Theo Cục Thống kê TP.HCM qua điều tra đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN), có đến 85,47% DN chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19. DN càng lớn, kinh doanh nhiều ngành nghề càng chịu bị tác động do ảnh hưởng của chuỗi cung ứng nguyên vật liệu.
Cục thống kê TP.HCM khảo sát nhanh 16.302 DN từ 10-4 đến 20-4 (chiếm gần 12% tổng số DN thực tế đang hoạt động).
Nhiều doanh nghiệp cho biết chi phí mặt bằng là gánh nặng. Ảnh: TÚ UYÊN
Có 12 quận, huyện có tỷ lệ DN chịu tác động của dịch COVID-19 cao hơn mức bình quân, cao nhất là huyện Bình Chánh với 90,34% DN.
Trong giai đoạn dịch COVID-19, DN phải đương đầu với nhiều khó khăn như thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, nhu cầu về nguyên vật liệu bị gián đoạn, chi phí đầu vào tăng. Có gần 50 DN cho rằng thị trường tiêu thụ trong nước bị thu hẹp, hơn 42% không thực hiện được hoạt động sản xuất kinh doanh.
Gần 40% DN có hoạt động xuất khẩu không xuất được hàng do Mỹ, EU, Nhật, Trung Quốc… phải thực hiện giãn cách xã hội, lao động mất việc làm, thu nhập giảm nên nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh.
Cụ thể ngành may trang phục có hơn 63% DN không xuất khẩu được; ngành sản xuất da và các sản phẩm từ da là gần 57%; ngành dệt gần 56%. DN thuộc nhóm xuất khẩu các mặt hàng lương thực thực phẩm có tỷ lệ không xuất khẩu được là 48%.
Có hơn 37 số DN đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Đây là một trong những khó khăn hàng đầu của DN hiện nay và cũng là tình trạng chung của toàn bộ DN từ quy mô nhỏ, siêu nhỏ đến DN quy mô vừa và lớn.
Theo loại hình DN, khu vực DN ngoài nhà nước là nhóm có tỷ lệ thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh cao nhất với 50,56%. Tiếp theo là DN nhà nước 49,72% và cuối cùng là DN FDI.
Theo khu vực kinh tế, công nghiệp xây dựng có tỷ lệ DN bị thiếu hụt vốn cao nhất, kế tiếp là nông lâm nghiệp và thủy sản, cuối cùng là dịch vụ...
DN còn chịu áp lực từ các khoản chi phí lớn để duy trì hoạt động như chi phí thuê mặt bằng, chi trả lãi vay ngân hàng, trả công cho lao động, chi phí thường xuyên khác
Kết quả khảo sát cho thấy hiện có gần 20% DN đang phải tạm ngừng hoạt động. Nếu dịch bệnh kéo dài đến hết quý II, dự kiến có khoảng 24,64% DN phải tạm ngừng hoạt động. Đến hết quý III tăng lên 31,38% DN và quý IV dự kiến 34,02% DN tạm ngừng hoạt động hoạt động sản xuất kinh doanh.
Để duy trì sản xuất kinh doanh doanh nghiệp đẩy mạnh thương mại điện tử, bán hàng qua điện thoại. Ảnh: TÚ UYÊN
Sản xuất gặp khó khăn kéo theo nhu cầu về lao động của DN giảm, ảnh hưởng đến thị trường lao động.
Qua số liệu khảo sát cho thấy đối với những DN đang chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, tính đến hết quý I có gần 30% lao động bị mất việc làm...
Trong khó khăn DN đã áp dụng nhiều giải pháp để duy trì sản xuất kinh doanh theo định hướng khai thác thị trường nội địa, tranh thủ thị trường nước ngoài, phát triển thương mại điện tử.
Có đến 66,8% số DN bị tác động bởi dịch COVID-19 đã phải áp dụng các giải pháp liên quan đến lao động. Trong đó cho lao động giãn việc hoặc nghỉ việc luân phiên được 39,5% DN lựa chọn, cao nhất trong các giải pháp về lao động.
Đối với việc định hướng sản xuất kinh doanh thời COVID-19, có 38% DN lựa chọn tối ưu là cắt giảm chi phí hoạt động thường xuyên, kế đến là tìm thị trường mới cho đầu ra, tìm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào. Trong khi đó, chuyển đổi sản phẩm chủ lực, đẩy mạnh thương mại điện tử cũng được một bộ phận DN lựa chọn.