Giám đốc Sở TN&MT nói về cán bộ giải cứu nhà sai phép

Ngày 22-5, liên quan đến việc ông Lê Văn Tấn, cán bộ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) TP  tại quận 7, tiếp tay cho một công ty bất động sản hợp thức hóa sai phạm về xây dựng để làm thủ tục chuyển nhượng hồ sơ nhà, đất của một người dân, Sở TN&MT TP.HCM đã tổ chức họp báo về việc này.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM sau buổi họp báo, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP, cho biết trong vòng 15 ngày, sau khi Thanh tra Sở có kết luận thì sẽ công bố về mức độ sai phạm cũng như hình thức xử lý đối với cá nhân ông Tấn cũng như những người có liên quan nếu có.

Tạm đình chỉ 30 ngày

. Phóng viên: Thông tin ban đầu ông nắm được từ cơ quan cấp dưới của ông về vụ việc liên quan đến ông Lê Văn Tấn như thế nào, thưa ông?

+ Ông Nguyễn Toàn Thắng: Ngay khi báo chí phản ánh, tôi đã giao Giám đốc VPĐKĐĐ TP, anh Phạm Ngọc Liên, làm việc với giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ quận 7 để làm rõ thông tin ban đầu. Qua đó chi nhánh đã xác định các nội dung liên quan đến cá nhân ông Tấn và có báo cáo giải trình gửi ban giám đốc Sở trong sáng 22-5. Đồng thời, Sở cũng triệu tập cuộc họp khẩn với VPĐKĐĐ TP cùng chi nhánh tại 24 quận, huyện để cùng trao đổi và rút kinh nghiệm qua vụ việc cụ thể này.

Theo báo cáo của VPĐKĐĐ TP thì ông Tấn hiện là nhân viên hợp đồng tại chi nhánh quận 7 từ năm 2013. Ông Tấn được phân công nhiệm vụ đo vẽ hiện trạng nhà, đất. Tuy nhiên, sau này các chi nhánh VPĐKĐĐ không còn thực hiện chức năng đo vẽ thì ông Tấn được phân công nhiệm vụ kiểm tra nội nghiệp bản vẽ và cập nhật hồ sơ địa chính. Ông Tấn phụ trách vấn đề này trên địa bàn hai phường Phú Thuận, Phú Mỹ và không được phân công nhiệm vụ kiểm tra hiện trạng và thụ lý hồ sơ. Qua làm việc với giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ quận 7 thì bước đầu ông Tấn thừa nhận đã có gặp ông Vũ Thùy Dương (Công ty Thái Dương Land) nhưng không nhận tiền. Ông Tấn cũng mới chỉ hứa hẹn giải quyết hồ sơ thôi, chưa chính thức thụ lý hồ sơ này.

Chúng tôi đang giao cho Thanh tra Sở vào cuộc. Tuy nhiên, vi phạm dễ thấy nhất đối với ông Tấn là ra ngoài uống cà phê trong giờ làm việc; gặp gỡ đương sự ngay tại nơi làm việc và nội dung trao đổi, hướng dẫn người dân không đúng theo quy định.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT  TP. HCM: “Ông Lê Văn Tấn đã làm sai quy định”. Ảnh: V.HOA

Quyết định đình chỉ công tác ông Lê Văn Tấn. Ảnh: V.HOA

Từ những thông tin ban đầu nêu trên, ngay trong sáng 22-5, VPĐKĐĐ TP cũng đã ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác với cá nhân ông Tấn trong vòng 30 ngày để làm rõ vụ việc.

. Để xảy ra vụ việc như vậy là do công tác giải quyết hồ sơ cho dân còn có vấn đề hay việc tiếp cận thông tin chính thống của người dân hiện còn hạn chế nên người dân mới tìm gặp “cò”?

+ Qua việc này, nhận định rất rõ là không phải do người dân khó khăn khi tiếp cận với chính quyền hoặc cán bộ nên họ mới chạy đến “cò”. Bởi theo thông tin báo chí phản ánh, ngay từ đầu căn nhà mà người dân đó định mua đã có vi phạm về xây dựng.

Không phải đến bây giờ và qua vụ việc cụ thể này chúng tôi mới tổ chức cuộc họp khẩn với các đơn vị có liên quan để nhắc nhở, rút kinh nghiệm. trước đây Sở cũng đã có văn bản thành lập tổ liên ngành để kiểm tra công vụ của cán bộ trong ngành, bao gồm cả các cán bộ, công chức, viên chức tại các chi nhánh VPĐKĐĐ. Đến nay, tổ công tác thường xuyên tiếp nhận và giải quyết các phản ánh có liên quan đến cán bộ trong quá trình thực thi công vụ. Tuy nhiên, cũng chỉ xoay quanh việc giải quyết trễ hồ sơ. Trường hợp của ông Tấn là vụ việc đầu tiên.

. Từ vụ việc đáng tiếc vừa qua, ông có lời khuyên gì cho người dân khi giao dịch hồ sơ liên quan đến nhà, đất?

+ Người dân khi mua nhà có hiện trạng sai so với giấy chứng nhận thì nên yêu cầu chủ nhà đi cập nhật hiện trạng bổ sung hoặc đến cơ quan chức năng có thẩm quyền để hỏi thủ tục xử lý. Nhân đây tôi cũng xin đề nghị bà con khi làm sai thì đề nghị sửa sai và nộp hồ sơ đúng quy định. Không vì làm sai mà đi nhờ người này, người khác để hợp thức hóa cái sai của mình.

Về phía cơ quan chuyên môn, chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Xây dựng để triển khai ngay tổ công tác liên ngành của VPĐKĐĐ với thanh tra địa bàn để hướng dẫn cho các trường hợp vi phạm. Những trường hợp nào có thể được cho phép hợp thức hóa và công bố để người dân biết.

Giá 150 triệu đồng để hợp thức hóa vi phạm xây dựng

Theo phản ánh của báo Tuổi Trẻ số ra ngày 22-5, ông T. (ngụ quận Bình Thạnh) có ý định mua một khách sạn tại phường Tân Phú, quận 7. Tuy nhiên, căn nhà này có một số vi phạm xây dựng như đổ lấp lỗ thông tầng, mái che cầu thang trên sân thượng được che chắn, ngăn vách thành các phòng kiên cố để cho thuê… Không muốn đập bỏ phần này, ông T. đã đến gặp ông Vũ Thùy Dương, Giám đốc Công ty Bất động sản Thái Dương Land (ngụ quận 7), để tìm cách giải quyết. Ông Dương đã liên hệ với ông Lê Văn Tấn, cán bộ Chi nhánh VPĐKĐĐ quận 7. Theo báo Tuổi Trẻ, giá ban đầu ông Dương đưa ra để hợp thức hóa vi phạm này là 150 triệu đồng. Tuy nhiên, khi gặp ông Tấn, ông T. được ông Tấn tư vấn là nên trả giá xuống 100 triệu đồng. Ông Tấn cho biết ông sẽ được hưởng 50 triệu đồng và phần còn lại chia cho những người khác.

Trong cuộc họp khẩn với các chi nhánh VPĐKĐĐ sáng 22-5, dù chỉ xảy ra một vụ việc tại một điểm nhưng chúng tôi muốn là tất cả giám đốc chi nhánh đều nghe và phải có động tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân đừng để mất tiền mà không làm được gì.

Ông NGUYỄN TOÀN THẮNG,  Giám đốc Sở TN&MT TP

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm