Có cần thêm một bộ SGK của nhà nước?

(PLO)- Việc Bộ GD&ĐT biên soạn bộ SGK trong thời điểm này liệu có cần thiết? Vấn đề này nhận được nhiều quan tâm từ dư luận cũng như các chuyên gia.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang diễn ra đã dành thời gian để giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tại đây, xuất hiện ý kiến khác nhau về việc Nhà nước có nên in riêng một bộ sách giáo khoa (SKG).

Học sinh tìm mua sách giáo khoa chuẩn bị cho năm học mới. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Học sinh tìm mua sách giáo khoa chuẩn bị cho năm học mới. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Để thêm góc nhìn về vấn đề này, PLO giới thiệu ý kiến của ThS Hoàng Anh Đức, Trung tâm NC&PT Giáo dục EdLab Asia:

Có rất nhiều góc nhìn, tiêu chí và cách thức để đánh giá hiệu quả của một hệ thống giáo dục, bất kể đó là một trường học, một học khu, một thành phố, hay một quốc gia: thành tích học tập, tài chính, các khoảng cách phát triển, tính đổi mới sáng tạo, tỷ lệ chi ngân sách…

Ở góc độ phát triển chương trình, theo Tyler (1949)*, quá trình cải tiến dạy và học có thể được nhìn nhận qua sự kết nối giữa:

Mục tiêu giáo dục (thể hiện qua Chương trình và giáo trình);

Các trải nghiệm học tập (các hoạt động học, dạy, và trải nghiệm);

Phương thức tổ chức các hoạt động học tập;

Phương thức đánh giá thành quả học tập.

Đối với trụ cột thứ nhất, chủ trương đổi mới giáo dục phổ thông trong Nghị quyết 88/2014 là một bước ngoặt quan trọng, dần gỡ bỏ các vòng kim cô đối với nhà trường, giáo viên. Tóm lại, ít nhất, đã xác định được mục tiêu chiến lược.

Đối với trụ cột thứ hai và ba, các chuyển biến trên diện rộng có, nhưng vẫn còn hạn chế. Nguyên do vẫn nằm ở con người (bao gồm tư duy, và năng lực đội ngũ), nên cần phải có thời gian và lộ trình phù hợp. Các module hướng dẫn hời hợt, qua loa, kèm thêm những sự gò bó theo quán tính trong công tác quản lý (ví dụ như công văn 5512 về hướng dẫn thực hiện xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục). Tóm lại, các mục tiêu chiến thuật còn chồng chéo.

Đối với trụ cột thứ tư, bậc tiểu học coi như được gỡ gông cùm về kiểm tra đánh giá, nên có lẽ các cải tiến trong bậc tiểu học đang mạnh mẽ hơn các bậc THCS, THPT.

Điều cần thiết lúc này, là thúc đẩy mạnh mẽ các cải cách về kiểm tra, đánh giá ở các bậc học sau. Cá nhân mình thấy một trong những việc cần làm, nên làm, là bỏ kì thi tốt nghiệp THPT tập trung, tốn kém như hiện nay. Chừng nào việc này còn chưa xong, thì các cải cách với ba trụ cột trên vẫn như kiến bò miệng chén.

Quay trở lại với sách giáo khoa, có cần thiết phải yêu cầu Bộ GD&ĐT làm một bộ SGK của Nhà nước hay không?

Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo chủ trương “xây dựng nền giáo dục mở” và “đa dạng hoá tài liệu học tập”. Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội chủ trương xóa bỏ độc quyền xuất bản SGK. Giờ Bộ GD&ĐT lại chủ trì làm “một bộ SGK của nhà nước”, thì không khác gì bóp chết tính mở, tính đa dạng.

Nghị quyết số 122/2020/QH14 ngày 19-6-2020 quy định, nếu môn học nào đã có ít nhất 01 bộ sách giáo khoa được thẩm định và phê duyệt, thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa bằng ngân sách nhà nước. Giờ nếu chỉ đạo Bộ GD&ĐT biên soạn, thì kinh phí lấy từ đâu?

Kể cả có kinh phí, đơn vị nào, cá nhân nào thuộc Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức biên soạn? Sau đó ai thẩm định? Bao lâu thì xong? Khi nào xuất bản? Đưa vào thực tiễn triển khai ra sao? Liệu có lại từng bước trở thành một dạng ‘pháp lệnh vô hình’ hay không? Quá trình thay sách với các lớp hiện hành như thế nào? Quá trình kiểm tra, đánh giá sau đó 5, 4, 3 năm (lần lượt với các bậc Tiểu học, THCS, THPT) ra sao?

Về mặt vĩ mô, tính đến 2023 là tròn 10 năm Nghị quyết 29. Cần phải tiến hành đánh giá thực sự toàn diện, thu thập cả các ý kiến thực tiễn trong các trường, lớp để nhìn ra vấn đề, chứ không chỉ hạn chế ở các số liệu thống kê.

Một bước đi lớn cần tập trung, chính là cải cách kiểm tra đánh giá, hay nói nôm na là cải cách thi cử, chứ không phải lo đi làm thêm một bộ SGK mới khi các mục tiêu, yêu cầu, và kế hoạch triển khai hoàn toàn mù mờ.

Về mặt kĩ thuật, xin đề xuất một số ý kiến như sau:

Đối với các bộ SGK hiện hành, cần thẳng thắn thừa nhận những điểm lỗi về cấu trúc cũng như kiến thức, từ đó chỉnh lý, bổ sung. Chi phí chỉnh lý, bổ sung này các nhà xuất bản phải chịu. Và quá trình chỉnh lý, bổ sung phải tiến hành thường xuyên, liên tục.

Khi đã có sự thống nhất về các tiêu chuẩn kỹ thuật giữa các bộ sách, mạnh dạn tiến thêm một bước, để cho các nhà trường tự lựa chọn sách, bỏ cơ chế chọn sách tập trung theo địa phương.

Đối với các bộ sách biên soạn có sử dụng ngân sách, cần công khai toàn bộ bản mềm, chuyển thành học liệu mở. Hiện nay các NXB có đăng tải bản mềm nhưng vẫn chưa mở hoàn toàn.

Nếu thực sự cần phải có một bộ SGK “do Bộ GD&ĐT chủ trì”, có thể lấy luôn bộ “Chân trời sáng tạo”. Hiện nay tỉ lệ sử dụng bộ sách này ở TP. HCM chiếm khoảng 80%. Việc có thể làm là xuất ngân sách để tất toán bản quyền bộ sách này cho NXB Giáo dục. Sau đó, thậm chí Bộ có thể công bố bộ này dưới giấy phép mở Creative Common BY-SA-NC-ND (Ghi công, chia sẻ tương tự, phi thương mại, không phái sinh). Khi đó, ai cũng có thể tải về, thậm chí tự in ấn, photo sách để sử dụng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm