“Ngày qua ngày, đêm qua đêm/Chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương/Biển này là của ta, đảo này là của ta/Trường Sa… Dù phong ba, dù bão tố ta vẫn vượt qua”...
Vào tháng 5-2024, lời ca tiếng hát cất lên giữa biển trời Trường Sa của người con đất liền là nguồn động viên tinh thần to lớn để người lính đảo thêm quyết tâm, chắc tay súng giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Trong suốt 10 năm qua, từng lời ca, tiếng hát về biển đảo quê hương luôn được các thành viên Quỹ học bổng Vừ A Dính, CLB “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu” gửi đến các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. Hoạt động này dần trở thành sợi dây kết nối giữa đất liền - biển đảo thêm sâu sắc, gần gũi và chân tình hơn.
Từ ươm mầm cho thế hệ tương lai
Nguyễn Chí Công (quê đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi), vừa tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa TP.HCM, là một trong số những học sinh trưởng thành từ Dự án ươm mầm tương lai của quỹ Vừ A Dính, CLB “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu”.
Chí Công chia sẻ thời điểm em nhận học bổng thuộc dự án ươm mầm tương lai là vào giai đoạn 2014-2025, khi em chuẩn bị bước vào cấp THPT. Hoàn cảnh gia đình không khá giả, nhưng Chí Công luôn có thành tích tốt trong quá trình học tập nên được các thầy cô ở phòng giáo dục giới thiệu để nhận học bổng.
Kết thúc ba năm phổ thông, Chí Công đậu Đại học Bách khoa TP.HCM, vẫn tiếp tục được quỹ Vừ A Dính hỗ trợ.
“Em đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của quỹ, đó không chỉ là món quà hỗ trợ về mặt vật chất mà còn là tinh thần để em luôn phấn đấu và nỗ lực để học tập tốt hơn" - Chí Công bày tỏ.
Một trong số những trải nghiệm đáng quý của Công với CLB "Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu" đó là chuyến hải trình đến với các chiến sĩ ở đảo Trường Sa vào tháng 5-2024. Với Chí Công, đây là một trải nghiệm đặc biệt khi em chỉ có một ngày để sắp xếp công việc rồi lên đường.
“Em hạnh phúc vì được trải nghiệm chuyến đi đặc biệt đó. Các chiến sĩ trên đảo đã luôn nỗ lực, kiên cường làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đặc biệt em ấn tượng với những bạn nhỏ tuổi hơn em nhưng tay cầm súng, đầu đội trời, mắt luôn nhìn thẳng hướng về biển đảo với tư thế hiên ngang, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước” - Chí Công bồi hồi nhớ lại hình ảnh các chiến sĩ nơi đảo xa.
Chuyến đi cũng đã giúp ý thức của Chí Công trưởng thành hơn. Đó là ý thức về chủ quyền biển đảo quê hương, về những người chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió ngày đêm canh giữ chủ quyền biển đảo đất nước.
“Mỗi người một nhiệm vụ, dù là ở biển đảo hay đất liền. Các bạn chiến sĩ trẻ ngoài kia vẫn ngày đêm làm nhiệm vụ của mình. Còn em, ở đất liền sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để cùng các bạn xây dựng quê hương, đất nước ngày càng tốt đẹp hơn” - Chí Công nói.
Thượng úy Hoàng Văn Trung, Chính trị viên phó đảo Sinh Tồn Đông cũng là một trong những thành viên của CLB "Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu". Mười năm trước, khi còn là học sinh cấp III, Trung nhận học bổng của quỹ Vừ A Dính.
Từ bệ phóng này, tình yêu biển đảo trong chàng trai trẻ được hun đúc. Hoàn thành việc học, Trung khoác lên mình màu áo hải quân, tình nguyện ra đảo làm công tác, làm nhiệm vụ canh giữ biển trời tổ quốc.
Sau chuyến hải trình Trường Sa vào tháng 5 vừa qua cùng với quỹ học bổng Vừ A Dính, chị Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Cà Mau đã quyết định trở thành thành viên của quỹ.
Chị Hương cho biết đã từng biết đến quỹ học bổng Vừ A Dính từ mười năm trước, trong một lần quỹ về trao học bổng cho con em ngư dân ở các vùng xã đảo, tỉnh Cà Mau.
“Tôi còn nhớ năm đó, có khoảng hơn 30 hộ dân chài nghèo bám biển mà sống. CLB "Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu" đã xuống tận nơi thăm hỏi, động viên rồi hỗ trợ học bổng, giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn.
Không giống như một số dự án từ thiện khác chỉ đến trao quà rồi đi, quỹ Vừ A Dính đã luôn theo sát từng trường hợp mà quỹ hỗ trợ, không bỏ sót ai và theo suốt hành trình của các em theo từng năm, cho đến khi các em học sinh bước ra đời, làm những điều tử tế cho đời. Mọi thành viên của quỹ đã thương yêu các em như chính người con của mình" - chị Hương chia sẻ.
Mới đây mà CLB đã được 10 năm tuổi. So với hành trình 25 năm của học bổng Vừ A Dính thì 10 năm chưa phải là dài nhưng có thể nói CLB đã có được những dấu ấn quan trọng.
10 năm với những bước đi từ thấp tới cao, CLB đã thực hiện được công việc của mình, kết nối được tình yêu, tấm lòng, mong muốn, nguyện vọng, ý chí cao nhất là bảo vệ biển Đông với 5.000 hội viên cá nhân và 156 hội viên tập thể.
Mong rằng các anh chị hội viên cố gắng trở thành hậu phương vững chắc, chăm lo cho các cháu học sinh, con em của ngư dân, chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ bình yên cho đất nước. Ngoài không êm thì trong không ấm, nếu không có những người gìn giữ sự bình yên cho đất nước thì ta khó sống yên được, chưa nói là đến làm giàu.
Tôi nghĩ rằng anh em chiến sĩ ngày đêm canh giữ biển trời sẽ rất yên lòng khi ta chăm lo mái ấm gia đình họ, khi đứa con mình được học hành đầy đủ. CLB là bờ- là hậu phương cho biển đảo. CLB chúng ta ngày càng phát triển, mạnh hơn, cũng chính là niềm tin, chỗ dựa cho các chiến sĩ ngày đêm canh giữ biển trời tổ quốc.
Mong thời gian tới, CLB tiếp tục thực hiện tốt công việc, làm sao kết nối tình yêu giữa biển và bờ ngày càng sâu sắc hơn để mọi người có sự đồng hành với biển, đảo trong chặng đường đi tới. Mong anh chị em trong CLB tự hào vì đã tham gia đồng hành cùng CLB ủng hộ cho chiến sĩ, cho ngư dân, để cuối cùng là làm được một điều “Biển là không gian sinh tồn, biển là sức mạnh về kinh tế, biển là sức mạnh an ninh quốc phòng và biển là nơi Tổ quốc ta đang cố gắng gìn giữ”.
Bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ vừ A Dính, Chủ nhiệm CLB “Vì Hoàng Sa- Trường Sa thân yêu”
Mong muốn mọi người cùng chung tay
Khi bà Trương Mỹ Hoa đề nghị quyên góp xây 1 trường học ở Trường Sa Lớn, vì thấy quá ý nghĩa nên tôi đã mạnh dạn phát biểu, nói rõ là việc này ý nghĩa nhưng sẽ đội chi phí rất nhiều vì phải vận chuyển bằng tàu, rồi đưa vào đảo.
Tôi nói là thôi cứ huy động, thiếu bao nhiêu tôi sẽ bù. Lúc đó tôi cho rằng, nếu xây dựng được trường học, bệnh xá, đầy đủ các thiết chế ở đảo là rất cần thiết, mang ý nghĩa rất lớn.
Không ngờ sự ủng hộ của mọi người quá lớn lao, vượt cả con số ban đầu cần phải có để xây trường. Vậy là cuối cùng, không phải 1 mà là 2 trường ở quần đảo Trường Sa.
Sự hiện diện của chúng tôi không chỉ là sự hỗ trợ về mặt tài chính, mà còn động viên, khích lệ các em tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, tạo động lực để các em tập trung vào việc học tập và phát triển bản thân, trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương IPPG
Nối biển - bờ gần nhau
Không chỉ dừng lại ở việc chăm lo cho trẻ khó khăn ở các xã đảo xa xôi, ở một góc độ khác, hoạt động của quỹ Vừ A Dính cũng gắn với bảo vệ biển đảo nước ta, bảo vệ bờ cõi thiêng liêng của nước nhà.
"Việc này càng nối dài sự đùm bọc, đoàn kết từ đất liền ra tới biển đảo. Tôi cảm nhận được rõ hơn ý nghĩa của tình yêu đất nước, biển đảo qua những sợi dây bền chặt như thế” - chị Thanh Hương chia sẻ thêm.
Cũng giống như chị Hương, Tiết Thị Xuân Minh, một cô gái trẻ tuổi ở Cà Mau, sau chuyến đi Trường Sa cùng quỹ Vừ A Dính, cũng đã kết nạp làm thành viên của quỹ và CLB "Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu".
“Khi nhìn thấy những công trình mà quỹ đóng góp để xây trường học, rồi các hoạt động hỗ trợ vật chất lẫn tinh thần, qua lời ca tiếng hát, sự sẻ chia đến từng chiến sĩ..., em thấy rất xúc động" - Xuân Minh bày tỏ.
Hoạt động của CLB còn thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia với những đóng góp rất thiết thực.
Anh Trương Nguyễn Thế Bảo, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BT Việt Nam, thành viên quỹ học bổng Vừ A Dính, chia sẻ anh thấy nhỏ bé vô cùng khi đứng trên boong tàu, nhìn ra vùng biển của Tổ quốc.
“Khi đặt chân đến Hoàng Sa, Trường Sa, hình ảnh các chiến sĩ trẻ với ánh mắt kiên định, vững tay súng đứng canh gác nơi cột mốc chủ quyền cùng quyết tâm giữ biển, đảo Tổ quốc đã để lại trong tôi rất nhiều cảm xúc. Tôi nhận ra rằng, nơi đây còn hơn cả máu thịt của Việt Nam, là một phần gì đó rất thiêng liêng” - anh Bảo xúc động.
Anh Huỳnh Trung Minh là chuyên gia tài chính ngân hàng, đã từ bỏ chuyến đi Mỹ để có mặt trên chuyến hải trình Trường Sa trên tàu KN290. “Đi Mỹ dễ hơn đi Trường Sa. Tôi có thể chọn cơ hội khác để đi Mỹ, còn với Trường Sa, thì chắc không dễ” - anh nói về quyết định của mình.
Tham gia CLB với tư cách cá nhân lẫn tập thể công ty, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, một trong những doanh nghiệp tham gia cùng Quỹ học bổng Vừ A Dính, sau đó là CLB “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu” từ năm 2008 đến nay, chia sẻ qua nhiều năm đồng hành, điều mà ông Bình cảm nhận rõ nhất là sợi dây kết nối những người con đất liền với các chiến sĩ, bà con ngư dân ở ngoài khơi xa.
“Cả quỹ và CLB đều làm được những việc ý nghĩa thiết thực, vừa chăm lo cuộc sống cho con em dân tộc thiểu số, vùng biển đảo, sau này mở rộng ra chăm lo cho cả các ngư dân trên biển”.
Theo ông Bình, bên cạnh việc góp sức để xây hai trường học ở Trường Sa Lớn và ở đảo Sinh Tồn; công trình nhà đồng đội… hàng năm, công ty ông đều hỗ trợ các suất học bổng cho các em học sinh dân tộc thiểu số, con em của các chiến sĩ ngày đêm làm nhiệm vụ giữ biển; ủng hộ gạo cho quỹ học bổng Vừ A Dính và 300 triệu trong 10 năm liền cho CLB.
“Việc chăm lo tốt cho con em ngư dân và chiến sĩ, đưa các em vào đất liền để học tập tốt, để xây dựng tương lai cũng là phần nào chung tay, góp sức để giữ gìn biển đảo quê hương, nối biển và bờ gần nhau hơn” - ông Bình chia sẻ.
Là người gắn bó, tham gia cùng quỹ vừ A Dính và CLB “Vì Hoàng Sa – Trường Sa” từ những ngày đầu tiên, bà Nguyễn Ngọc Thu, đại diện Nhà hàng Làng nướng Nam Bộ chia sẻ bà từng có cơ hội cùng bà Trương Mỹ Hoa, Chủ nhiệm CLB, Chủ tịch Quỹ vừ A Dính, nguyên Phó Chủ tịch Nước ra thăm Trường Sa.
Sau khi CLB được thành lập, bà Thu là một trong những người đầu tiên tham gia và vận động cả nhân viên ở nhà hàng cùng góp sức.
“Thời điểm đó, các chiến sĩ còn thiếu thốn nhiều, các em nhỏ không có trường để học, xuất phát từ tấm lòng và trách nhiệm, mỗi người cứ góp một chút tùy sức, nhưng nhờ những đóng góp nhỏ đó mà CLB dần lớn mạnh về tinh thần.
Thương nhất là mấy em nhỏ là con của các anh chiến sĩ. Mình chăm lo các em, nấu cho các em ăn mà thấy lòng xúc động nhiều” - bà Thu chia sẻ.
Sau thế hệ của bà Thu, con cái của bà cũng là thành viên của CLB, tiếp tục chung sức, chung lòng đồng hành cùng CLB cho đến hôm nay.
Chất keo yêu thương và trách nhiệm
Chị Ngô Hồng Phước, Trưởng Văn phòng đại diện báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng TP.HCM, Trưởng Văn phòng đại diện quỹ học bổng Vừ A Dính phía Nam, CLB “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu”, chia sẻ các hoạt động của quỹ và CLB được xây dựng bằng chất keo đặc biệt, đó là chất keo yêu thương và trách nhiệm của đất liền dành cho biển đảo.
Như hai ngôi trường tiểu học gồm Trường Sa và Sinh Tồn mà CLB xây dựng được là xuất phát từ chất keo, tình yêu của mọi người trong đất liền. Đó là lòng yêu nước thương nòi, sự thấu cảm và sẻ chia sâu sắc của hàng ngàn tập thể và cá nhân ở trong và ngoài nước dành cho các cháu học sinh tại huyện đảo Trường Sa.
Bản thân chị Phước cũng đã bảy lần đi Trường Sa để làm nhiệm vụ của CLB và quỹ. Nhưng với chị, mỗi lần ra Trường Sa là một cảm xúc rất mới mẻ.
“Đi lần nào tôi cũng cảm thấy như là lần đầu tiên. Những cảm xúc, hình ảnh chiến sĩ ngày đêm trên đảo thật sự khiến mình rất xúc động, khó nói nên lời. Qua những chuyến đi thực tế, các hội viên tận mắt nhìn thấy cuộc sống của các chiến sĩ, từ đó tình yêu biển đảo càng được nối dài và lan tỏa đến mọi người” - chị Phước cho hay.
12 năm đồng hành cùng Quỹ học bổng Vừ A Dính rồi CLB Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu, bà Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch Tập đoàn địa ốc Kim Oanh cho rằng đây là chương trình có rất nhiều ý nghĩa và thiết thực, mang lại rất nhiều giá trị.
"Cũng từ đó mà tôi luôn có tâm thức hướng về Trường Sa, biển đảo quê hương cũng như con em lính biển nơi đầu sóng ngọn gió, trân trọng hơn những giá trị của ngày hôm nay, cũng như độc lập, tự do và hạnh phúc mà ông cha ta đã để lại.
Hôm nay, mình được sống yên bình trong đất liền, cũng là bao nhiêu công sức, mồ hôi của người lính ngoài khơi xa, xa nhà, xa vợ, xa con để làm nhiệm vụ.
Hơn nữa, mọi hoạt động của CLB cũng rất minh bạch, rõ ràng. Bản thân tôi cũng như tập thể công ty cũng sẵn sàng đồng hành cùng CLB ở bất cứ thời điểm nào. Các chương trình mà CLB thực hiện luôn hướng đến lòng yêu nước, yêu dân và qua đó lan tỏa rất nhiều người, nhiều thế hệ sau này, nhắc nhở mỗi người chúng ta về tình yêu biển đảo quê hương, đất nước… và cũng là để thế hệ sau này noi theo", bà Kim Oanh tâm sự.
Hành trình 10 năm kết yêu thương khắp muôn phương
Được tham gia các hoạt động để chung tay góp sức vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu, vì biển đảo Việt Nam là nguyện vọng của rất nhiều người. Đó là mệnh lệnh của trái tim, cũng là lời kêu gọi xuất phát từ nghĩa vụ của một công dân đối với đất nước.
Từ tình cảm và mong muốn chính đáng này, ngày 1-8-2014, Quỹ học bổng Vừ A Dính đã quyết định thành lập Câu lạc bộ “VÌ HOÀNG SA, TRƯỜNG SA THÂN YÊU” để kết nối những tấm lòng, những trái tim, cùng hướng về biển đảo quê hương; hướng về nơi đầu sóng – nơi có những cán bộ chiến sĩ đang ngày đêm cầm chắc tay súng cùng với ngư dân bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam trên biển Đông. CLB do bà Trương Mỹ Hoa, Nguyên Phó Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quỹ Học bổng Vừ A Dính làm Chủ nhiệm.
Kể từ khi mới thành lập năm 2014 cho đến ngày 10-6-2024, CLB đã kết nạp 168 đơn vị hội viên tập thể trong đó có 134 đơn vị hội viên tập thể trong nước; 34 hội viên tập thể ở nước ngoài. Đến nay, CLB cũng đã kết nạp 5.000 hội viên cá nhân (trong đó có 197 hội viên ở nước ngoài). Ngoài ra, CLB còn có hàng ngàn thành viên kết nối trên mạng xã hội qua trang facebook CLB "Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu".
10 năm qua, CLB "Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu" và quỹ học bổng Vừ A Dính cũng thực hiện các dự án đầu tư chiều sâu dành cho học sinh, sinh viên vùng biển đảo như dự án Ươm mầm tương lai, Chắp cánh ước mơ, hỗ trợ sinh viên, học bổng thường niên; thực hiện công tác hậu phương cho quân đội...
Là một người con đất Việt nhiều năm sinh sống ở nước ngoài, tôi thấy mình phải có trách nhiệm lớn lao lan toả đến hơn 6 triệu kiều bào đang sinh sống ở khắp các quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới về niềm tự hào về đất nước, về con người, về các chiến sỹ Trường Sa, về tình yêu với quê cha đất Mẹ....
Hơn hết, đó còn là trách nhiệm kết nối, gắn bó hướng về quê hương và làm những gì tốt nhất cho quê hương, thiêng liêng của Tổ Quốc, vì thế chúng tôi thấy rõ trách nhiệm lớn lao của mình, phải cố gắng làm nhiều điều hơn nữa cho Trường Sa...
Những chuyến đi thăm chiến sĩ ở Trường Sa đã hun đúc thêm tình yêu với quê hương đất nước. Và hơn hết có ra Trường Sa, chúng tôi mới hiểu mình được sống bình yên phần nào là nhờ các anh em chiến sĩ ngày đêm đang làm nhiệm vụ.
Bà Nguyễn Việt Triều, Chủ tịch Liên hiệp hội phụ nữ Việt Nam tại châu Âu, Phó chủ nhiệm CLB
Một số hình ảnh hoạt động của CLB Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu trong suốt 10 năm qua: