Cơ hội giảm tiếp giá xăng

Cơ hội giảm tiếp giá xăng ảnh 1

Diễn biến giá xăng A92 nhập khẩu và giá bán lẻ thời gian gần đây - Nguồn: các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu - Ảnh: Thuận Thắng - Đồ họa: Như Khanh

Mặc dù giá xăng mới giảm 500 đồng/lít ngày 9-5, nhưng các chuyên gia cho biết cần tiếp tục giảm nhanh giá bán lẻ và sớm sửa cơ chế điều hành giá xăng dầu, tránh tình trạng doanh nghiệp viện nhiều lý do để trì hoãn giảm giá.

Tăng chiết khấu

"Giá xăng dầu thế giới đã giảm là điều kiện quá tốt để giảm giá bán lẻ trong nước. Nhưng với cơ chế hiện nay, doanh nghiệp có thể viện ra rất nhiều lý do để trì hoãn việc giảm giá xăng dầu”

Chuyên gia kinh tế
NGUYỄN MINH PHONG

Thị trường xăng dầu thế giới những ngày qua tiếp tục ghi nhận sự giảm mạnh của cả giá dầu thô và các mặt hàng xăng dầu thành phẩm. Ngày 16-5, giá dầu thô WTI của Mỹ đã rời mốc 93 USD/thùng khi đóng cửa phiên ở mức hơn 92,8 USD/thùng.

Sự sụt giảm và liên tục đứng ở mức thấp so với giá trong vòng 1-2 tháng trước của dầu thô đã tác động mạnh mẽ lên diễn biến giá xăng dầu thành phẩm. Theo các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, giá xăng dầu nhập khẩu đang giảm khá mạnh.

Thị trường giao dịch dùng làm tham chiếu để điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu của VN là Singapore đã chứng kiến sự giảm giá của tất cả mặt hàng xăng dầu trong nhiều ngày trở lại đây. Ngày 16-5, giá xăng A92 chỉ còn 117,33 USD/thùng, giảm 10,85 USD/thùng so với phiên giao dịch đầu tháng 5-2012. Tương tự, các mặt hàng dầu hỏa, dầu DO đã lùi về 123-124 USD/thùng.

Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) cho biết giá trung bình xăng A92 trong nửa đầu tháng 5-2012 đã giảm 8,65% so với nửa đầu tháng 4-2012. Các mặt hàng dầu hỏa giảm 5,46%, dầu DO giảm 5,41% và dầu FO giảm 6,35%. Tính toán theo công thức tính giá cơ sở tại nghị định 84, giá trung bình 30 ngày tính từ ngày 16-5 trở về trước, giá cơ sở xăng A92 chưa gồm lợi nhuận định mức 300 đồng/lít là 22.480 đồng/lít. Như vậy, giá cơ sở đang thấp hơn giá bán lẻ 820 đồng/lít. Trường hợp tính từ sau ngày xăng đã giảm giá 500 đồng/lít, tức từ ngày 10 đến 16-5, giá trung bình chưa có lợi nhuận định mức là 21.500 đồng/lít. Với mức giá này, giá cơ sở thấp hơn giá bán lẻ tới 1.800 đồng/lít.

Theo tổng giám đốc một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu khu vực phía Nam, chi phí cho hoạt động kinh doanh của công ty đầu mối và cho đại lý phải cao hơn định mức của Bộ Tài chính 250-300 đồng/lít. Như vậy, từ khi giá xăng giảm đến nay, với các lô hàng mới về doanh nghiệp đầu mối đang lãi 1.500-1.550 đồng/lít.

Do giá xăng nhập khẩu giảm mạnh, cơ quan điều hành giá xăng dầu là liên bộ Tài chính - Công thương lại chưa yêu cầu giảm giá bán lẻ, nên các công ty đầu mối đã tiếp tục tăng chiết khấu 600-700 đồng/lít xăng cho các đại lý.

Không nên lấy lời bù lỗ

Các doanh nghiệp vận tải hàng hóa cho biết giá xăng dầu đang gây áp lực rất lớn đối với chi phí đầu vào và giá cước đầu ra của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Anh Tuấn, giám đốc một công ty vận tải container ở TP.HCM, cho biết nếu có điều kiện giảm giá bán lẻ xăng dầu khi giá nhập khẩu đã giảm, Nhà nước nên thực hiện giảm giá để hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo ông Tuấn, nếu lần này giảm được thêm 500 đồng/lít xăng dầu, sẽ có nhiều doanh nghiệp vận tải tính chuyện giảm giá cước vận chuyển hàng, vì lần giảm giá ngày 9-5 đa số doanh nghiệp đều giữ nguyên giá cước.

Một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn thừa nhận hiện nay đang có lời “kha khá” nhưng chưa thể giảm giá, vì trước đó doanh nghiệp chịu lỗ trong khoảng thời gian khá dài. Nay lời được 10-15 ngày vẫn chưa bù được khoản lỗ trước đó kéo dài cả tháng.

Các chuyên gia xăng dầu cho rằng không nên duy trì cơ chế lấy lãi giai đoạn sau bù lỗ giai đoạn trước. Khi giá tăng thì có quỹ bình ổn, có công cụ thuế, phí để điều chỉnh, doanh nghiệp cũng chủ động xin tăng giá bán, nhưng khi giá giảm thì doanh nghiệp chần chừ, không chủ động đề xuất giảm giá để bù lỗ giai đoạn trước là không hợp lý.

“Gấp rút sửa nghị định”

Tổng giám đốc một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu thừa nhận vấn đề mấu chốt hiện nay là phải gấp rút sửa nghị định 84 về quản lý và kinh doanh xăng dầu. “Dư luận kêu duy trì quy định điều hành giá xăng dầu như hiện nay chỉ có lợi cho doanh nghiệp, nhưng bản thân tôi lại tha thiết muốn sửa.

Ngay từ đầu tôi đã cho rằng cách tính giá cơ sở của Bộ Tài chính là quá cứng nhắc, khiến việc tăng giá xăng khi giá thế giới lên cũng khó, dễ gây sốc, mà giảm giá cũng không theo kịp đà giảm của thế giới, dư luận lại bức xúc” - ông này cho biết.

Theo Bạch Hoàn (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm