Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long(bìa trái)khảo sát bếp ăn của Trường Tiểu học Trưng Trắc (quận 11, TP.HCM). Ảnh: TRẦN NGỌC
Khảo sát tại bếp ăn tập thể của trường, ông Long đánh giá cao cơ sở vật chất, dụng cụ chế biến, công tác lưu mẫu, người tham gia chế biến thức ăn, kể cả nguồn gốc thực phẩm. “Trường học nào cũng được đầu tư bếp ăn đạt chuẩn như Trường Tiểu học Trưng Trắc thì chắc chắn ngộ độc thực phẩm sẽ không xảy ra” - ông Long nhận định.
Bà Lê Thị Mỹ Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trưng Trắc, cho biết bếp ăn của trường hình thành từ năm 1989, xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh học sinh. Việc chuẩn hóa mô hình bếp ăn, mô hình mẫu bếp ăn bán trú đã được thiết kế, xây dựng và khánh thành vào tháng 9-2013.
Học sinh Trường Tiểu học Trưng Trắc đang dùng cơm trưa. Ảnh: TRẦN NGỌC
“Mô hình mẫu bữa ăn bán trú được xây dựng với trang thiết bị hiện đại, áp dụng theo mô hình bếp ăn một chiều. Từ khâu tiếp nhận nguyên liệu tới khâu chế biến đầu ra được giám sát chặt chẽ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm” - bà Mỹ Anh cho biết thêm.
Theo bà Mỹ Anh, nguyên liệu, thực phẩm của trường đều được ký hợp đồng đầy đủ và có hóa đơn chứng từ. Dụng cụ phục vụ bếp ăn và cho học sinh được khử khuẩn đúng quy trình.
“Trường đã sử dụng thực đơn chuẩn do Sở GD&ĐT TP.HCM cùng Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM xây dựng để nấu ăn hằng ngày cho học sinh. Tuy nhiên, buổi sáng và chiều học sinh ăn tại nhà nên trường không thể kiểm soát được khẩu phần ăn. Nhà trường sẽ tiếp tục phối hợp với gia đình để cải thiện bữa ăn ở nhà của học sinh được phù hợp hơn” - bà Mỹ Anh nói.