Chuyện tiêm bổ sung liều vaccine COVID-19 thứ ba vẫn gây tranh cãi

Đài CNBC cho biết Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ ngày 13-8 đã phê chuẩn việc sử dụng liều tiêm vaccine ngừa COVID-19 thứ ba cho những người có hệ miễn dịch bị suy yếu. Giám đốc CDC Rochelle Walensky nhấn mạnh khuyến nghị này là bước đi quan trọng nhằm đảm bảo mọi người dân Mỹ, đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương nhất, được bảo vệ tối đa từ việc tiêm ngừa.

Động thái của CDC Mỹ diễn ra trong bối cảnh hàng loạt nước phát triển đang xem xét khả năng tiêm thêm liều bổ sung cho những người đã tiêm đủ hai liều trước đà lây lan mạnh của biến thể Delta.

Tiêm vaccine là biện pháp phòng dịch đang được thúc đẩy ở nhiều quốc gia. Ảnh: CNBC

Lo ngại nguồn cung vaccine toàn cầu bị ảnh hưởng

Việc tiêm liều bổ sung hiện là vấn đề gây tranh cãi trong giới chuyên gia, không chỉ về mặt y khoa mà còn về khía cạnh chính sách. Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 4-8, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi những nước phát triển hoãn mọi kế hoạch liên quan tới tiêm liều bổ sung với lý do nguồn cung hiện rất hạn chế trong khi những nước đang phát triển chưa hoàn thành việc tiêm hai liều tiêu chuẩn cho người dân của họ.

Trong khi đó, Liên minh quốc tế vaccine cho mọi người (GAVI) trong hai báo cáo mới đây cũng cho rằng các nước phát triển đua nhau tiêm liều bổ sung lúc này sẽ ảnh hưởng tiêu cực nguồn cung vaccine toàn cầu. Đáng ngại hơn, việc này sẽ tạo tiền lệ không hay cho những nước đang phát triển khác vừa triển khai tiêm hai liều tiêu chuẩn xong cũng sẽ chạy đua tiêm liều bổ sung, làm trầm trọng thêm vấn đề.

“Cơ chế phổ cập vaccine COVAX của WHO thời gian qua đã rất chật vật để tìm nguồn cung vaccine. Chương trình tiêm chủng của nhiều nước do vậy cũng đang phải tạm dừng vì không được phân phối thêm liều nào nữa cho tới cuối năm nay. Việc tiêm liều bổ sung không giúp đẩy lùi COVID-19 trên thế giới mà chỉ góp phần khoét sâu chia rẽ giữa các nước phát triển và đang phát triển. Đây sẽ là nguồn cơn gây bất ổn và suy thoái giai đoạn hậu đại dịch” - GAVI cảnh báo.

Trước Mỹ, Israel là quốc gia đầu tiên trên thế giới thí điểm biện pháp này. Chính quyền Anh, Pháp và Đức cũng đang có kế hoạch tiêm liều bổ sung vào đầu tháng 9, còn Singapore, Thụy Điển, Hàn Quốc và Thụy Sĩ sẽ triển khai vào năm sau. 

Tiêm liều bổ sung hiệu quả ra sao?

Về mặt y khoa, biện pháp tiêm liều vaccine bổ sung lúc này chưa được đa số giới chuyên gia đồng ý vì chưa đủ lượng người tiêm cần thiết để tiến hành các nghiên cứu chuyên sâu về hiệu quả và biến chứng có thể xảy ra. Dù vậy, lập luận chính của những người ủng hộ tiêm liều bổ sung là những nghiên cứu sơ bộ gần đây đã cho thấy hiệu quả bảo vệ của vaccine giảm dần theo thời gian, bất kể là loại vaccine nào. Suy giảm hiệu quả bảo vệ cộng với sự gia tăng ca nhiễm biến thể Delta đồng nghĩa với việc xã hội không thể chỉ dựa vào các biện pháp giãn cách xã hội và hai liều vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng như ban đầu nữa.

“Khái niệm miễn dịch cộng đồng rất mong manh và ngày càng khó đạt, trong khi hàng rào bảo vệ có thể bị hư hại vì biến thể mới dễ lây lan và có nguy cơ gây chết người cao hơn. Không phép màu nào có thể ngăn đại dịch, chúng ta phải xem xét tới việc tiêm thêm liều thứ ba, thứ tư. Thậm chí mỗi năm phải tiêm nhắc lại nhiều lần để đảm bảo miễn dịch của con người hoạt động ở mức tối ưu” - chuyên gia Abraar Karan thuộc ĐH Harvard (Mỹ) viết trên tờ The Washington Post.

Về phía những người phản đối, các chuyên gia này cho rằng trừ nhóm người bị suy giảm miễn dịch, không có lý do nào để tiêm thêm liều bổ sung cho những người đã tiêm đủ hai liều. Phe này nhấn mạnh nhiệm vụ chính của vaccine là giảm ca tử vong và ca trở nặng để tránh quá tải hệ thống y tế các nước chứ không thể ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm. Tiêm liều bổ sung lúc này cũng mắc phải các vấn đề y đức vì biện pháp chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, dễ ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng người tiêm. Chưa kể, chỉ tiêm vaccine cho người dân các nước phát triển không ngăn được nguy cơ tràn dịch từ những nước đang phát triển, đặc biệt là khi các nước như Mỹ đang mở cửa trở lại.

“Nếu các nước như Đức, Mỹ và Anh chọn triển khai liều tăng cường trước khi chúng ta đảm bảo rằng tất cả cộng đồng trên thế giới được tiếp cận với hai liều vaccine tiêu chuẩn, chúng ta sẽ thực sự không giải quyết được vấn đề đại dịch” - chuyên gia Andrea Taylor thuộc ĐH Duke (Mỹ) nói với đài CNN.•

 

Quan điểm của hãng sản xuất vaccine hàng đầu hiện nay ủng hộ tiêm thêm liều bổ sung. Báo cáo của hai hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) về vấn đề tiêm liều bổ sung khẳng định tiêm liều thứ ba của hai hãng này giúp tăng nồng độ kháng thể trong máu chống lại một số biến thể của SARS-CoV-2, bao gồm biến thể Delta, theo hãng tin AP. Bên cạnh đó, việc tiêm kết hợp các loại vaccine khác nhau cũng sẽ kích thích phản ứng miễn dịch mạnh hơn là chỉ sử dụng một loại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm