Ngày 18-11, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), cho biết chính quyền đã sẵn sàng phối hợp với các sở, ngành cụ thể hóa nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội (QH) vừa bấm nút thông qua.
Trung tâm TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: VŨ LONG |
Chính sách ưu đãi sẽ thu hút doanh nghiệp
Chị Lâm Thị Hiền (39 tuổi, ngụ TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) chia sẻ mấy ngày nay chị nắm thông tin Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuột sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023 và được thực hiện trong năm năm. Điều này cũng sẽ thu hút nhiều dự án của những doanh nghiệp lớn đầu tư cho địa phương.
Theo chị Hiền, khi các dự án triển khai, nhiều nhà máy sẽ cần tuyển dụng một lượng lớn người lao động. Người dân địa phương có việc làm tại chỗ, không còn phải đến các tỉnh, thành. “Cơ chế mới cũng sẽ thúc đẩy xây dựng, sửa chữa các tuyến đường giao thông đang xuống cấp nặng” - chị Hiền nói.
Chính sách ưu đãi sẽ giúp TP Buôn Ma Thuột có nhiều nhà máy sản xuất, chế biến cà phê không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn để xuất khẩu.
Ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (SIMEXCO), cho biết TP Buôn Ma Thuột nói riêng và Đắk Lắk nói chung là vùng có sẵn nguyên liệu về nông sản, trong đó có cà phê. Khi thực thi chính sách miễn, giảm thuế sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư.
Hàng cây cổ thụ đường vào sân bay Buôn Ma Thuột |
“Chính sách này cũng đồng nghĩa với việc tới đây có nhiều nhà máy sản xuất cà phê đặt ngay tại TP Buôn Ma Thuột để nhận chính sách ưu đãi. Điều này cũng mở ra những hy vọng mới về sản phẩm cà phê sẽ được chế biến sâu, không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn để xuất khẩu” - ông Lê Đức Huy chia sẻ.
Việc ban hành nghị quyết thí điểm chính sách đặc thù đối với TP Buôn Ma Thuột nhằm thực hiện chủ trương, định hướng phát triển theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị, phù hợp với điều kiện, thế mạnh.
Nghị quyết cũng góp phần thể chế hóa Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ông BÙI VĂN CƯỜNG, Tổng thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH
Còn GS-TS Bảo Huy, tư vấn độc lập, tư vấn về quản lý tài nguyên và môi trường rừng (nguyên Trưởng bộ môn Quản lý tài nguyên rừng và môi trường thuộc Khoa nông lâm nghiệp Trường ĐH Tây Nguyên), cho rằng trong nghị quyết mà QH thông qua, hai lĩnh vực “thu hút nhân tài” và “xây dựng chuỗi giá trị cà phê chế biến” là điều rất gần gũi với nông dân.
“Nếu đưa nhà máy sản xuất cà phê về gần với dân và cần phải đặt lợi ích của nông dân lên hàng đầu” - GS-TS Huy nói.
Đua voi trong Lễ hội cà phê ở TP Buôn Ma Thuột. |
GS-TS Huy cũng cho hay cơ chế thu hút nhân tài đã thực hiện 20 năm nhưng chưa giữ chân được họ. “Nhà khoa học cần môi trường làm việc và môi trường sống. Nghĩa là mời họ về để làm gì. Ví dụ, nhà khoa học về công nghệ thông tin thì phải có doanh nghiệp hoạt động về thông tin, kèm theo đó là cơ chế về tài chính” - GS-TS Huy khuyến cáo.
Một cán bộ đang công tác ở đơn vị thuộc tỉnh Đắk Lắk thì khuyến cáo là cùng với việc trải thảm thì cũng giám sát chặt chẽ để khỏi bị doanh nghiệp lợi dụng để trục lợi từ chính sách ưu đãi...
Cà phê là sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp ở TP Buôn Ma Thuột. |
Cơ hội mới cho cả tỉnh Đắk Lắk
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Phú Hùng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk, nhận định việc QH thông qua nghị quyết thí điểm thực hiện những cơ chế đặc thù sẽ làm cho TP Buôn Ma Thuột có thêm nhiều cơ hội phát triển hơn trong thu hút đầu tư. “Điều này cũng sẽ cụ thể hóa theo Kết luận 67 của Bộ Chính trị đưa TP Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm của vùng Tây Nguyên” - ông Hùng nói.
Còn ông Vũ Văn Hưng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, cho rằng trong cơ chế đặc thù, mục tiêu là đến năm 2030 TP Buôn Ma Thuột trở thành đô thị xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc, nơi người dân có mức sống cao, thuộc nhóm địa phương dẫn đầu vùng Tây Nguyên và khá của cả nước, chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện và sáng tạo...
Biệt điện Bảo Đại trong công viên Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk. |
Theo ông Hưng, đây là cơ hội lớn đồng thời cũng là thách thức và sẽ có nhiều việc phải làm. Tỉnh và địa phương sẽ huy động sức mạnh tập thể, tranh thủ sự ủng hộ của trung ương để cụ thể hóa nghị quyết của QH, đúng với chủ trương, định hướng của Bộ Chính trị về phát triển vùng và Đắk Lắk là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên về công nghiệp chế biến và năng lượng sạch, dịch vụ; đô thị hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng Tây Nguyên và tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia...
Tỉnh Đắk Lắk được vay qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các nguồn tài chính khác trong nước và từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài về cho vay lại tối đa 40% số thu ngân sách. Tổng mức vay và bội chi ngân sách tỉnh hằng năm do QH quyết định theo Luật Ngân sách nhà nước. Tỉnh được sử dụng phần dư nợ vay tăng thêm để đầu tư cho các dự án tại TP Buôn Ma Thuột.
Tỉnh Đắk Lắk cũng được phân bổ thêm 45% số chi theo định mức dân số của TP Buôn Ma Thuột và sử dụng cho các nhiệm vụ chi phân cấp của TP. HĐND tỉnh Đắk Lắk sẽ phân cấp nguồn thu chi cho TP Buôn Ma Thuột.
Nhà máy sản xuất, chế biến cà phê tại TP Buôn Ma Thuột được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trong thời gian thực hiện nghị quyết, chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt làm việc tại các cơ quan chuyên môn và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc TP Buôn Ma Thuột được miễn thuế thu nhập cá nhân trong năm năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công tại TP Buôn Ma Thuột…
(Theo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Buôn Ma Thuột)