưu ý là tuy khẳng định các công trình vi phạm trên không đủ điều kiện pháp lý để cho tồn tại theo Nghị định 121/2013 nhưng Sở Xây dựng và UBND huyện Bình Chánh vẫn thống nhất đề xuất UBND TP áp dụng nghị định này để “tha bổng” hết thảy. Bù lại, chủ đầu tư phải nộp 40% giá trị xây dựng sai phép. Trả lời Pháp Luật TP.HCM ngày 22-7, giám đốc Sở Xây dựng cho rằng phải cân nhắc trường hợp xây dựng sai phép này vì có liên quan đến cuộc sống, tài sản của những người mua nhà…
Xin được phản biện ngay: Đã không hội đủ các điều kiện của Nghị định 121/2013 thì lý gì Sở Xây dựng gượng gạo nương tựa theo nghị định này để xử lý vấn đề dễ gây ra sự tùy tiện? Phải giải thích sao cho dân được thuyết phục khi không phép hay sai phép đều là vi phạm xây dựng và đều có liên quan đến chỗ ở của dân mà lúc thì chính quyền yêu cầu tháo dỡ hàng loạt theo đúng quy định, lúc thì chính quyền “du di” không theo đúng quy định?
“Nghề làm chính quyền không ai muốn va chạm cả. Nhưng những va chạm cần thiết cũng phải va chạm”. Có lẽ phải mượn một trong các câu nói hay này của cựu Trưởng ban Nội chính Trung ương đã quá cố Nguyễn Bá Thanh đang được dân mạng truyền dẫn để đề nghị người đứng đầu Sở Xây dựng và lãnh đạo UBND TP xem xét, chọn lại một phương hướng giải quyết phù hợp, không phạm luật theo hướng yêu cầu chủ đầu tư giải quyết quyền lợi của người mua nhà.