Bà Lê Mai Anh (Hà Nội) hỏi: Trong trường hợp nào cơ quan chức năng sẽ tiến hành xác minh để phát hiện xe không sang tên đổi chủ?
Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:
Theo Điểm b, Khoản 1, Điều 30 Nghị định số 46/2016 của Chính phủ quy định: "Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô".
Theo quy định tại Khoản 9, Điều 76 Nghị định số 46/2016, "việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 30 của Nghị định này chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên; qua công tác đăng ký xe".
Khoản 3, Điều 80 Nghị định số 46/2016 quy định, "việc áp dụng quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 30 Nghị định này để xử phạt cá nhân, tổ chức vi phạm được thực hiện kể từ ngày 1-1-2017".
Theo các quy định nêu trên, từ ngày 1-1-2017, đối với cá nhân và tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) khi mua, được cho, được tặng được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản, bị các cơ quan chức năng phát hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên; qua công tác đăng ký xe thì sẽ bị xử phạt theo quy định.
Như vậy, theo quy định tại Nghị định này, các cơ quan chức năng không được dừng xe để tiến hành xác minh, xử lý đối với hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe.
Theo Chinhphu.vn