CNN: Tòa án Tối cao Mỹ đã gửi thông điệp rõ ràng tới ông Trump

Những phản ứng của Tòa án Tối cao Mỹ trước các đơn kiện của phía ứng viên Cộng hòa, đương kim Tổng thống Donald Trump đã khẳng định sự liêm chính của ngành tư pháp và gửi thông điệp rõ ràng tới ông Trump, đài CNN hôm 12-12 bình luận.

Ngày 11-12, Tòa án Tối cao Mỹ đã từ chối yêu cầu của Tổng chưởng lý Ken Paxton đến từ bang Texas nhằm lật ngược kết quả bầu cử năm 2020. Tòa cho rằng bang Texas thiếu tư cách để thách thức kết quả bầu cử tại bốn bang chiến địa Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin.

Đáng lưu ý, quyết định của Tòa án Tối cao được thông qua mà không có sự bất đồng ý kiến nào giữa chín thẩm phán dù cho sáu trong số này do các tổng thống thuộc đảng Cộng hòa đề cử (ba trong số này do chính Tổng thống Trump đề cử).

CNN cho rằng nếu không đưa ra quyết định như vậy, Tòa án Tối cao Mỹ có thể sẽ bị chỉ trích vì xâm phạm các khái nhiệm về tính trung lập. Quyết định hôm 11-12 được cho là đã giúp Tòa án Tối cao Mỹ tự tách minh ra khỏi định kiến về đảng phái, về quan điểm bảo thủ hay tự do. 

Tòa nhà Tòa án Tối cao Mỹ ở thủ đô Washington. Ảnh: GETTY

Sau khi truyền thông Mỹ xướng tên ứng viên Dân chủ Joe Biden là tổng thống đắc cử, ông Trump và các đồng minh Cộng hòa đã liên tục đệ nhiều đơn kiện để thách thức kết quả bầu cử. Ông Trump đưa ra nhiều cáo buộc gian lận bầu cử nhưng hầu hết đều không có bằng chứng xác đáng.

Truyền thống Mỹ nhiều lần nêu lo ngại rằng việc phe bảo thủ đang chiếm ưu thế trong Tòa án Tối cao có thể giúp ông Trump giành lợi thế trong các tranh chấp pháp lý ở cấp độ liên bang.

CNN cho rằng ông Trump từng nhiều lần hạ thấp tính trung lập của các thẩm phán. Nhưng thực tế đã chứng minh lập luận này của ông Trump là không đúng.

Trước quyết định hôm 11-12, vào hôm 8-12, Tòa án Tối cao Mỹ cũng bác đơn đội ngũ pháp lý của ông Trump kiện bang Pennsylvania về kết quả bầu cử ghi nhận chiến thắng của ông Biden.

Bất đồng đã âm ỉ giữa ông Trump và các thẩm phán bảo thủ

Năm 2018, Tòa án Tối cao (khi đó, bà Ruth Bader Ginsburg chưa qua đời nên tỉ lệ giữa phe bảo thủ và phe tự do trong tòa vẫn là 5/4) đã hai lần ra quyết định về các chính sách của Nhà Trắng, một ủng hộ và một phản đối quy định của ông Trump.

Nguyên nhân được cho là "chính quyền đã làm tốt hơn trong những năm đầu, trong khi phe đa số tại tòa (tức phe bảo thủ - PV) nhanh chóng trở nên thất vọng trước việc đội ngũ của ông Trump không tuân thủ các quy chuẩn về thủ tục", CNN giải thích.

Trong tranh cãi về chính sách nhập cư của ông Trump, vào tháng 11-2018, Tòa án Tối cao Mỹ đã phản đối đề xuất mới của tổng thống.

Khi đó, ông Trump đã chỉ trích rằng trong những ai đã bỏ phiếu phản đối chính sách nhập cư này đều là "thẩm phán của (tổng thống tiền nhiệm thuộc đảng Dân chủ, ông Barack) Obama".

Phản bác lại chỉ trích trên, Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ, Thẩm phán John Roberts (do cựu Tổng thống George W. Bush, đảng Cộng hòa, đề cử) đã khẳng định không có bất kỳ thẩm phán nào là của riêng một tổng thống nào, bất kể là người đó thuộc đảng Dân chủ hay Cộng hòa.

"Những gì chúng tôi có là một nhóm đặc biệt gồm các thẩm phán tận tâm, cố gắng hết sức để thực hiện quyền bình đẳng cho những ai chịu sự phân xử của họ" - Thẩm phán Roberts nói.

Trong một thông điệp được phát đi vào cuối năm 2019, ông Roberts nhấn mạnh rằng nước Mỹ "nên tôn vinh nền tư pháp mạnh mẽ và độc lập của mình", song cảnh báo phải bảo về nền tư pháp Mỹ vì "công lý không phải thứ không thể bị cản trở". 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới