Chiều 8-4, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự án Luật Đường bộ do Bộ GTVT soạn thảo và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (TTATGT ĐB) do Bộ Công an soạn thảo.
Hai dự thảo đã thu nhiều ý kiến góp ý
Hội thảo do ông Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM chủ trì và nhiều ĐB đến từ các cơ quan, đơn vị khác nhau.
Theo ông Thắng, Đoàn ĐB TP đã tổ chức các đợt góp ý, nhận được những kết quả và hôm nay tiếp tục lấy ý kiến với dự thảo mới nhất.
“Hai dự thảo cũng như các góp ý đã nổi lên một số vấn đề như những quy định diễn ra hàng ngày trên địa bàn TP.HCM cũng như nhiều tỉnh thành, sự phân cấp về quản lý về giao thông đường bộ và đảm bảo sự an toàn giao thông đường bộ”- ông Thắng cho hay.
Theo ông Thắng, mỗi một góp ý của các ĐB đều có từ kinh nghiệm công tác, kinh nghiệm thực tiễn, kinh nghiệm giảng dạy để đưa ra những ý kiến góp ý để hai dự thảo hoàn chỉnh. “Từ đó khi người dân, doanh nghiệp hay bất cứ một ai tiếp cận luật thực hiện một cách dễ dàng và áp dụng phù hợp sau khi được ban hành”- ông Thắng cho hay.
Góp ý cho dự luật, luật sư (LS) Trương Thị Hoà, Đoàn LS TP.HCM, cho biết các đợt góp ý đã có những ý kiến rất sôi nổi, đúng đắn, có những trường hợp sửa một chữ cũng đã được cơ quan soạn thảo ghi nhận sửa đổi, cập nhật.
Tuy nhiên, LS Hoà cũng có những góp ý bổ sung thêm một số vấn đề trong hai dự thảo. “Luật TTATGT ĐB có bổ sung thêm về trách nhiệm của đơn vị quản lý, nhưng Luật Đường bộ lại không không quy định về vấn đề này nên dẫn đến sự không tương thích”- LS Hoà cho hay.
Theo đó LS Hoà đề xuất, Luật Đường bộ cần bổ sung trách nhiệm cơ quan, cá nhân có liên quan trong phạm vi thứ 8. Đồng thời cần bổ sung trách nhiệm của toàn xã hội về Luật Đường bộ cũng như Luật TTATGT ĐB. Đồng thời, tham khảo thêm nội dung của công ước giao thông đường bộ để có những điều khoản tương thích và phù hợp.
“Điều 6 đã bổ sung về vấn đề tuyên truyền phổ biến pháp luật là đúng đắn nhưng cần bổ sung thêm tuyên truyền cho cả người nước ngoài. Đây là điều rất quan trọng vì người nước ngoài cư ngụ, sinh sống tại Việt Nam rất nhiều. Họ phải tuân theo luật tại Việt Nam là sự thượng tôn, tôn trọng pháp luật Việt Nam”- LS Hoà đề xuất.
Bỏ quy định về trích 70% tiền xử phạt cho CSGT là đúng
Ông Trần Thảo, Trưởng khoa CSGT, Trường Đại học Cảnh sát Nhân dân, cho biết qua nghiên cứu và có ý kiến, chúng tôi trao đổi một số vấn đề nhằm góp ý để hai dự luật được thông qua và đảm bảo an toàn giao thông nói chung.
“Chúng tôi là người giảng dạy, nghiên cứu luật theo hướng làm sao luật đưa ra dễ hiểu. Do đó, ở Luật Đường bộ cần bổ sung về phần giải thích từ ngữ. Hiện tại luật mới chỉ giải thích gồm 6 khoản và ngắn gọn, chưa rõ được”- ông Thảo cho hay.
Cụ thể, ông Thảo đề xuất bổ sung các khái niệm như điều 9 (phân loại đường bộ), điều 15 (hành lang an toàn đường bộ), điều 27 (Tải trọng và khổ giới hạn của đường bộ), điều 40 (giao thông thông minh), điều 43 (tài khoản giao thông), điều 44 (đường cao tốc), điều 51 (tạm dừng khai thác đường cao tốc), điều 56 (hoạt động vận tải đường bộ), điều 67 (vận tải đa phương thức) …
Đối với dự thảo Luật Đường bộ, ông Thảo cũng đề nghị cần sửa từ ngữ trong quy định về lập điểm đón trả khách.
“Qua nghiên cứu các luật khác chúng ta dùng từ trái quy định pháp luật hoặc theo quy định pháp luật thì hợp lý, thay vì theo văn nói tự ý thì nó không phù hợp luật tính lập pháp”- ông Thảo phân tích.
Cụ thể, theo ông Thảo đề xuất sửa tại Khoản 6 điều 7 “Tự ý lập điểm đón, trả khách”, sửa thành “Lập điểm đón, trả khách trái pháp luật”.
Ông Thảo cũng đề xuất trong dự thảo Luật Đường bộ, cụ thể tại Điều 43 quy định về thu phí. Ở các tuyến đường bộ, đường nào thu "một dừng", đường nào không dừng, nhưng luật không quy định chi tiết tuyến nào có thu phí, khi thu phí thì phân luồng cũng dễ áp dụng hơn. Do đó, cần sửa tại Khoản 3 điều 43 bỏ thu phí “một dừng”, thay vào đó bắt buộc thu phí không dừng.
Đối với dự thảo Luật TTATGT ĐB, ông Thảo cũng cho biết cơ quan soạn thảo đã tiếp thu và sửa đổi quy định về trích 70% khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước và không thấp hơn 30% khoản tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật.
“Hiện tại, khoản 1 Điều 5 dự thảo về chính sách của Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ chỉ còn quy định “Huy động, sử dụng các nguồn lực để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Bảo đảm ngân sách, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị hiện đại, các điều kiện bảo đảm và nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ của lực lượng trực tiếp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ”, là phù hợp”- ông Thảo nói.