Trên tàu KN290 đến quần đảo Trường Sa

Trên tàu KN290 đến quần đảo Trường Sa

(PLO)- Trong những ngày tháng đặc biệt của đất nước, con tàu KN290 đã đưa đoàn hơn 200 đại biểu đến thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1/9.

Video: Trên tàu KN290 đến quần đảo Trường Sa.

Thực hiện kế hoạch của Quân chủng Hải quân tổ chức, Đoàn công tác số 16 đi thăm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1/9 năm 2024 từ ngày 6 đến 12-5.

Tham gia đoàn công tác có hơn 200 đại biểu, thuộc CLB Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu và Quỹ học bổng Vừ A Dính cùng nhiều cơ quan, địa phương, đơn vị.

Đại tá Ngô Văn Thành, Chính ủy Cục Kỹ thuật Hải quân cùng ông Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau làm trưởng đoàn đại biểu trong chuyến công tác lần này.

Trên tàu KN290 đến đảo Trường Sa -Truong-Sa-22.JPG
Tàu KN290 đưa hơn 200 đại biểu xuất phát từ cảng Cát Lái TP.HCM đi qua sáu đảo và nhà giàn DK1/9. Ảnh: THANH TUYỀN

Trên hải trình đến với Trường Sa, con tàu KN290 đã đưa đoàn đại biểu đến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ tại sáu đảo: Len Đao, Sinh Tồn Đông, An Bang, Đá đông C, Đá Tây B, Trường Sa và Nhà giàn DK1/9 (Ba Kè).

Chuyến hải trình xuất phát trong những ngày cả nước vừa kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024).

Xúc động lễ tưởng niệm tại đảo Len Đao

Sau hai ngày lênh đênh trên biển, sáng ngày 8-5, đoàn đại biểu đã làm lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh tại quần đảo Trường Sa, vào năm 1988. Để chuẩn bị cho buổi tưởng niệm này, một ngày trước đó, các đại biểu đã tận tay tỉ mẫn gấp từng chú hạc giấy, với sự tri ân sâu sắc gửi đến hương hồn các anh.

Trên tàu KN290 đến đảo Trường Sa -Truong-sa13.jpg
Đại biểu chuẩn bị hoa cúc và hạc giấy để tưởng niệm anh linh các chiến sỹ đã hy sinh tại quần đảo Trường Sa. Ảnh: THANH TUYỀN

6 giờ 30 sáng 8-5, ngay trên con tàu KN290 được neo đậu gần đảo Len Đao - đây cũng là đảo đầu tiên đoàn công tác đặt chân đến. Hơn 200 đại biểu đã có mặt tại Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại quần đảo Trường Sa.

Ba hồi tàu rền vang, các đại biểu dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ 64 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ Tổ quốc tại đảo Gạc Ma năm 1988.

Trên tàu KN290 đến đảo Trường Sa -Truong-sa5.jpg
Các đại biểu tập trung để làm lễ tưởng niệm vào sáng ngày 8-5, trước khi lên thăm các chiến sỹ tại đảo Len Đao. Ảnh: NGUYỄN VĂN TIẾN

“Giờ này, Đoàn công tác cùng cán bộ, chiến sĩ tàu 290 đang có mặt tại vùng biển đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Nơi đây, 36 năm về trước, ngày 14-3-1988 đã diễn ra cuộc chiến đấu anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc…

Kể sao hết những tấm gương hy sinh anh dũng của các cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam trong sự kiện 14-3-1988. Các anh đã ngời sáng lên niềm tin, khí phách quyết thắng, tô thắm thêm phẩm chất cao quý “Bộ đội cụ Hồ” - Người chiến sỹ Hải quân. Sự hy sinh của các anh đã kết thành "vòng tròn bất tử", thành bài học vô giá cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau” - Đại tá Phạm Bá Bằng, Chính uỷ Nhà máy X52, Cục Kỹ thuật Hải quân xúc động khi tưởng niệm các anh.

Trên tàu KN290 đến đảo Trường Sa -Truong-sa18.JPG
Tràng hoa được thả xuống để tưởng nhớ anh linh các chiến sỹ. Ảnh: THANH TUYỀN

Đại tá Phạm Bá Bằng nói tiếp: “Đảo là nhà, biển đảo là quê hương. 36 năm đã trôi qua, tên tuổi, sự hiên ngang, kiêu hãnh của các liệt sĩ mãi ở lại trong niềm tự hào, tiếc thương vô hạn của gia đình, đồng bào, đồng chí. Nỗi nhớ canh cánh, khôn nguôi của những mẹ, người vợ, người con luôn đau đáu trong lòng mong được thắp nến tri ân, dâng hương tưởng nhớ các anh.

Nỗi đau thương mất mát này kể sao cho hết được, mặc dù Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các cấp, các ngành, trực tiếp là cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã cố gắng làm hết sức mình để đưa các anh về gần hơn với hơi ấm của đất liền. Nhưng biển cả vô bờ bến, lòng biển rộng và sâu, sức người thì có hạn, đến nay hình hài nhiều đồng chí vẫn nằm lại dưới đáy biển khơi lạnh lẽo, hàng ngày, hàng giờ quặn đau trong mưa giông bão biển, những con sóng cồn cào, ầm ĩ. Nỗi đau ấy, niềm thương ấy vẫn đeo đuổi chúng tôi ngày đêm sao khỏa lấp đầy…”

Trên tàu KN290 đến đảo Trường Sa-Truong-sa24.JPG
Đại biểu thả hoa, hạc giấy tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: THANH TUYỀN

Sáng ngày hôm đó, giữa biển, trời Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc, trong không gian tĩnh lặng và trang nghiêm, trước anh linh của những cán bộ, chiến sỹ hải quân ưu tú đã ngã xuống, từng đại biểu đã thả xuống lòng đại dương từng nhành hoa cúc, chú hạc giấy để tri ân và tưởng niệm anh linh của các anh, mong hương hồn của 64 anh hùng liệt sĩ yên nghỉ ngàn thu giữa lòng đại dương - Trường Sa của đất mẹ Việt Nam.

“Hương trầm quyện gió toả quanh

Vòng hoa đất mẹ dệt thành huân chương

Sống không mưu lợi tầm thường

Hồn thiêng thanh thản ở nơi vĩnh hằng”

Trên tàu KN290 đến đảo Trường Sa -Truong-sa9.jpg
Tràng hoa...
Trên tàu KN290 đến đảo Trường Sa -Truong-sa8.jpg
Và đèn được thả xuống để tri ân, tưởng nhớ các anh... Ảnh: NGUYỄN VĂN TIẾN

Trong lời tưởng niệm các anh ngày hôm đó, đôi mắt của các đại biểu bỗng nhoè đi, lặng im… Tràng hoa được thả xuống, xuôi theo dòng nước rồi chỉ còn một chấm nhỏ giữa biển khơi…

Lời ca tiếng hát từ đất liền đến với biển đảo

Tại các điểm đảo mà đoàn đại biểu đặt chân đến, mỗi nơi đều đọng lại trong nhau những cái ôm, sự chia sẻ, động viên các chiến sĩ ngày đêm làm nhiệm vụ giữ đảo, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Trên tàu KN290 đến đảo Trường Sa -Truong-sa32.JPG
Lời ca, tiếng hát mang niềm vui cho các chiến sỹ ở các đảo. Ảnh: THANH TUYỀN

Nhưng có lẽ, từng lời ca, tiếng hát trong suốt chuyến hải trình, tại các điểm đảo trở thành sợi dây kết nối giữa đất liền- biển đảo thêm sâu sắc, gần gũi và chân tình hơn.

“Ngày qua ngày, đêm qua đêm

Chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương

Biển này là của ta, đảo này là của ta

Trường Sa…

Dù phong ba, dù bão tố ta vẫn vượt qua”...

Lời bài hát cất lên, trái tim những con người Việt Nam hoà làm một, biển-bờ nối gần nhau hơn. Cứ thế, cả đại biểu và chiến sĩ cùng hoà vào nhau, trong lời ca, tiếng hát.

Trên tàu KN290 đến đảo Trường Sa -Truong-sa34.JPG
Tiếng hát của đoàn đại biểu từ đất liền đồng điệu với trái tim người chiến sỹ ở đảo. Ảnh: THANH TUYỀN
Trên tàu KN290 đến đảo Trường Sa -Truong-sa30.jpg

Những tiết mục văn nghệ, những tiếng hát cất lên giữa biển, trời Trường Sa là nguồn động viên tinh thần to lớn để người lính thêm quyết tâm, chắc tay súng giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Trong đoàn công tác lần này, 20 thành viên của đoàn đại biểu thuộc CLB "Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu" và Quỹ học bổng Vừ A Dính đã mang nhiều tình cảm thân thương từ đất liền đến với đảo xa.

Trên tàu KN290 đến đảo Trường Sa -Truong-sa7.jpg
Đoàn đại biểu thuộc Quỹ học bổng Vừ A Dính đàn guitar và hát tại đảo Len Đao. Ảnh: NGUYỄN VĂN TIẾN

Đoàn đại biểu thuộc Quỹ học bổng Vừ A Dính đã ủng hộ 840 triệu đồng, trong đó có hơn 640 triệu đồng để mua thiết bị máy móc, nhu yếu phẩm, dụng cụ dạy học và 200 triệu đồng ủng hộ cho công trình xanh hóa Trường Sa.

Trên tàu KN290 đến đảo Trường Sa -Truong-sa35.JPG
Đại biểu thăm hỏi, động viên các chiến sĩ tại đảo An Bang. Ảnh: THANH TUYỀN

Ông Phạm Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần viễn thông ACT, trưởng đoàn đại biểu thuộc Quỹ Vừ A Dính chia sẻ, đây là lần đầu tiên cá nhân ông tham gia hải trình Trường Sa, thăm cán bộ chiến sĩ đang công tác tại các đảo. Mỗi nơi đi qua đều để lại trong ông những cảm xúc khó tả.

“Ngày hôm nay khi được ghé thăm các đảo, tôi rất tự hào và thầm cảm phục sự vững vàng, kiên trì, cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn, vất vả” - ông Tuấn Anh xúc động.

Truong-sa11.jpg
Ông Phạm Tuấn Anh, Tổng giám đốc công ty cổ phần viễn thông ACT, trưởng đoàn đại biểu thuộc Quỹ Vừ A Dính tặng quà, động viên các chiến sĩ. Ảnh: NGUYỄN VĂN TIẾN

Sau chuyến hải trình này, ông Tuấn Anh nói sẽ tiếp tục góp sức, góp lòng để phần nào chăm lo đời sống tinh thần của cán bộ chiến sĩ, con em cán bộ chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn vẫn luôn kiên trì nơi đầu sóng ngọn gió, vững chắc tay súng, làm điểm tựa tinh thần cho bà con ra khơi bám biển, sẻ chia tình cảm của quân và dân trên đất liền.

Truong-sa10.jpg
Góp tiếng hát để động viên các chiến sỹ ngày ngày canh giữ biển, đảo quê hương. Ảnh: NGUYỄN VĂN TIẾN

Ông Nguyễn Huỳnh Thy Khoa - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Vũ nói cảm thấy hạnh phúc vì đây là lần đầu tiên ông đặt chân đến với Trường Sa. Đến từng điểm đảo, ông nhìn thấy rõ sự anh dũng, kiên cường của các chiến sĩ. Với ông, đây là một bài học thực tế nhất để mỗi người dân Việt Nam hiểu về chủ quyền biển, đảo.

Đất liền sẽ là chỗ dựa vững chắc cho biển đảo

Chia sẻ những cảm xúc qua những ngày thăm anh em chiến sĩ tại các đảo, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nói, ngay ngày đầu tiên đến đảo Len Đao, ông đã cảm thấy rất xúc động và dành sự tri ân sâu sắc đến 64 chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ đảo Gạc Ma.

Dù đã xem những thước phim về sự hy sinh của các chiến sĩ, nhưng lần này được trực tiếp đến các đảo, được thả hoa, dâng hương viếng linh hồn các chiến sĩ, ông thực sự xúc động.

“Đó đều là những tấm gương mãi mãi toả sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo. Từ đó, chúng tôi cảm thấy càng tự hào, chia sẻ với cán bộ chiến sĩ về những vất vả của anh em nơi đầu sóng ngọn gió, không ngại nguy hiểm vượt qua nguy hiểm, hỗ trợ cho ngư dân như chính người thân của mình.

Truong-sa3.jpg
Giao lưu văn nghệ giữa đoàn đại biểu và các chiến sỹ tại đảo Trường Sa. Ảnh: NGUYỄN VĂN TIẾN

Trong cảm nhận của ông, khi đến đảo nào, các anh em chiến sĩ cũng rất tự tin, tinh thần lạc quan dù điều kiện sống là vô cùng vất vả, khó khăn nhưng luôn vững tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo. Chính những điều này cũng là tấm gương để anh em trong đất liền học hỏi, hoàn thiện mình.

“Hậu phương đất liền luôn luôn đứng gần, đứng cạnh các đồng chí và là chỗ dựa vững chắc để các đồng chí an tâm công tác”- ông Nguyễn Tiến Hải khẳng định và mong anh em chiến sĩ tiếp tục bám trụ, mưu trí, đoàn kết để bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền trên biển Đông.

Truong-sa-21.JPG
Từng món quà gửi tặng cán bộ chiến sỹ ở các đảo được cano chở từ tàu kiểm ngư lên đảo...
Trung-sa-19.JPG
Rồi sau đó anh em chiến sỹ thay nhau đưa vào các đảo. Ảnh: THANH TUYỀN

Còn bà Nguyễn Thị Thu Hiền, PCT Hội LHPN Việt Nam chia sẻ, chuyến đi đã giúp 20 đại biểu của đoàn chứng kiến cuộc sống hàng ngày của các chiến sĩ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền các đảo. Đây cũng là cơ hội để đoàn hiểu rõ hơn đặc điểm của các đảo.

Truong-sa36.JPG
Đất liền sẽ mãi là hậu phương vững chắc cho anh em chiến sĩ ngày đêm giữ vững chủ quyền biển, đảo quê hương. Ảnh: THANH TUYỀN

“Tôi thấy hết sức xúc động và cảm nhận rõ các chiến sĩ cũng như người dân đã thay đất liền thực hiện nhiệm vụ bám biểm, bảo vệ tổ quốc. Từ đó, chúng tôi cũng cảm thấy trách nhiệm cá nhân của mình, phải nỗ lực hơn, làm hậu phương vững chắc để cùng với các anh em chiến sĩ bảo vệ chủ quyền biển đảo” - bà Hiền chia sẻ.

Đọc thêm