'Cô gái ôsin thành sinh viên tiêu biểu ở Úc, giờ ra sao?

 Từ cô gái osin, ngủ gầm cầu thang, bán hàng rong trên phố trở thành sinh viên Việt Nam duy nhất và đầu tiên nhận hai giải thưởng danh giá: “Sinh viên quốc tế xuất sắc năm 2013 bang Victoria dành cho hệ đại Học” và “Sinh viên quốc tế xuất sắc của năm 2013 - Premier Award" do Thủ hiến bang Victoria Denis Napthine trao tặng, cô gái ấy đã trở thành động lực sống cho hàng triệu bạn trẻ. 

 “Giờ chị đã nặng gần 50 kg rồi đấy!”

Cô gái hài hước mở đầu cuộc trò chuyện như vậy!

Đặng Thị Hương: "Tôi biết ơn quá khứ"

Đặng Thị Hương hiện đang sống ở TP Melbourne, Úc. Tháng 6 vừa rồi Hương là một trong 61 người trẻ trên toàn thế giới trúng tuyển vào chương trình học ngắn hạn của Massachusetts Institute of Technology - Mỹ cho chương trình “MIT Global Entrepreneurship Bootcamp”. Đồng thời cô là một trong số 250 người trẻ toàn cầu được lựa chọn cho chương trình UNCTAD Youth Forum in Nairobi, Kenya (Diễn đàn Trẻ của United Nation Conference on Trade and Development tại châu Phi).

Hiện tại, Hương đang làm Business Analyst cho một công ty IT có trụ sở tại Melbourne. Ngoài ra, cô còn phụ trách mảng “Nhà tài trợ học viên” của KOTO.

Thời gian rảnh rỗi cô gái ấy thích nấu những món ăn Việt và mời cô chú cùng những bạn bè người Úc cùng thưởng thức vì họ cũng mê đồ ăn Việt. Hương chia sẻ: “Việc được nấu các món ăn Việt như cá kho tộ, cà bung trong chiếc nồi đất mua tại Melbourne, hay hằng tuần đi chợ Việt luôn khiến cô cảm thấy sợi dây gắn kết cô với quê hương được gần hơn. Công việc bận rộn nhưng Hương vẫn cố gắng sắp xếp để tham gia các hoạt động cộng đồng như tình nguyện viên cho KOTO quốc tế và một vài dự án liên quan tới giáo dục cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam như Hands for Hope và Back To School. Cô thường làm các công việc này vào buổi tối và cuối tuần.

 Sống vui ngay cả khi không có ai bên cạnh

Tôi nghĩ một cô gái thì nên sống vui ngay cả khi không có ai bên cạnh và xây dựng nội lực vững vàng cho bản thân”

Hiện tại Hương vẫn đang rất vui và hưởng thụ cuộc sống của một cô gái tự do. “Mọi việc tùy duyên, những mốc quan trọng trong cuộc đời của mỗi người rồi cũng sẽ tới, chỉ là sớm hay muộn mà thôi và nếu chưa tới thì chỉ là do chưa đúng thời điểm”, Đặng Hương chia sẻ.

Khi được hỏi một cô gái xuất sắc, mạnh mẽ như Hương sẽ chọn người bạn đời của mình theo tiêu chuẩn nào, Hương chỉ cười. Cô luôn nhận mình chỉ là “một cô gái bình thường, có thể nói là hết sức bình thường trong số tất cả các cô gái bình thường”.

“Tôi không đặt tiêu chuẩn gì cho một người bạn đời của mình, vì với cá nhân tôi nghĩ, hạnh phúc thì không có tiêu chuẩn.

Chỉ cần đó là người có cùng giá trị sống với mình và muốn cùng mình trải nghiệm những niềm vui nho nhỏ như nấu ăn, làm bánh, làm vườn, đi dạo, đọc sách hay là thiền, thì có lẽ đó là một người có thể cùng mình đi tiếp những chặng đường về sau. Tôi nghĩ một cô gái thì nên sống vui ngay cả khi không có ai bên cạnh và xây dựng nội lực vững vàng cho bản thân”.

“Tôi biết ơn quá khứ!”

Khi được hỏi: Nhìn lại chặng đường đã đi qua, có bao giờ chị cảm thấy nuối tiếc giá như nhà mình không nghèo, giá như mình không phải nghỉ học khi vừa hết lớp 7, biết đâu mình đã làm được nhiều hơn thế, Hương lắc đầu.

“Không phải ai sinh ra trong một môi trường đầy đủ cũng có thể tận dụng được hết cơ hội và tôi cũng rất có thể đã trở thành một đứa trẻ hư nếu gia đình giàu có. Từ bé tôi mơ ước được vào đại học ở Việt Nam, được làm cô giáo, ước mơ đó chưa bao giờ thành hiện thực nhưng cũng những thời điểm đó, tôi chắc chắn chưa bao giờ từng nghĩ mình sẽ có cơ hội được đi học thạc sĩ ở Úc, vì thế mọi việc xảy ra trong cuộc đời tôi đều có một chữ duyên ở đó. Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói nếu không hàm ơn bùn, chúng ta sẽ không có những đóa sen thơm. Tôi luôn học hỏi được rất nhiều từ việc đọc sách của Thầy, để biết ơn hơn những thách thức tôi và gia đình cùng đi qua”, Hương tâm sự.

Hoàn cảnh gia đình, cha mẹ… và rất nhiều thứ khác, cô và nhiều người không thể nào lựa chọn. Nhưng điều cô được tự do lựa chọn là tình yêu tha thiết vào những ước mơ của mình trong suốt những năm tháng của tuổi trẻ.

“Tôi không thích so sánh bản thân mình với người khác. Tôi thích so sánh bản thân mình với mình của những ngày đã qua và vui với cảm giác mình được tự nhìn thấy sự trưởng thành của mình sau mỗi ngày sống khiêm nhường, hoan hỉ và đầy nỗ lực.

Xã hội có bao nhiêu người hơn mình nhưng có thể thành công hay giàu có chưa chắc đã hạnh phúc. Nên biết mình cần gì, muốn gì, có gì, để vui với cuộc sống của mình, đó mới là điều cần thiết để đem ra cân nhắc. Và cuối ngày suy cho cùng cũng chỉ có sức khỏe và sự an yên trong lòng mình mới là điều quan trọng nhất.

Đặng Hương luôn biết ơn vì được sinh ra trong môi trường có nhiều hạn chế, vì nhờ vậy cô biết trân trọng tình thương bao la của một người mẹ phi thường như mẹ, để mình biết yêu thương và kết nối với cộng đồng khi không có mẹ ở bên và biết mình cố gắng hơn mỗi ngày để cuộc sống của mình tốt đẹp hơn nhưng cũng không quên đóng góp lại cho cộng đồng trong điều kiện có thể. 


Đặng Thị Hương

Tuổi 12 xa vòng tay mẹ                            

Nhà nghèo, mẹ bệnh nên Hương đành nghỉ học từ khi 12 tuổi.

Cô bé đen đúa, còi dí vì chỉ toàn ăn rau theo mẹ ra đồng. Việc đồng áng, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời cũng chẳng nuôi đủ mấy miệng ăn. Hương rời vùng quê Lập Thạch (Vĩnh Phúc) ra Hà Nội làm ôsin. Năm đó, cô chỉ cao 1,3 m, nặng 27 kg, lòng đầy lo sợ vì chưa một lần rời lũy tre làng.

Từ chỗ làm về nhà chưa đến 100 km nhưng mỗi năm Hương chỉ được về nhà hai lần vào dịp giỗ bố và dịp tết. Đổi lại là mỗi tháng cô có được 150.000 đồng gửi về cho mẹ.

Hơn bốn năm đi làm ôsin, bênh cạnh nỗi sợ “tiếng chim hót, vì nó cho tôi cảm giác cô đơn và nhớ nhà kinh khủng” là khát khao cháy bỏng: Được đi học. 

18 tuổi, Hương nghỉ công việc ôsin, đi học lại lớp 8 ở một trung tâm giáo dục thường xuyên. Cô thuê được gầm cầu thang một khu ổ chuột vừa kê đủ cái giường gãy chân để ngủ. 2 giờ sáng Hương thức dậy thổi xôi. Sáng bán xôi, rồi đi lau nhà thuê, chiều đi bán bánh khoai, bánh ngô, tối học xong lại bán bánh đến nửa đêm, hè đi bán hàng thuê trong Công viên Thủ Lệ.  Việc quá nhiều nên mỗi ngày Hương chỉ vẻn vẹn 2 tiếng được ngủ.

 Qua bạn giới thiệu, Hương tình cờ biết đến KOTO -  một doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận, chuyên đào tạo nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn cho trẻ đường phố. Cô nộp đơn vào và đươc nhận, đó là một ngả rẽ khác thay đổi cuộc đời cô khi tròn 20 tuổi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới