Cò đất móc nối thổi giá ở Buôn Ma Thuột

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Những ngày này, dọc theo tuyến đường đang được sửa chữa bụi khói mù mịt ở gần UBND xã Ea Tu (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), hàng trăm biển hiệu rao bán đất được dán chằng chịt trên những cột điện, thân cây, tường rào dọc tuyến đường.

Trong vai người tìm mua đất, chúng tôi giật mình nhận ra không chỉ giá đất ở khu vực trung tâm TP được đẩy lên một cách khủng khiếp mà ở vùng ven cũng “nóng bỏng tay”.

Trăm biển rao bán đất trên đoạn đường ngắn

Chị Huỳnh T (TP Buôn Ma Thuột) chia sẻ vợ chồng chị dành dụm được hơn 300 triệu đồng với ý định mua một lô đất nhỏ ở khu vực ven TP để tiện cho công việc. “Tuy nhiên, cách đây một năm, giá một lô đất 100-110 m2 gần chợ Đạt Lý dao động tầm 200-300 triệu đồng thì nay nhảy vọt lên hơn 500 triệu đồng. Vậy nên bây giờ muốn mua đất làm nhà là rất khó khăn” - chị T nói.

Rao bán đất hàng loạt ở xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: QN

Liên lạc qua một số điện thoại trên bảng rao bán đất ở xã Ea Tu, chúng tôi được một người phụ nữ cho biết giá đất khu vực này đang lên từng ngày nên chốt sớm để có lời. Người này dẫn chúng tôi đến một khu đất cách nơi treo bảng khoảng 5 km và lý giải đất ở gần trung tâm không còn để bán, muốn mua đất rẻ phải chịu khó đi xa nhưng sắp tới sẽ có mở đường. Mảnh đất diện tích khoảng 100 m2 được bà báo giá đến hơn 500 triệu đồng.

Theo tìm hiểu, trong khoảng thời gian từ khi dịch COVID-19 bùng phát hồi giữa năm 2021 đến nay, tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung vẫn rầm rộ mua bán đất. Nếu trước đây người mua ưu tiên chọn đất trung tâm TP, thị trấn thì bây giờ đã phủ ra nhiều vùng ven, lân cận.

Hiện nay, các điểm nóng sốt đất như Ea Tu, Ea Kao, Hòa Khánh... giá đất đã được đẩy lên cao ngất ngưởng. Không những thế, tình trạng phân lô bán đất nông nghiệp với giá 300-600 triệu đồng, thậm chí cả tỉ đồng/sào càng khiến thị trường nóng thêm.

Đáng nói, việc sốt đất ở Đắk Lắk phần lớn là do cò đất liên kết với nhau để thổi giá. Những người này thường giới thiệu đất đẹp với lời hứa hẹn nhiều dự án sắp được triển khai mặc dù chưa rõ nguồn tin. Chính vì vậy, thời gian qua, các ngành chức năng tỉnh liên tục phải có chỉ đạo nhằm tránh tình trạng tung tin đồn thổi, đầu cơ, tạo bong bóng bất động sản (BĐS).

Cảnh báo cò đất thông đồng đẩy giá

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, cho biết vừa có cuộc họp liên quan đến quản lý đất đai trên địa bàn. Trong đó, nội dung đáng chú ý là TP sẽ tăng cường việc quản lý về đất đai, đề nghị xem lại việc tách thửa đất nông nghiệp diện tích tối thiểu 500 m2 và kiểm soát tình trạng mua bán đất không đúng quy định.

Cũng theo ông Hưng, hiện tượng sốt đất tại Đắk Lắk thời gian gần đây là do cò đất thỏa thuận với nhau đẩy giá đất lên cao. Từ đó, những người này lôi kéo người dân tham gia mua bán. “TP đã giao cho bên văn hóa-thông tin tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm tình hình, tránh tham lợi mà gặp phải rủi ro”.

Ông Hưng cảnh báo thêm người dân khi mua bán đất nên liên hệ với xã, phường để xem kế hoạch sử dụng đất có đảm bảo hay không, tránh bị cò đất lừa, mua nhầm đất bị giải tỏa hoặc không rõ ràng pháp lý.

Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Kiều, Chủ tịch lâm thời Hội BĐS tỉnh Đắk Lắk, cho biết thị trường tỉnh nhà đang rất sôi động.

“Thị trường BĐS Đắk Lắk là một nàng công chúa ngủ quên và đang được đánh thức bởi một số dự án vừa triển khai. BĐS ở Buôn Ma Thuột chưa thật sự sốt, chỉ tăng nhẹ và tăng đều. Đất vùng ven đắt hàng một phần do đất nội đô đã bắt đầu lên đỉnh giá, phần nữa do sự dịch chuyển của một số nhà máy công nghiệp ra ngoại ô” - ông Kiều nói.

Trước việc nhiều người đổ xô đi mua đất vì “nghe đồn” có dự án, ông Kiều cho rằng phải kiểm chứng kỹ lưỡng thông tin trước khi quyết định. Người mua đất nên tìm đến các nhà môi giới chuyên nghiệp (có công ty), cần phải có sự hiểu biết nhất định về BĐS khu vực đó như vấn đề quy hoạch, kế hoạch và việc mua bán đúng quy trình pháp lý.

“Thị trường sôi động là dấu hiệu tốt để phát triển xã hội. Tuy nhiên, cần có sự kiểm soát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng để tránh rủi ro. Nhiều người chạy theo sóng, mua bán bất chấp sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và người lãnh hậu quả cuối cùng sẽ là người dân” - ông Kiều nhận định.•

Cò đất tự do thường không có văn hóa về mua bán, họ bán và mua bất chấp miễn có lời. Nhóm người này có thể hâm nóng thị trường nhưng cũng khiến tình hình nhiễu loạn. Để quản lý cần sự vào cuộc quyết liệt và chặt chẽ của cơ quan nhà nước. Những người hành nghề môi giới BĐS phải có chứng nhận hành nghề và phải thuộc một công ty chính thống có giấy phép.

Ông HUỲNH VĂN KIỀU, Chủ tịch lâm thời Hội BĐS tỉnh Đắk Lắk 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm