Cô giáo Dung sau khi ra tù có được tiếp tục làm giáo viên?

(PLO)- Theo quy định, nếu công chức bị kết án về tội tham nhũng thì đương nhiên bị buộc thôi việc và thôi giữ chức vụ; nhưng vì bản án không cấm hành nghề nên vẫn có thể hành nghề ở đơn vị khác nếu được tiếp nhận.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Như PLO đã đưa tin, sáng 28-6, bà Lê Thị Dung (nguyên Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) đã mãn hạn tù sau khi chấp hành xong bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Nghệ An.

Liên quan đến sự việc này nhiều bạn đọc đặt câu hỏi liệu sau khi chấp hành xong bản án, bà Dung có được tiếp tục làm việc tại Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên hay không?

Bà Lê Thị Dung bật khóc khi gặp lại người thân, bạn bè. Ảnh: Q.LƯU

Bà Lê Thị Dung bật khóc khi gặp lại người thân, bạn bè. Ảnh: Q.LƯU

Trao đổi với PLO, luật sư Lê Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết Điều 41 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định rõ cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để người bị kết án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó thì có thể gây nguy hại cho xã hội. Thời hạn cấm là từ 1-5 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

Tuy nhiên, TAND tỉnh Nghệ An chỉ tuyên bị cáo Lê Thị Dung 15 tháng tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ. Ngoài ra, không tuyên cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề trong một thời gian nhất định.

Trong trường hợp này, theo bản án sơ thẩm, bà Dung trước khi bị bắt đang là công chức công tác tại Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên nên thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Theo đó, khoản 3, Điều 79 Luật cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định công chức bị tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị kết án về tội phạm tham nhũng thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phạm tội bị tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bổ nhiệm.

Áp dụng quy định trên, bà Dung bị tuyên 15 tháng tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ theo quy định tại Điều 356 BLHS. Mặt khác, tội danh này thuộc mục 1 (các tội phạm về tham nhũng) tại chương XXIII (các tội phạm về chức vụ) của BLHS. Như vậy, sau khi chấp hành xong bản án thì thì bà Dung đương nhiên bị buộc thôi việc và thôi giữ chức vụ giám đốc trung tâm đã được bổ nhiệm tại Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 30 Nghị định 112/2020 quy định trường hợp công chức bị tòa án kết án về hành vi tham nhũng, trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc.

Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, bản án không buộc bà Dung bị cấm hành nghề nên mặc dù theo quy định sẽ bị buộc thôi việc và thôi giữ chức vụ tại Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên nhưng bà Dung vẫn có thể hành nghề tại một đơn vị giáo dục khác nếu như đơn vị đó tiếp nhận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm