Có doanh nghiệp ‘kinh doanh trên cả nỗi đau của người lao động’

(PLO)-  Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cho biết chế tài và hành lang pháp lý để ngăn chặn tình trạng nợ, trốn đóng BHXH đã đầy đủ, nhưng thực tế đang có khó khăn trong việc áp dụng pháp luật.

Tại hội thảo hoàn thiện quy định pháp luật để bảo vệ người lao động (NLĐ) trước tình trạng nợ và trốn đóng BHXH do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và báo Lao Động tổ chức diễn ra chiều 21-7, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết hiện không ít doanh nghiệp nợ BHXH do khó khăn nhưng cũng có doanh nghiệp cố tình chây ì khoản tiền này, “kinh doanh trên cả nỗi đau của NLĐ”.

Bản thân ông từng gặp những trường hợp NLĐ mất không được nhận tiền tử tuất; sinh con, khi con lớn chưa được nhận tiền thai sản…

Hiện công đoàn được giao quyền khởi kiện bảo vệ quyền lợi cho NLĐ về BHXH. Nhưng việc khởi kiện chủ doanh nghiệp đang chịu sự chi phối của 4 luật: Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, BHXH và Tố tụng dân sự. Các đạo luật này có sự mâu thuẫn nhau.

“Có đạo luật yêu cầu công đoàn nói chung có quyền khởi kiện, có đạo luật nêu rõ là công đoàn cơ sở, có đạo luật bắt buộc NLĐ phải uỷ quyền, có đạo luật yêu cầu chung. Vì vậy đến nay cơ bản là bế tắc, tòa không thụ lý các vụ việc…”- ông Hiểu nói.

Lãnh đạo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải đáp các vấn đề tại hội thảo. Ảnh: T.THẾ

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, tại các diễn đàn, ông từng kiến nghị xem xét sửa các luật để đảm bảo tính đồng bộ. Trong đó, Luật BHXH đang lấy ý kiến sửa đổi cần bỏ ngay quy định ủy quyền cho công đoàn khởi kiện “không nên đặt ra vấn đề uỷ quyền”.

Theo BHXH Việt Nam, đến ngày 31-12-2021 có khoảng 26.670 đơn vị với khoảng 206.468 NLĐ tại các đơn vị đã phá sản, đang làm thủ tục giải thể, phá sản; đơn vị ngừng hoạt động và không có người đại diện theo pháp luật với số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) lên đến 2.262 tỉ đồng và 914 tỉ đồng tiền lãi chậm đóng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cho biết chế tài và hành lang pháp lý để ngăn chặn tình trạng nợ, trốn đóng BHXH đã đầy đủ. Tuy nhiên thực tế chúng ta đang khó khăn trong việc áp dụng pháp luật.

Chẳng hạn, chủ doanh nghiệp bị xử lý hình sự trong trường hợp đã bị xử lý vi phạm hành chính về vi phạm này. Hiện nay, cơ quan xử lý hành chính không bao quát được việc này, chưa làm hết trách nhiệm. “Việc khởi kiện dân sự hoặc hình sự làm chưa được là do chúng ta chứ không phải chưa có cơ sở pháp lý, chế tài” – lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khẳng định.

Trên cơ sở đó, Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng các cơ quan thanh tra lao động và chính quyền địa phương cần phát hiện nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ, chính xác đối với các hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH bắt buộc. Từ đó xử lý hành chính làm cơ sở để xử lý hình sự đối với những hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc.

"Các cơ quan chức năng khi thấy có dấu hiệu tội phạm trong việc trốn đóng BHXH bắt buộc phải có trách nhiệm cung cấp thông tin, kiến nghị khởi tố đối với các cơ quan tố tụng để xử lý hình sự..."- đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho hay.

Khốn khổ vì nợ BHXH

Nguyễn Thị Huyền, quản đốc Phân xưởng may - Nhà máy Dệt kim Haprosimex thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex, cho biết bị công ty nợ lương từ tháng 1-2017 và nợ BHXH từ tháng 7-2011 của toàn bộ gần 500 anh chị em công nhân. Tính đến trước tháng 3-2023, số tiền Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex nợ BHXH của NLĐ là hơn 15 tỉ đồng.

Do công ty không đóng BHXH, BHYT nên nhiều nữ công nhân không được hưởng chế độ thai sản - mặc dù con của họ đã lớn. Có hai trường hợp NLĐ chẳng may tử vong nhưng đến trước tháng 3-2023, gia đình họ chưa nhận được chế độ tử tuất. Do không chấm dứt hợp đồng lao động nên không xin được việc làm ổn định dù có tay nghề, NLĐ phải đi làm thuê tại các xưởng gia công hoặc các công việc thời vụ như rửa bát thuê, xe ôm… để có tiền trang trải cuộc sống.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới