“Theo tố cáo, lâm tặc đã móc nối với cán bộ bảo vệ rừng. Tình trạng chở gỗ công khai không bị ngăn chặn, xử lý nhưng vì sao không bắt được lâm tặc, có tiêu cực hay không?”. Đại biểu Nguyễn Văn Ly chất vấn với ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, tại kỳ họp HĐND tỉnh hôm 21-7.
Lâm tặc trang bị xe hiện đại
Trước đó, Pháp Luật TP.HCM phản ánh nạn phá rừng Nà Dệt, Giếng Cọp (Hàm Thuận Nam) và rừng phòng hộ Sông Lũy (Bắc Bình). Trả lời chất vấn, ông Kiều thừa nhận có dấu hiệu móc nối giữa lâm tặc và cán bộ bảo vệ rừng trong vụ phá rừng Nà Dệt, Giếng Cọp. Việc này nằm ngoài tầm tay của Sở NN&PTNT nên mới chuyển CQĐT. “Lâm phận trải dài, chia cắt, hiểm trở trong khi lâm tặc rất hung hăng. Lâm tặc ở Đức Trọng sang đều đi xe cải tiến bốn bánh (giá khoảng 800 triệu đồng/xe) có thể đi bất cứ địa hình nào và xe hai bánh thồ gỗ đã cải tiến cũng có giá 70 triệu đồng/chiếc. Các xe này của lâm tặc hiện đại hơn nhiều so với xe của lực lượng bảo vệ rừng. Việc tuần tra quản lý bảo vệ rừng khó khăn nhưng chủ rừng phải chịu trách nhiệm trước tiên khi để mất rừng. Kế tiếp là trách nhiệm của chính quyền các cấp cùng kiểm lâm” - ông Kiều nói.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thân, Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận, cho biết thêm công tác giám định thiệt hại chậm khiến việc xử lý các vụ án phá rừng chậm theo. “Vụ phá rừng Nà Dệt, Giếng Cọp lúc đầu xác định có hơn 1.000 gốc bị triệt hạ. Nhưng đo đếm lại thì có hơn 4.500 gốc nên việc giám định phải kéo dài. Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo xử lý nhanh và nghiêm khắc, đúng pháp luật đối với những vụ án này” - Thiếu tướng Thân khẳng định.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT tuần tra, bảo vệ, kiểm tra, kiểm soát lâm sản, truy quét các vụ phá rừng trọng điểm, nhất là vùng giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng…
Tòa chậm xử: Chủ tịch nhận trách nhiệm
Cũng tại kỳ họp, nhiều ý kiến chất vấn đổ dồn vào ông Nguyễn Ngọc Quang, Chánh án TAND tỉnh, về các vụ tranh chấp đất đai xử lý chậm chạp. Ông Quang trả lời nguyên nhân chính là do các cơ quan liên quan chậm, thậm chí không cung cấp hồ sơ, chứng cứ địa chính theo đề nghị của tòa. Tuy vậy, đại biểu Nguyễn Ngọc Thành cho rằng có nhiều vụ tòa chỉ gửi văn bản một lần rồi thôi. “Vì sao có sự khác biệt này? Có phải do nguyên đơn “quan tâm” đến tòa thì tòa mới “quan tâm” lại? Người dân phải đi đến đâu để kêu cứu khi vụ việc của mình kéo dài nhiều năm?” - đại biểu Thành hỏi.
Theo ông Quang, trước đây án do các địa phương chậm cung cấp, trả lời song đến nay đã giảm nhiều… Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Phương bất ngờ đề nghị trả lời thêm. Theo ông Phương, án dân sự để chậm dù với lý do gì thì đó cũng là khuyết điểm của tòa và UBND các cấp. “Tôi sẽ yêu cầu chủ tịch các địa phương giải trình. Khi tòa có công văn đề nghị cung cấp thông tin nhưng các địa phương không thực hiện thì phải báo ngay cho UBND tỉnh. Chúng tôi sẽ cử cán bộ theo dõi để xử lý. Tôi xin nhận trách nhiệm và việc này phải chấm dứt” - ông Phương khẳng định.