Trong khi đó, bản thân các doanh nghiệp đầu mối cũng chỉ cam kết đảm bảo chất lượng xăng trong hệ thống phân phối của họ, trường hợp bán cho đại lý, doanh nghiệp đầu mối cũng không tự tin về chất lượng, vì đại lý hoàn toàn có thể pha thêm methanol (cồn công nghiệp) vào xăng để bán kiếm lời mà vẫn giữ được chỉ số octan.
Về giả thiết xăng sinh học (xăng không chì pha với cồn sinh học ethanol) có khả năng gây cháy xe, Tổng công ty Dầu VN (PV Oil) cho biết sản phẩm xăng sinh học của công ty trước khi đưa ra thị trường đều được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng. Hiện công ty chỉ mới thực hiện phối trộn theo tỉ lệ 5% cồn ethanol và 95% xăng không chì truyền thống. Hỗn hợp này được gọi tắt là xăng E5. Xăng E5 đã được đánh giá là phù hợp với các loại động cơ xe ở VN, không gây ảnh hưởng gì đến động cơ và được chính thức bán ra thị trường tháng 8-2010. Hiện nay, việc phối trộn và đảm bảo chất lượng xăng E5 trước khi đưa ra tiêu thụ được tuân thủ theo quy trình đã được chứng nhận hợp quy chuẩn kỹ thuật. Tất cả lô hàng trước khi đem bán đều có sự đánh giá chất lượng của các trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Quatest).
Để tránh tình trạng xăng đem ra cửa hàng bị pha thêm ethanol vượt tỉ lệ 5%, tại các cửa hàng bán lẻ, PV Oil thực hiện lưu mẫu xăng trước và sau khi nhập hàng. Bên cạnh đó, công ty lập các tổ kiểm tra đột xuất và định kỳ để kiểm soát chất lượng xăng dầu tại các cửa hàng trực thuộc. Qua kiểm tra, đến nay chưa phát hiện điều gì bất thường. PV Oil cũng cam kết đảm bảo chất lượng xăng dầu trong hệ thống phân phối trực thuộc công ty.
Theo một lãnh đạo Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3), nếu xăng E5 pha đúng tỉ lệ 5% ethanol thì đảm bảo an toàn cho động cơ xe. “Từ khi cho phép bán xăng E5 đến nay, qua kiểm nghiệm, chưa có lô hàng nào doanh nghiệp gửi đến bị pha tỉ lệ vượt mức 5% ethanol. Chỉ trường hợp một vài lô hàng phối trộn chưa đều, chúng tôi đã yêu cầu phối trộn lại. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ kiểm soát được những lô hàng doanh nghiệp gửi đến kiểm nghiệm. Còn trường hợp doanh nghiệp có đem đến kiểm nghiệm hay cứ thế đưa thẳng ra thị trường lại là vấn đề khác” - vị lãnh đạo này nói.
Ông G., chủ một doanh nghiệp tư nhân xăng dầu ở Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết chuyện xăng dỏm, pha trộn với các phụ gia, hóa chất khác để kiếm lời không mới. Hiện nay rất nhiều đại lý đang sống khỏe bằng việc pha xăng với methanol, acetone... Hoặc họ tự mua hóa chất về pha với xăng A92 hoặc lấy hàng qua các đầu mối pha xăng dỏm đã có sẵn nguồn hàng. Nếu tự pha, việc mua các loại dung môi hóa chất pha xăng cũng rất dễ dàng, chỉ cần điện thoại là có hàng giao tận nơi. Giá methanol hàng xá trên thị trường hiện nay chủ yếu ở mức 7.500-9.200 đồng/kg, hàng tốt hơn khoảng 10.000 đồng/lít. Đa số được nhập từ Trung Quốc, Đài Loan, Ả Rập... Theo tính toán của giới kinh doanh xăng dầu, nếu pha methanol ở tỉ lệ 20%, giá methanol là 7.500 đồng/lít, giá xăng pha bán ra sẽ khoảng 20.150 đồng/lít. So với giá xăng A92 bán lẻ hiện nay là 23.300 đồng/lít, người bán xăng dỏm kiếm được 3.150 đồng/lít. Còn trường hợp pha với tỉ lệ 30% methanol, giá xăng pha chỉ khoảng 19.000 đồng/lít. Người bán xăng dỏm lúc này lời được 4.300 đồng/lít. “Đây là mức lợi nhuận cực khủng của xăng pha so với xăng thông thường nhận chiết khấu 500-600 đồng/lít, do đó đại lý làm liều cũng dễ hiểu” - trưởng phòng kinh doanh xăng dầu một công ty thương mại ở TP.HCM nói. |
Theo Bạch Hoàn (Tuổi Trẻ)