Hơn 20 năm nay, hình ảnh người phụ nữ mỗi sáng sớm mang chuối đến rải cho bầy sóc hoang trong Công viên Tao Đàn (TP.HCM) đã trở nên quen thuộc với những người đến đây tập thể dục. Cô tên là Nguyễn Thị Liễu (67 tuổi, ngụ quận 1).
Sáng nào cũng vậy, cứ tầm 4 giờ 30 là cô Liễu dậy chuẩn bị mang chuối tới công viên cho bầy sóc. Bất kể ngày nắng, ngày mưa, suốt ngần ấy năm cô chưa khi nào quên "bầy con nhỏ" của mình.
“Mấy ngày mưa lớn, không thể mang chuối được đúng giờ, cô phải chờ tạnh mưa rồi đem chuối qua rải cho bầy sóc. Bạn bè cô có rủ đi chơi xa, cô cũng không dám đi vì sợ rằng không ai lo cho mấy con sóc” - cô Liễu cười nói.
Cô Liễu rải những miếng chuối dưới gốc cây cho đàn sóc hoang trong Công viên Tao Đàn.
Nói về "cơ duyên" với bầy sóc hoang, cô kể một lần đi tập thể dục với bạn ở Công viên Tao Đàn, cô tình cờ nhìn thấy những con sóc lần xuống gốc cây tìm thức ăn. Nhưng chúng không tìm được gì, đành phải ăn lá cây, vỏ cây. "Lúc đó cô thấy thương bầy sóc lắm. Cô nảy ra ý định phải mua cái gì đó để cho chúng có thức ăn mỗi ngày. Thực lòng cô muốn làm việc này lâu dài chứ không chỉ một lần, hai lần rồi bỏ. Sau khi suy nghĩ, sàng lọc hết mấy loại trái cây, cô chọn chuối vì nó vừa túi tiền" - cô Liễu chia sẻ.
Ban đầu, cô Liễu mang những trái chuối đến công viên và đặt dưới gốc cây. Nhưng khi quan sát thấy bầy sóc từ trên cây chạy xuống gốc ăn một miếng chuối rồi lại leo lên, cứ thế cả chục lượt cô thấy không ổn. Vậy là cô bỏ thêm công xắt chuối ra thành từng miếng nhỏ cho bầy sóc có thể mang lên cây ăn dễ dàng hơn, đỡ mất công lên xuống nhiều lần.
Khi đã quen với việc được cho ăn, số lượng sóc chờ được ăn chuối mỗi sáng cũng nhiều hơn trước. Cô vừa rải chuối ở góc bên này, ngó qua bên kia thấy đám chuối vừa rải đã được bầy sóc ăn hết sạch. Lần lần, lượng chuối được tăng lên sáu ký, bảy ký, tám ký và bây giờ là hơn 10 ký mỗi ngày. Bầy sóc đã quen giờ giấc, quen với người cho ăn nên vừa thấy bóng cô thấp thoáng là chúng đã tụ tập sẵn dưới gốc cây chờ đợi.
Những miếng chuối được xắt nhỏ, cẩn thận để những con sóc có thể tha lên cây ăn.
Anh Trần Nguyên Tú, nhân viên cửa hàng quần áo đối diện nhà cô Liễu, kể ngày nào cũng vậy, cứ 6 giờ chiều hôm trước cô Liễu đã bắt đầu xắt chuối. Cô phải xắt từng khúc, từng khúc nhỏ, hơn tiếng đồng hồ mới đầy được năm hộp nhựa lớn. Chừng 4 giờ 30 đến 5 giờ sáng hôm sau, các hộp chuối sẽ được xếp gọn vào bao để cô mang tới công viên cho bầy sóc.
Không chỉ rải chuối cho bầy sóc ở công viên, cô Liễu còn thường xuyên mang thóc đến rải nuôi đàn chim bồ câu ở Cung văn hóa Lao động. Những đàn chim sẻ lâu lâu lượn tới trước nhà cũng được cô rải thóc cho ăn.
“Việc làm của cô Liễu xuất phát từ cái tâm, mang tính nhân văn khiến mình rất khâm phục. Mình nghĩ phải là một người giàu lòng yêu thương và có đủ kiên nhẫn thì cô mới có thể gắn bó với công việc này suốt hơn 20 năm như vậy. Nó giống như là thói quen và niềm vui mỗi ngày” - anh Tú chia sẻ thêm.
Việc làm ý nghĩa của cô Liễu nhận được nhiều sự ủng hộ. Có người cũng muốn chia sẻ, hỗ trợ về vật chất giúp cô nuôi bầy sóc nhưng cô từ chối. Cô tươi cười bảo: "Dù không dư dả nhưng chỉ cần tiết kiệm chi tiêu một chút là cô có thể lo được thóc và chuối cho “tụi nó” rồi”.
Những con sóc hoang từ trên cây xuống tha chuối lên ăn.
Cô Đỗ Thị Thu, một người thường xuyên tập thể dục ở Công viên Tao Đàn, nói về cô Liễu: “Phải là một người yêu thiên nhiên, yêu con vật thì cô Liễu mới có thể gắn bó với những con sóc lâu như vậy. Ngay cả những ngày lễ, Tết cô cũng thấy cô Liễu mang chuối đến rải cho bầy sóc. Mọi người tập thể dục ở đây, ai cũng mến cô Liễu vì cái tâm thiện của cô”.
Khi được hỏi đến khi nào cô sẽ ngừng rải chuối nuôi bầy sóc, cô Liễu cười bảo: “Đến khi nào không còn sức nữa thì thôi”.
Cô Liễu tỉ mẩn xắt từng trái chuối thành những miếng nhỏ.
Không chỉ nuôi bầy sóc trong công viên, cô Liễu còn thường xuyên rải thóc nuôi đàn bồ câu trong Cung văn hóa Lao động .