Từ thời điểm bắt đầu soạn thảo đến nay, Bộ Công an đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đáng chú ý, trong dự thảo mới nhất, Bộ Công an đề xuất “siết” quy định đối với trẻ em khi ngồi trên xe máy thay vì chỉ quy định riêng đối với ô tô như trước đây.
Đề xuất trẻ em dưới 6 tuổi ngồi xe máy có đai an toàn hoặc ghế trẻ em
Cụ thể, tại Điều 10 của dự thảo, Bộ Công an quy định về quy tắc chung trong giao thông đường bộ như sau: Khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô tô mà không có người lớn ngồi cùng, người lái xe phải hướng dẫn, sử dụng thiết bị an toàn phù hợp. Khi chở trẻ em dưới 6 tuổi bằng xe gắn máy, xe mô tô mà không có người lớn ngồi cùng phải có dây đai an toàn hoặc ghế dành riêng cho trẻ em.
Quy định về chở trẻ dưới 6 tuổi trên xe máy phải có dây đai an toàn hoặc ghế trẻ em là quy định mới được bộ Công an bổ sung trong dự thảo lần này.
Theo các chuyên gia, người dân ủng hộ quy định về trẻ em là nhằm đảm bảo an toàn, tuy nhiên cần linh hoạt hơn về độ tuổi và thời gian áp dụng.
Chị Mai Huyền (ngụ Hà Nội) cho biết nhà chị đều trang bị ghế trẻ em trên ô tô và đai an toàn cho các bé khi di chuyển bằng xe máy.
“Việc sử dụng các dụng cụ này giúp cho bé an toàn hơn và ngồi yên một chỗ nhưng tuỳ theo độ tuổi của bé thì cách sử dụng khác nhau”- chị Huyền cho hay.
Chị Huyền chia sẻ thêm đối với ghế chuyên dụng trên ô tô hay ghế xe máy đều có kích thước loại dưới 3 tuổi và loại từ 3-6 tuổi, do đó phụ huynh sẽ phải thay đổi tuỳ từng độ tuổi để phù hợp.
“Khi đi ô tô, tôi cho các bé dùng ghế chuyên dụng đến 4 tuổi rồi không sử dụng nữa. Riêng đai an toàn cũng chỉ sử dụng lúc bé đến 2-3 tuổi, sau đó các bé lớn hơn có thể tự ngồi và ôm phụ huynh nên nhà tôi cũng không còn dùng đến nữa”- chị Mai Huyền nói thêm.
Anh Minh Phương (Chủ cửa hàng sửa chữa xe máy tại quận Tân Bình, TP.HCM) cũng chia sẻ tuỳ từng loại xe có kích thước phía trước và phía sau khác nhau, nên thiết kế một chiếc ghế chuyên dụng cho trẻ em khó để phù hợp với mọi loại xe.
“Ví dụ các dòng xe tay ga sản xuất ghế chuyên dụng phía trước thì dễ, còn xe tay côn, xe số hơi phức tạp vì dòng xe này có đặc thù. Như xe côn thì hiện nay sản xuất baga treo đồ thôi đã khó khăn chứ chưa nói đến ghế chuyên dụng”- anh Phương cho hay.
Anh Phương cũng cho biết nếu ghế chuyên dụng cho trẻ em ngồi phía sau xe máy cũng đòi hỏi chiếc xe phải có yên rộng và dài hơn thì một số mẫu xe số sẽ gặp khó vì bề ngang xe khá hẹp không phù hợp.
“Tôi thấy đeo dây an toàn thì thuận tiện hơn cho cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, quy định chỉ nên ở độ tuổi dưới 3 tuổi chứ lớn hơn, nhiều trẻ em sẽ không “hợp tác” để đeo đai này”- anh Phương nói thêm.
Đưa vào luật để thay đổi thói quen
Theo Luật sư Trần Văn Giới, Đoàn Luật sư TP.HCM, trẻ nhỏ dưới 6 tuổi có thể được coi là “nhóm đối tượng yếu thế” trong tham gia giao thông. Lý do là ở độ tuổi này các bé chưa thể tự ý thức được việc bảo đảm an toàn cho mình khi ngồi trên các phương tiện. Vì vậy, trách nhiệm bảo đảm an toàn cho trẻ thuộc về người lớn. Việc đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông cho trẻ em là rất cần thiết.
“Tôi nghĩ chính các bậc cha mẹ có con nhỏ là những người đầu tiên nhận thức được điều này. Khi chở theo trẻ nhỏ ai cũng mong muốn con em mình sẽ an toàn, tuy nhiên không phải ai cũng có ý thức bảo đảm sự an toàn cho trẻ nhỏ”- luật sư Giới chia sẻ.
Do đó, luật sư cũng hoàn toàn đồng ý với đề xuất "Khi chở trẻ em dưới 6 tuổi bằng xe gắn máy, xe mô tô mà không có người lớn ngồi cùng phải có dây đai an toàn hoặc ghế dành riêng cho trẻ em".
“Tôi nhận thấy nhiều trường hợp các bậc phụ huynh chở theo trẻ em nhưng chưa có ý thức đảm bảo an toàn cho trẻ. Có thể họ quá tự tin về việc đảm bảo an toàn mà không cần có các thiết bị hỗ trợ. Việc này tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho sự an toàn của trẻ nhỏ”- luật sư Giới phân tích.
Do đó, luật sư cho rằng việc đưa các quy tắc bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ khi tham gia giao thông trở thành các quy tắc xử sự chung, mang tính bắt buộc như đề xuất hiện nay là phù hợp.
Cần có thực tiễn để đánh giá
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hành khách ô tô TP.HCM cho biết các quy định nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông là tốt. Tuy nhiên cũng cần có những quy định chi tiết làm rõ tiêu chuẩn về thiết bị an toàn được dùng cho trẻ em như dây an toàn, ghế trên phương tiện tham gia giao thông.
“Khi một quy định được ban hành cũng cần có thời gian thực hiện, có thực tiễn để đánh giá. Sau đó tiếp tục thực hiện nếu phù hợp và điều chỉnh lại nếu chưa phù hợp. Mỗi một vấn đề đưa ra cũng cần biết quy định đó đòi hỏi cần mua sắm, trang bị, chi phí ra sao… để đảm bảo mang tính khả thi”- ông Tính cho hay.
Theo chuyên gia ô tô, xe máy Nguyễn Minh Đồng, một số nước trên thế giới quy định trẻ em dưới 6 tuổi không được ngồi trên xe máy mà chỉ được ngồi trên xe đạp. Đồng thời, với xe đạp cũng quy định trẻ em chỉ được dưới 10 kg và cũng có ghế chuyên dụng như ngồi trên ô tô.